Tranh luận chưa hồi kết về "tâm tư phong tướng" trong Công an nhân dân

07/11/2018 07:12
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đây là một trong những nội dung còn rất nhiều ý kiến khác nhau của đại biểu khi thảo luận về Luật Công an nhân dân (sửa đổi) ngày 6/11.

Tại phiên thảo luận hôm 6/11, nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến về điều 25 dự thảo luật quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân.

Theo dự thảo, lực lượng công an có một đại tướng (Bộ trưởng Công an), không quá 6 thượng tướng (các thứ trưởng), không quá 35 trung tướng (lãnh đạo một số cục, giám đốc công an Hà Nội và TP.HCM), không quá 159 thiếu tướng (lãnh đạo một số cục, giám đốc công an 11 tỉnh, thành trực thuộc trung ương có đô thị loại 1, phó giám đốc công an Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh).

Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Quochoi.vn

Thời bình có cần số lượng hàm tướng nhiều như dự thảo?

Đại biểu Phạm Văn Hòa – đoàn Đồng Tháp cho rằng, số lượng theo quy định của dự thảo Luật theo đại biểu là nhiều.

Theo đại biểu, trên thế giới hiện nay, có một số quốc gia Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an nói chung chỉ là dân sự mà họ vẫn chỉ đạo, chỉ huy cao nhất trong ngành.

Ở nước ta, lực lượng vũ trang là phải có cấp, hàm. Điều đó là không bàn cãi nhưng phải tính sao cho hợp lý.

“Trong điều kiện nước ta ở thời bình, được thế giới ca ngợi là quốc gia ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Hàm tướng có cần thiết số lượng nhiều như thế hay không?

Cấp tướng thì phải có quân số nhất định để chỉ huy chứ không thể mang hàm tướng mà quân số chẳng là bao nhiêu.

Hàm trung tướng có chức vụ Cục trưởng và tương đương với số lượng 32 là nhiều, đề nghị nên có cân nhắc.

Hàm thiếu tướng nên có số lượng con số chẵn chứ không lẻ con số như dự thảo là 139. Tương tự hàm thiếu tướng có số lượng không quá 11 đối với Giám đốc công an hành chính tỉnh loại I.

Tôi cho rằng quy định như vậy còn bất cập với các tỉnh, thành phố còn lại.

Có tỉnh, thành phố hiện tại là loại II nhưng tiệm cận là loại I. Sau này lên loại I thì sao? Có được phong hàm thiếu tướng hay không vì đã đủ số 11?

Hay là linh động, điều động sang nơi khác để đảm bảo tròn số 11. Nếu hàm phong thiếu tướng thì con số sẽ vượt”, đại biểu phân tích.

Theo đại biểu Hòa, người mang hàm thiếu tướng của tỉnh này chưa chắc đã có chuyên môn, thời gian trong ngành cao hơn người mang hàm đại tá của tỉnh khác, như vậy sẽ không hợp lý.

Cùng là Giám đốc Công an tỉnh, thành phố như nhau mà có người mang hàm cấp tướng, có người lại mang hàm cấp tá do quy định trong luật.

Đại biểu Trần Hồng Hà. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Trần Hồng Hà. Ảnh: Quochoi.vn

Thu gọn đầu mối phải giám số lượng cấp tướng nhưng Luật lại đề nghị tăng

Cũng về nội dung trên, đại biểu Trần Hồng Hà – đoàn Vĩnh Phúc phát biểu đánh giá rất cao lực lượng công an đã đi đầu trong việc cải cách tổ chức bộ máy thu giảm đầu mối.

Chúng ta đã thu gọn đầu mối, giảm đầu mối thì phải đi liền với giảm biên chế và đặc biệt là phải giảm số lượng cấp tướng.

Tuy nhiên, trong dự thảo luật lần này chúng ta đề nghị lại tăng. Vấn đề này cũng cần phải hết sức xem xét thận trọng.

“Nếu chúng ta quy định như thế này thì sẽ rất khó trong việc điều động luân chuyển lãnh đạo cục từ cục nọ sang cục kia, có những cục có chuẩn quân hàm tướng, có những cục có trưởng quân hàm thiếu tướng.

Tôi đề nghị phải quy định rõ số lượng tướng. Tôi đồng tình và cũng nêu rõ là số lượng cán bộ cấp tướng biệt phái cũng cần phải nằm trong số lượng này”, đại biểu nói.

Ở địa phương, đại biểu đồng ý quy định rõ số lượng là 11, khống chế không quá 11.

Tuy nhiên, về tiêu chí đơn vị hành chính loại 1, đại biểu đồng tình với nhiều ý kiến là không nên theo xếp loại đơn vị hành chính.

Vì nay mai chúng ta phát triển thì sẽ có nhiều tỉnh đạt tiêu chí là đơn vị hành chính cấp 1.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu – đoàn Nghệ An lại cho rằng, việc quy định 11 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng đối với Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phân loại đơn vị hành chính loại 1 là phù hợp.

Bởi đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1 đã được phân loại theo tiêu chuẩn quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết 1221 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các tỉnh này là địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự, mỗi năm khởi tố từ 1.000 - 3.000 vụ án hình sự và số lượng bị can từ 1.500 - 6.000 bị can.

Quân số của Công an tỉnh đông từ 3.500 - 6.000 cán bộ chiến sĩ và tiếp tục sẽ tăng lên khi điều chỉnh lại lực lượng.

“Như vậy, công an tỉnh này cần phải được quan tâm tăng cường toàn diện trong đó có cấp bậc hàm cao nhất của 11 Giám đốc Công an tỉnh là đơn vị hành chính loại 1 thiếu tướng là phù hợp với tính chất công việc của Giám đốc công an địa phương trong thời điểm hiện nay”, vị đại biểu là Giám đốc công an Tỉnh Nghệ An nhấn mạnh.

Bộ Công an cam kết không tăng một biên chế nào từ nay đến năm 2021

Trong phần giải trình tại cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định, Bộ Công an cũng đã cam kết với Quốc hội từ khi trình dự án luật này là sẽ không tăng biên chế.

Điều cam kết này hoàn toàn có cơ sở vì trên thực tế đây là một việc đánh giá và bố trí lại lực lượng trong Công an nhân dân.

Việc này thì Chính phủ cũng đã đồng ý là từ nay cho đến năm 2021, Bộ Công an không tăng một biên chế nào, toàn bộ là sắp xếp trong nội bộ và duy trì biên chế hiện có.

"Từ nay cho đến năm 2021 khi mà sắp xếp, bố trí lực lượng Công an xã, thậm chí có thể nếu hoàn chỉnh, khi Luật Công an nhân dân ra đời, cũng không tăng biên chế", Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Đỗ Thơm