Sách giáo khoa mới sẽ hạn chế viết, vẽ, tô trực tiếp để tránh lãng phí

27/10/2018 08:13
Trinh Phúc
(GDVN) - Bộ trưởng Nhạ cho rằng: “Sách giáo khoa mới sẽ được thiết kế làm sao hạn chế mức độ vẽ, tô, viết vào sách để tránh sự lãng phí".

Vấn đề sách giáo khoa được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Trong đó nổi cộm lên là việc độc quyền in ấn sách giáo khoa.

Việc thiết kế để học sinh vẽ viết vào sách giáo khoa gây lãng phí. Đồng thời, nhiều ý kiến lo ngại đến việc một chương trình, nhiều bộ sách sẽ phức tạp và tốn kém.

Trước những băn khoăn trên, ngày 26/10, giải trình tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, Nghị quyết 40 của Quốc hội khóa 10 năm 2000 có nêu đổi mới sách giáo khoa, chương trình dựa vào sách giáo khoa.

Thời đó, Nghị quyết của Quốc hội kết luận chỉ có một bộ sách giáo khoa được sử dụng trong cả nước và giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình các vấn đề giáo dục được các đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm (ảnh TTXVN).
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình các vấn đề giáo dục được các đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm (ảnh TTXVN).

Cũng theo Bộ trưởng Nhạ, theo Luật Xuất bản thì tôn chỉ, mục đích của nhà xuất bản trực thuộc bộ nào thì bộ ấy chỉ đạo. Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao việc biên soạn, biên tập, chỉnh lý, in ấn, phát hành cho Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam.

Đó là lý do sinh ra độc quyền theo hướng nhà nước giao cho một nhà xuất bản về in, phát hành sách giáo khoa.

Liên quan đến chương trình, sách giáo khoa, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, một chương trình một bộ sách có ưu điểm là ổn định và thống nhất trong toàn quốc. Rất nhiều vùng miền khác nhau, trình độ giáo viên khác nhau nhưng cũng có thể ổn định và học.

Tuy nhiên, việc một chương trình một bộ sách cũng có nhiều bất cập như phương pháp dạy và học do tính duy nhất một bộ sách giáo khoa nên nhiều thầy cô dựa vào sách giáo khoa dẫn đến cứng nhắc, rập khuôn, máy móc trong dạy học.

Sách giáo khoa mới sẽ hạn chế viết, vẽ, tô trực tiếp để tránh lãng phí ảnh 2Áp lực thi cử đã giảm, tuyển sinh đầu vào sư phạm được cải thiện

Do đó, theo Bộ trưởng Nhạ thì khi xây dựng Nghị quyết 88 của Quốc hội vấn đề này đã được bàn rất kỹ . Bộ trưởng Bộ Giáo dục cũng cho rằng, vì sách giáo khoa có một nên chưa khai thác được trí tuệ của nhiều thầy cô và khó xã hội hóa.

Quốc hội đã thống nhất khi đổi mới chương trình thì có một số bộ sách giáo khoa để khắc phục vấn đề này.

Bàn về phương án này, Bộ trưởng Nhạ phân tích, tới đây một chương trình, một số bộ sách giáo khoa có thể dẫn đến thực trạng có một số sách không phải nhà xuất bản, hay nhóm nào cũng sẵn sàng tham gia biên soạn. Hoặc do trình độ không đồng đều giáo viên giữa các vùng miền tham gia và dạy cũng rất khác nhau.

Nên, Quốc hội trong Nghị quyết 88 đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng một bộ sách giáo khoa. Sau đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có điều kiện tham gia biên soạn, không độc quyền mà mở rộng việc biên soạn.

Theo vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục: “Mỗi phương án có điều kiện thuận ý và không thuận ý. Đổi mới lần này chúng ta có cách tiếp cận rất căn bản.

Trước đây, đổi mới sách giáo khoa và dựa vào sách giáo khoa. Bây giờ, tiếp cận theo cách quốc tế theo Nghị quyết 88 là dựa vào chương trình tổng thể, chương trình môn học và từ chương trình ấy mới viết sách giáo khoa”.

Theo giải trình của Bộ trưởng Nhạ thì sách giáo khoa là một tài liệu quan trọng để thể hiện phương án, mục tiêu chương trình đầu ra, bên cạnh đó còn một số tài liệu khác theo phương thức quốc tế.

Khi thiết kế sách giáo khoa tạo cơ hội để cho các thầy cô chủ động linh hoạt trong phương pháp và linh hoạt  trong vùng miền.

Bởi vì thiết kế chương trình có 80% chương trình khung thống nhất trong quốc gia còn 20% các đặc điểm vùng miền, chuyên đề địa phương nó tạo ra sự rất linh hoạt.

Sách giáo khoa mới sẽ hạn chế viết, vẽ, tô trực tiếp để tránh lãng phí ảnh 3Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là động lực để tôi cố gắng hơn

Vị Bộ trưởng này nhấn mạnh: “Thiết kế sách giáo khoa khác với sách tham khảo thông thường do nhiều người làm được.

Mà sách giáo khoa khó nhất nằm ở khâu biên soạn, sau đó biên tập, đồ họa, còn in ấn phát hành thì nhiều người đều có thể thực hiện.

Ngay từ khi thiết kế đã lường được việc thiết kế có bài tập, điền, nối đuôi rồi tô màu cho các cháu lớp 1, lớp 2 là để tạo cơ hội cho các cháu vẽ và tô vào đó.

Bộ Giáo dục cũng đã hướng dẫn cùng với hướng dẫn các việc khác ví dụ như chào cơ, hát quốc ca, vệ sinh, rồi rất nhiều các công việc khác dạy làm người.

Một số hoạt động khác thì tốt, nhưng về hướng dẫn cho các cô, các trò không viết vào sách giáo khoa còn hạn chế”.

Cuối cùng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Tới đây phương pháp khi ban hành chương trình mới theo đó sách giáo khoa phổ thông sẽ được thiết kế làm sao để khắc phục, giảm những thiết kế ở mức nhất định để hạn chế mức độ vẽ, tô,  tránh sự lãng phí”.

Trinh Phúc