Một tập thể hết lòng vì học sinh

24/10/2018 07:00
Phan Tuyết
(GDVN) - Bằng sự nhiệt huyết, lòng yêu thương trò như con giáo viên của Trường Mẫu giáo Tân Xuân đã mang đến niềm vui, tiếng cười cho các bậc phụ huynh dân tộc nơi này.

LTS: Chia sẻ về tập thể Trường Mẫu giáo Tân Xuân - một tập thể hết lòng vì học sinh, tác giả Phan Tuyết đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Trường Mẫu giáo Tân Xuân huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận hiện có 253 học sinh (trong đó có 30 học sinh dân tộc Rai).

Do đời sống kinh tế của những người dân tộc nơi đây còn khó khăn cộng với lối sống co cụm nên những đứa trẻ nơi này ít có cơ hội tiếp xúc với văn hóa bên ngoài.

Chúng thường khá nhát, khá rụt rè và thiếu nhiều kĩ năng sống vốn có.

Trường Mẫu giáo Tân Xuân (Ảnh: tác giả cung cấp).
Trường Mẫu giáo Tân Xuân (Ảnh: tác giả cung cấp).

Nhiều trường học thường xếp riêng trẻ người Kinh và trẻ dân tộc thành từng lớp học riêng biệt.

Theo một số giáo viên “xếp riêng lẻ để dễ dạy và dễ chăm sóc”. Nói thế chứ ai cũng biết xếp các lớp riêng như thế chỉ thuận lợi cho giáo viên (vì chỉ một vài ít giáo viên chịu khổ) nhưng học sinh lại vô cùng thiệt thòi.

Bởi học lớp riêng, các em rất dễ bị kì thị vì làn da đen, về cách ăn mặc, cách sinh hoạt… còn phân đều những học sinh dân tộc vào các lớp trẻ người Kinh, các em có nhiều cơ hội học tập, vui chơi nhưng tất cả các giáo viên phụ trách trong trường đều chịu chung vất vả.

Không theo cách làm quen thuộc của nhiều trường, cô Hiệu trưởng Hồ Thị Mỹ Linh đã cho trẻ dân tộc học hòa nhập chung với các bạn người Kinh.

30 em người dân tộc Rai được rải đều vào các lớp học từng độ tuổi với các trẻ người Kinh.

30 em người dân tộc Rai được rải đều vào các lớp học (Ảnh: tác giả cung cấp).
30 em người dân tộc Rai được rải đều vào các lớp học (Ảnh: tác giả cung cấp).

Theo cô giáo Lệ Minh (một trong những giáo viên có thâm niên dạy trẻ dân tộc lâu nhất của huyện) cho biết “được học hòa nhập, trẻ dân tộc sẽ học được nhiều kĩ năng của các bạn người Kinh. Các em cũng tự tin, năng động hơn rất nhiều”.

Để việc dạy hòa nhập hiệu quả, giáo viên dạy phải biết cả tiếng dân tộc. Cô Linh cho biết, nhà trường đã liên hệ với Ủy ban nhân dân xã giúp đỡ cùng các giáo viên trong trường đến nhà trưởng thôn để xin học chữ.

Cái khó của tiếng dân tộc Rai là không có chữ viết, cũng không có trong từ điển.

Khi nghe các cô hỏi, già làng cho biết “nói làm sao viết làm vậy”. Học nơi già làng, nhiều giáo viên còn tiếp cận phụ huynh để tìm hiểu và học thêm.

Chẳng hạn khi cha mẹ đưa các em đến lớp, lúc đến đón các em về…các cô tranh thủ hỏi và ghi chép lại cẩn thận. Mỗi lần chỉ học được vài từ.

Việc biết chữ dân tộc có lợi rất nhiều cho các cô trong quá trình dạy trẻ. Và cũng có lợi cho trẻ khi tiếp thu bài.

Ví như dạy con chó, đưa hình ảnh về con chó, ghi tiếng phổ thông là con chó cho học sinh đọc.

Sau đó, giáo viên nói thêm “nếu tiếng của bạn Minh (dân tộc Rai) phải đọc là asau. Hay như từ ăn cơm (boongbu), từ uống (nhum)…giáo viên vừa đưa tiếng phổ thông, vừa ví dụ cụ thể tên một số học sinh có trong lớp để các em dễ hiểu…

Các em nhỏ dân tộc Rai tự tin hòa nhập học tập cùng các bạn (Ảnh: tác giả cung cấp).
Các em nhỏ dân tộc Rai  tự tin hòa nhập học tập cùng các bạn (Ảnh: tác giả cung cấp).

Một số giáo viên dạy các lớp hòa nhập cho biết “ban đầu trẻ dân tộc không mạnh dạn, còn tự ti. Thế nhưng bằng sự gần gũi, yêu thương, sự đối xử công bằng giữa các bé của các cô, các bé đã vui vẻ và sống hòa đồng cùng các bạn khá nhanh chóng.

Cô Lệ Minh cho biết “trẻ dân tộc có nhiều thói quen không giống các bạn. Từ việc đi vệ sinh, ăn uống, cách ăn mặc đến đầu tóc, quần áo…giáo viên phải chịu khó để hướng dẫn các em từ từ.

Ví như một số em gái để tóc lòa xòa ngang mặt, cô sẽ chải đầu, buộc tóc, cột nơ và hỏi “con có thấy đẹp không? Con có thấy thích không?”. Sau đó, cô dặn các em “ngày mai đi học nói mẹ sẽ cột tóc cho con giống như cô hôm nay”.

Thế là ngày mai đến lớp, nhiều trẻ đã được ba mẹ làm dáng bằng cách chải tóc và cột nơ gọn gàng.

Nhiều nội quy, nề nếp khác các cô phải trực tiếp trao đổi với phụ huynh. Điều bất lợi là cha mẹ các em thường xuyên ở rẫy, ở nhà đứa lớn chăm sóc đứa bé.

Liên lạc bằng điện thoại nhiều phụ huynh không có. Thế nên các cô phải đến tận nhà vào ngày nghỉ mới có thể gặp được.

Bằng sự nhiệt huyết, lòng yêu thương trò như con giáo viên của Trường Mẫu giáo Tân Xuân đã mang đến niềm vui, tiếng cười cho các bậc phụ huynh dân tộc nơi này.

Họ không chỉ mừng vui vì con cái họ được học trong một ngôi trường khang trang, sạch đẹp mà mỗi ngày các bé đều có sự tiến bộ rõ nét.

Công lao ấy thuộc về các cô giáo như mẹ hiền ở Trường Mẫu giáo Tân Xuân huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận.

Phan Tuyết