Phát biểu của Bộ trưởng Thiện đúng cao, đúng hay đúng thấp?

05/11/2018 07:45
Xuân Dương
(GDVN) - Đạo đức xuống cấp không hẳn là do kinh tế hay giáo dục, nó bắt đầu từ sự suy giảm niềm tin, từ những dồn nén kéo dài mà người dân phải chịu đựng...

Phản hồi trước các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng:

Sự xuống cấp của đạo đức xã hội đến trước hết từ các ngành kinh tế. Vậy nên cứ giao cho Bộ Văn hoá loay hoay thì không giải quyết được”.

Thông thường, nói đến tham nhũng, lãng phí, những thói hư, tật xấu của cán bộ, công chức, bao giờ cũng phải kèm theo cụm từ “một bộ phận không nhỏ” để tránh cách nói gọi là “vơ đũa cả nắm” hay thông tin sai sự thật. 

Phát biểu của vị Bộ trưởng Thiện “Đạo đức xã hội xuống cấp” không kèm theo giới hạn “một bộ phận không nhỏ” có phải là toàn bộ “xã hội”, không phân biệt sang hèn, thường dân hay quan chức?

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: Quochoi.vn

Nếu chỉ bằng vào ngôn từ, không có bất kỳ sự “suy diễn” nào, có thể thấy phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện dường như đã khẳng định đạo đức cả “xã hội” đều “xuống cấp”?

Người dân có suy nghĩ khác Bộ trưởng Thiện, nghĩa là cần phải phân biệt “cấp” nào “xuống” nhiều hơn, “cấp thường dân” hay “cấp lãnh đạo”?

Hơn nữa cũng cần phân biệt sự xuống “cấp đạo đức” của cấp nào nguy hiểm cho xã hội nhiều hơn: dân chúng, cấp phường xã hay cấp cao hơn?

Bằng cách phân tích như thế, rõ ràng là phải đặt ra câu hỏi: “Phát biểu của Bộ trưởng Thiện đúng cao, đúng hay đúng thấp”?

Tân Bộ trưởng Bộ Văn hóa hứa ưu tiên giải quyết "tất cả tồn tại" của ngành

Đặt ra ba mức “đúng” trong câu hỏi này chẳng qua là theo mạch suy nghĩ đã từng được đề cập bốn năm trước về chuyện con người phải đi bằng “ba chân” trong bài “Con người ba chân và câu hỏi dành cho hậu thế”. [1]

Cổ nhân có câu: “Phú quý sinh lễ nghĩa”, khi trở nên giàu có thì người ta mới chú ý đến những thứ thuộc về “lễ nghĩa”, có lẽ vì thế mà phát sinh cụm từ “giàu sang” và “nghèo hèn”.

Tuy nhiên, trên đời cũng không thiếu những người được gọi là “trọc phú”, giàu đấy nhưng “thiểu năng” đấy, thiểu năng đến mức “phú” nhưng “trọc”.

Từ “trọc” ở đây không nhằm mô tả cái mọc ở “trên đầu” mà là cái có ở “trong đầu”.

“Trọc phú” là loại trên đầu đầy tóc, được xịt “gôm” chải chuốt bóng lộn nhưng trong đầu lại nhẵn thín, một “sợi” văn hóa cũng không có.

Bộ trưởng Thiện không nói rõ, không chỉ đích danh “ngành kinh tế nào” làm cho đạo đức xã hội xuống cấp có phải vì ông muốn tránh chuyện “Ông là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng, sao ông phê bình tôi?” hay cũng còn vì “Nói người phải nghĩ đến ta”?

Đã gọi là ngành “kinh tế” tất phải liên quan đến tiền nong, đến sản xuất, kinh doanh, lỗ - lãi, mua đi bán lại,…

Theo cách hiểu như vậy thì có thể tạm phân loại như sau (dù không hoàn toàn chính xác):

“Kinh tế cao”: gồm những ngành như Công thương, Tài chính, Giao thông, Xây dựng, Ngân hàng, Nông nghiệp,…

“Kinh tế”: gồm các ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Giáo dục, Y tế, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên môi trường, Nội vụ,... 

