Trình độ cao đẳng thuộc giáo dục đại học là phù hợp với chuẩn quốc tế

24/10/2018 07:00
Tiến sĩ Đặng Văn Định
(GDVN) - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (gọi tắt là Dự thảo 19/9/2018) đã không quy định trình độ cao đẳng thuộc giáo dục đại học.

LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng đăng tải bài viết thứ 2 của Tiến sĩ Đặng Văn Định - Trưởng ban nghiên cứu và phân tích chính sách (Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam), nguyên Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo dục quốc gia về những góp ý xung quanh Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đề ngày 19/9/2018.

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Năm 1997, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Giáo dục. Luật này được sửa đổi, bổ sung vào năm 2005. 

Năm 2012 Quốc hội thông qua Luật Giáo dục đại học. 

Các luật trên đều thống nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân có giáo dục đại học và trong giáo dục đại học có trình độ cao đẳng. 

Tuy nhiên, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (gọi tắt là Dự thảo 19/9/2018) đã không quy định trình độ cao đẳng thuộc giáo dục đại học.

Điều này khiến không ít nhà giáo, nhà nghiên cứu và những người quan tâm đến giáo dục phân tâm.

Theo Tiến sĩ Đặng Văn Định, trình độ cao đẳng thuộc giáo dục đại học là phù hợp với chuẩn quốc tế (Ảnh: Thùy Linh)
Theo Tiến sĩ Đặng Văn Định, trình độ cao đẳng thuộc giáo dục đại học là phù hợp với chuẩn quốc tế (Ảnh: Thùy Linh)

Chúng ta cần nhìn nhận về hệ cao đẳng thông qua thực tiễn và quy định quốc tế.   

Thứ nhất, về thực tiễn: Cùng với công cuộc đổi mới kinh tế, hơn ba mươi năm nay, giáo dục đại học đã xuất hiện không ít nhân tố mới. Ví dụ đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ… 

Tại Hội nghị đại học, cao đẳng toàn quốc năm 1989, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổng kết việc đào tạo trình độ cao đẳng và nhấn mạnh:

1. Cao đẳng sư phạm: là loại hình đào tạo phổ biến nhất ở nước ta, với chức năng đào tạo giáo viên các loại trường mẫu giáo, trung học cơ sở (cấp II) và các trường dạy nghề.

2. Cao đẳng y tế: ra đời giữa những năm 1970 với nhiệm vụ đào tạo y sĩ cao đẳng phục vụ ở tuyến cơ sở.

Gần đây, loại hình này chuyển sang đào tạo điều dưỡng viên và kỹ thuật viên y tế.

Trình độ cao đẳng thuộc giáo dục đại học là phù hợp với chuẩn quốc tế ảnh 2Tiến sĩ Đặng Văn Định góp ý hoàn thiện mô hình tổ chức và quản trị đại học

3. Cao đẳng nghiệp vụ: đào tạo nhân viên có học vấn và kiến thức nghiệp vụ sâu để hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và dịch vụ xã hội.

4. Cao đẳng nông nghiệp: ra đời với nhiệm vụ đào tạo đội ngũ kỹ sư nông nghiệp theo hướng nhấn mạnh thực hành để giữ vai trò chủ chốt trong những hợp tác xã nông nghiệp.

Những năm gần đây, cao đẳng nông nghiệp phải thay đổi mục tiêu chuyển sang đào tạo cán bộ kỹ thuật có kiến thức rộng, đảm đương chức năng dịch vụ khoa học - kỹ thuật nông nghiệp cho các hộ kinh tế gia đình.

5. Cao đẳng kỹ thuật: có nhiệm vụ đào tạo các kỹ thuật viên bậc cao (kỹ sư thực hành) trong các ngành công nghiệp và giao thông vận tải.

6. Cao đẳng cơ bản: là loại hình đào tạo cao đẳng đặc biệt với mục đích hoàn thiện kiến thức và kỹ năng theo hướng nghề nghiệp nhất định...[1].   

