Hải quân Anh cam kết sẽ tham gia bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông

22/10/2018 14:45
Hồng Thủy
(GDVN) - Anh có nghĩa vụ thể hiện sự hỗ trợ vật chất cho các đồng minh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, để chống lại những hành vi Trung Quốc coi thường UNCLOS.

The Financial Times ngày 22/10 dẫn lời Đô đốc Philip Jones, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Anh cho biết, London sẽ khẳng định quyền tự do hàng hải của mình tại Biển Đông, bất chấp các tuyên bố gần đây của Trung Quốc.

Đô đốc Philip Jones tin rằng, Anh có nghĩa vụ thể hiện sự hỗ trợ vật chất cho các đồng minh trong khu vực châu Á -  Thái Bình Dương, để chống lại những hành vi Trung Quốc coi thường Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Trả lời The Financial Times trong một cuộc phỏng vấn, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Anh cho biết:

"Nếu bạn có một cách giải thích khác về những quy ước cho đa số các quốc gia, thì điều đó phải bị chống lại. Nếu không, bạn có thể thấy xuất hiện ngay các quốc gia khác trên thế giới bắt đầu tự giải thích lại quy ước."

Đô đốc Philip Jones, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Anh, ảnh: The Financial Times.
Đô đốc Philip Jones, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Anh, ảnh: The Financial Times.

Tháng trước, Bắc Kinh đã cáo buộc Vương quốc Anh xâm phạm cái gọi là "chủ quyền" của Trung Quốc, khi tàu tấn công đổ bộ Hải quân Anh, HMS Albion, cơ động gần quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam).

Khi được hỏi liệu ông có tiếp tục điều tàu chiến Hải quân Anh đến các vùng biển tranh chấp hay không, Đô đốc Philip Jones cho biết:

"Tôi hy vọng chúng tôi sẽ làm nhiều hơn khi chúng tôi cơ động qua đó với các tàu mà chúng tôi có ở đó." [1]

Các diễn biến mới xung quanh vấn đề Biển Đông tuần qua

Hải quân các nước ASEAN sẽ có cuộc tập trận chung đầu tiên với Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông, các Bộ trưởng Quốc phòng Đông Nam Á cũng đã đồng ý hôm thứ Sáu 19/10 rằng sẽ tập trận chung với Mỹ ở Biển Đông vào năm tới.

Cuộc tập trận chung ASEAN - Trung Quốc diễn ra từ 22/10 đến 28/10 tại vùng biển gần Trạm Giang, Trung Quốc để xây dựng lòng tin lẫn nhau.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jimes Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã có cuộc tiếp xúc song phương gần 90 phút, dài hơn kế hoạch dự kiến 30 phút, bên lề diễn đàn ADMM+ tại Singapore.

Hai ông chủ yếu tập trung thảo luận vấn đề Biển Đông, sau đó là lời mời tướng Ngụy Phượng Hòa thăm Mỹ.

Chi tiết cuộc trao đổi giữa người đứng đầu Lầu Năm Góc với Lầu Bát Nhất không được tiết lộ, nhưng tướng James Mattis gọi cuộc nói chuyện này là rất thẳng thắn, càng lúc căng thẳng càng cần phải duy trì đối thoại. [2]

Cũng trong ngày thứ Sáu 19/10, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đã ký bản hướng dẫn xử lý các tình huống chạm trán máy bay quân sự trên không trong khu vực (Biển Đông).

Bản hướng dẫn này đã nhận được sự ủng hộ về nguyên tắc của các Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga...

Tuy nhiên, nghị sĩ Philippines Gary C. Alejano cảnh báo rằng, Trung Quốc sẽ không tuân thủ thỏa thuận này, bởi một thỏa thuận tương tự về các cuộc chạm trán tàu chiến trên Biển Đông đã được ASEAN và các đối tác quốc tế bao gồm Trung Quốc ký kết năm 2014, nhưng Bắc Kinh vẫn tiếp tục các hoạt động xâm lấn.

Nghị sĩ Alejano nhận định, các bản hướng dẫn trước đây cũng như hiện nay không đủ sức ngăn chặn căng thẳng trên Biển Đông một khi Trung Quốc tiếp tục thách thức các quy định và chuẩn mực. [3]

Nguồn:

[1]https://www.ft.com/content/efe13b86-d507-11e8-ab8e-6be0dcf18713

[2]https://www.washingtonpost.com/world/the_americas/recent-developments-surrounding-the-south-china-sea/2018/10/22/30e49166-d5bf-11e8-8384-bcc5492fef49_story.html?utm_term=.7ed1b170e738

[3]https://www.bworldonline.com/lawmaker-to-asean-dont-trust-china/

Hồng Thủy