Phát biểu của Bộ trưởng Thiện đúng cao, đúng hay đúng thấp? ảnh 2Những kẻ biến chất!

“Kinh tế thấp”: Một vài đơn vị, ngành còn lại.

Việc đưa ngành Nội vụ vào nhóm “Kinh tế” thoạt nhìn có vẻ vô lý vì ngành này không kinh doanh, cũng không sản xuất, vậy lý do là gì?

Thực ra, nhiều vị lãnh đạo cấp cao và nhiều văn bản cũng do cấp rất cao ban hành đã khẳng định có chuyện “mua quan, bán chức” trong bộ máy.

Nếu đã dính đến mua và bán thì lẽ ra phải thuộc nhóm “Kinh tế cao”, sao lại hạ bậc “kinh tế” của ngành này?

Chả là theo dư luận đồn thổi thì chuyện “mua quan, bán chức” là lĩnh vực “kinh doanh có điều kiện”, nghĩa là phải thỏa mãn nhiều đòi hỏi khắt khe trong “quy trình”!

Về điều này ông Trần Trọng Dực - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội từng nói: 

Tôi xin mách với các đồng chí lãnh đạo quận, huyện, trưởng phòng nội vụ các quận, huyện đang là đầu mối thu hút việc tiếp nhận hồ sơ, nhận tiền “chạy”của các thí sinh để đỗ công chức và không dưới 100 triệu đồng.

Nói đến điều này là rất đau lòng, nhưng đây là thực trạng đang tồn tại”. [2]

Một vị chức sắc ngành Nội vụ đã khẳng định: “Đoàn kiểm tra của Bộ đã làm việc với Quảng Nam và nói rằng tỉnh này "bổ nhiệm đúng quy trình".

Phát biểu của Bộ trưởng Thiện đúng cao, đúng hay đúng thấp? ảnh 3Quy trình và tiếng dân

Ông Lê Phước Hoài Bảo đủ điều kiện hoàn thành nhiệm vụ”. [3] 

Sau khi vị “Giám đốc chơi chim” được bổ nhiệm lúc 30 tuổi này lại bị kỷ luật, không thấy nhắc đến chuyện “đúng quy trình” nữa và việc không đả động này cũng chỉ là tuân theo một “quy trình” khác nhưng ít người biết.

Báo Công an nhân dân online viết: “Gần đây Tổng Bí thư có nêu một khái niệm là chạy luân chuyển. Điều đó có nghĩa có chính sách gì mới là chạy.

Việc này dân biết, Đảng biết, Chính phủ và các ban, ngành biết.

Nhưng chúng ta thiếu một cơ chế, cơ sở để gắn trách nhiệm cho người đứng đầu trong quá trình xử lý và chính vì thế câu hỏi "chạy ai?" "ai chạy?" chúng ta chưa trả lời được”. [4]

Nếu như vậy xếp Nội vụ vào nhóm “Kinh tế cao” không phải là thiếu cơ sở nhưng vì "chạy ai?" "ai chạy?" "chúng ta chưa trả lời được" nên dễ bị cho là tự suy diễn, đưa vào nhóm “thấp” thì lại sợ bị cho là “nói sai sự thật”, thể nên chọn phướng án an toàn là đưa vào giữa. 

Ngoài ra có những ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn không thuộc nhóm ngành “kinh tế” nhưng qua các vụ án “Đánh bạc qua mạng”, “Vũ nhôm”, “Út trọc”, “Đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân”,… nên không thể “hạ bậc kinh tế” của các ngành này xuống nhóm “Kinh tế thấp”.

Ai đứng sau vụ anh Cà Rê bị phạt?

Không ít người lạc quan cho rằng kinh tế Việt Nam vừa qua có nhiều khởi sắc, từ quốc gia nghèo đã trở thành nước thuộc nhóm có thu nhập trung bình.