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã định rõ đặc trưng cơ bản của hệ đào tạo cao đẳng, thiết kế chương trình theo hướng “bám sát nhu cầu nhân lực xã hội” và “nhấn mạnh năng lực hoạt động nghề nghiệp cho người học”; quy định người học xong chương trình cao đẳng được cấp bằng “cử nhân cao đẳng”. Một số trường đại học gọi trình độ cao đẳng là “đại học ngắn hạn”.

Trình độ cao đẳng đã đi vào cuộc sống, được khẳng định tại Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học. Đặc biệt, đó cũng là biện pháp hóa giải những bế tắc của hệ trung cấp lỗi thời. 

Đến nay nhiều trường trung cấp công lập đã chuyển sang mô hình trường cao đẳng; cao đẳng “nghề” phát triển mạnh mẽ; mô hình cao đẳng thuộc các lĩnh vực y tế, nghiệp vụ và kỹ thuật là lựa chọn của không ít nhà đầu tư.

Số trường cao đẳng đã lên tới con số 500. Con số này cùng với 236 trường đại học, học viện đã làm nên một mạng lưới đại học đầy tiềm năng. 

Thứ hai, về quy định quốc tế: Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế (ISCED) là sản phẩm được Đại hội đồng các quốc gia thành viên UNESCO chính thức thông qua.

Nó là khung phân loại các hoạt động giáo dục dưới dạng chương trình giáo dục và trình độ tương ứng thành các mục được thống nhất quốc tế.

Bức tranh toàn cảnh về giáo dục đại học Việt Nam 5 năm qua

Việc phân loại các chương trình giáo dục theo hệ thống cấp độ tăng dần nhằm phản ánh một tập hợp các con đường học vấn đáp ứng hệ thống giáo dục. 

Hầu hết hệ thống giáo dục quốc dân của các nước trên thế giới đều có một con đường học vấn thiết thực từ cấp độ 0/1 đến cấp độ 8. 

Cụ thể: cấp độ 0: giáo dục mầm non; cấp độ 1: giáo dục tiểu học; cấp độ 2: giáo dục trung học cơ sở; cấp độ 3: giáo dục trung học phổ thông; cấp độ 4: trung cấp chuyên nghiệp hay trung cấp nghề (hoặc kỹ thuật bậc trung); cấp độ 5: cao đẳng; cấp độ 6: cử nhân hoặc tương đương; cấp độ 7: thạc sĩ hoặc tương đương; cấp độ 8: tiến sĩ hoặc tương đương. 

ISCED quy định giáo dục đại học bao gồm các cấp độ 5,6,7 và 8. Các chương trình cấp độ 5 thường được thiết kế nhằm cung cấp cho người học kiến thức kỹ năng và năng lực chuyên môn. 

Thông thường những chương trình này có các nội dung định hướng thực hành gắn với đặc thù nghề nghiệp và chuẩn bị cho sinh viên bước vào thị trường lao động. Đó cũng là những gì mà Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã đưa vào chương trình của “hệ đào tạo cao đẳng”.

Như vậy, hệ cao đẳng của Việt Nam là nhân tố mới thuộc giáo dục đại học, đã được xác lập, được trải nghiệm thực tiễn, được vận hành trong hành lang pháp lý của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và phù hợp với chuẩn mực quốc tế. 

Đặt trình độ cao đẳng trong giáo dục đại học và xây dựng cơ chế chính sách phù hợp sẽ tạo điều kiện để giáo dục đại học hoạt động hiệu quả, bền vững, góp phần tích cực vào việc đào tạo nhân lực trình độ cao, đáp ứng nhu cầu kinh tế xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Một số tư liệu về đổi mới giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 1987 -1997. NXB Giáo dục Việt Nam 2017.

Tiến sĩ Đặng Văn Định