Lấy phiếu tín nhiệm trước khi Quốc hội tiến hành chất vấn để đảm bảo công bằng

18/10/2018 17:12
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đây là nhấn mạnh của ông Nguyễn Hạnh Phúc tại họp báo thông tin về dự kiến chương trình kỳ hop thứ 6 của Quốc hội vào ngày 18/10.

Một nội dung được dư luận quan tâm tại kỳ họp này là Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ diễn ra vào ngày 24/10.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, việc lấy phiếu là để thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá cán bộ.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký Quốc hội. Ảnh: Đ.T
Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký Quốc hội. Ảnh: Đ.T

Tại lần lấy phiếu này, có 2 chức danh sẽ không lấy phiếu tín nhiệm là Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông vì nhân sự đảm nhận các chức vụ này chỉ vừa được Quốc hội bầu, phê chuẩn 1 - 2 ngày trước phiên lấy phiếu tín nhiệm.

Theo đó, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sẽ có 48 người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này.

Lý giải lý do về thời gian Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm trước thời gian Quốc hội tiến hành chất vấn, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay:

"Chúng tôi luôn tham mưu và cho rằng lấy phiếu tín nhiệm trước chất vấn đảm bảo khách quan, công bằng. 

Bởi khi chất vấn, Quốc hội chỉ chất vấn thành viên chính có nội dung trong Nghị quyết và giám sát chuyên đề của Quốc hội.

Việc này để đảm bảo đánh giá công bằng", ông Phúc nói.

Theo Tổng thư ký Quốc hội, việc đánh giá các nhân sự do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn không chỉ bằng chất vấn mà bằng cả hoạt động từ đầu nhiệm kỳ.

Thành viên nào được lấy phiếu cũng đã có thời gian hoạt động ở vị trí đó khoảng 3 năm rồi. Các đại biểu Quốc hội chắc chắn đều đã nắm được.

"Chúng tôi cũng đã có gửi báo cáo của những người được lấy phiếu tín nhiệm đến các đại biểu Quốc hội nghiên cứu nên chắc chắn các đại biểu sẽ có đánh giá chính xác", ông Phúc cho biết.

Tại kỳ họp này, hoạt động chất vấn sẽ có điểm mới.

Quốc hội không chọn các Bộ trưởng, trưởng ngành cụ thể cho phiên chất vấn mà tiến hành chất vấn tổng thể về việc thực hiện lời hứa sau chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khoá XIV đến giờ.

“Một nguyên tắc sẽ được duy trì trong phiên chất vấn là “hỏi nhanh, đáp gọn”, tăng cường tranh luận. Các đại biểu sẽ có thời gian hỏi là một phút, người trả lời trong khoảng thời gian 3 phút.

Đại biểu Quốc hội chất vấn trưởng ngành nào, người đó sẽ trả lời”, ông Phúc cho hay.

Đỗ Thơm