Một chuyên gia nước ngoài, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu:

Tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng trong năm 2017 và quý I-2018 đang tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục tiến lên".

Khi kinh tế khấm khá, tức là trở nên “phú quý” thì “lễ nghĩa” phải phát triển tương ứng, nghĩa là đạo đức, văn hóa phải “tăng trưởng” theo chiều hướng tích cực, vì sao lại đi vào vết xe “phú” nhưng lại “trọc”, vì sao lại là “phú quý giật lùi”?

Liệu có phải sự phát triển kinh tế của chúng ta chưa đủ tầm để sinh ra “lễ nghĩa”, nói cách khác, có phải nền kinh tế của chúng ta chưa đủ mạnh, chưa đến tuổi “kết hôn” nên chưa thể đẻ ra “lễ nghĩa”?

Theo Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổng số công nhân Việt Nam đến năm 2016 là 14,5 triệu người. [5]

Còn theo số liệu trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì “Năm 2017, các doanh nghiệp FDI chiếm 72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Về lao động, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và khoảng 5-6 triệu lao động gián tiếp”. [6]

Gần 10 triệu lao động làm việc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong khi tổng số công nhân khoảng 15 triệu, vậy là phần lớn lao động (công nghiệp) Việt Nam chỉ là người làm thuê cho tư bản nước ngoài trên chính quê hương mình.

Gần 73% hàng xuất khẩu là do các doanh nghiệp nước ngoài chi phối vậy kinh tế Việt Nam mạnh ở điểm nào?

Có người nói: “Nếu thắng trong sự nghiệp giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế”.

Vậy có thể suy diễn theo chiều ngược lại: “Thua trong lĩnh vực kinh tế là do thua trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực”, nói cách khác là thua trong chiến lược con người?

Nếu “chiến lược làm thuê” được xem là động lực quan trọng phát triển xã hội thì điều gì sẽ xảy ra?

Đội ngũ lao động ấy chẳng cần sáng tạo, ngày tám tiếng đứng trong dây chuyền đã kiệt sức còn đâu thời gian nghĩ đến chuyện vào nhà hát nghe giao hưởng. 

Ngược lại, với mức lương công chức cấp cao cỡ 15 triệu đồng một tháng nhưng con cái gửi hết ra nước ngoài học, dinh cơ, biệt phủ trị giá nhiều tỷ đồng thì liệu có phải do tiết kiệm từ lương hay nhờ vào nuôi heo, buôn chổi đót?

Xem ra đạo đức xuống cấp không hẳn là do kinh tế hay giáo dục, nó bắt đầu từ sự suy giảm niềm tin, từ những dồn nén kéo dài mà người dân phải chịu đựng có khi tới mấy chục năm như vụ đất đai ở Thủ Thiêm hay vụ đổi 100 USD ở Cần Thơ.

Trả lời câu hỏi: “Phát biểu của Bộ trưởng Thiện đúng cao, đúng hay đúng thấp?” sẽ là “Phát biểu của Bộ trưởng Thiện đúng nửa sau”, nghĩa là “Bộ Văn hoá loay hoay thì không giải quyết được”.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Con-nguoi-ba-chan-va-cau-hoi-danh-cho-hau-the-post152700.gd

[2] https://laodong.vn/xa-hoi/chay-cong-chuc-khong-duoi-100-trieu-dong-427619.bld

[3] https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/bo-noi-vu-len-tieng-ve-viec-giam-doc-so-30-tuoi-duoc-bo-nhiem-dung-quy-trinh-3686572.html

[4] http://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Quoc-hoi-de-nghi-lam-ro-can-nguyen-te-mua-quan-ban-chuc-387428/

[5]http://www.moit.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/cham-lo-%C4%91oi-song-nguoi-lao-%C4%91ong-109869-14.html

[6] http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=40169&idcm=188

Xuân Dương