Tập Cận Bình muốn thỏa hiệp, Donald Trump có sẵn sàng?

09/11/2018 10:42
Hồng Thủy
(GDVN) - Nếu Trung Quốc không thực sự thay đổi chiến lược và cách tiếp cận mà chỉ hiệu chỉnh sách lược tạm thời, căng thẳng Trung - Mỹ sẽ khó hạ nhiệt.

Tạp chí Caixin, Trung Quốc ngày 9/11 đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông qua cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger nhắn nhủ, Bắc Kinh muốn giải quyết tranh chấp với Washington.

Ông Tập Cận Bình mong muốn giải quyết các tranh chấp với Tổng thống Donald Trump thông qua đối thoại với hy vọng, sự lựa chọn con đường phát triển và lợi ích quốc gia của mình được Mỹ tôn trọng.

Cựu Ngoại trưởng 95 tuổi tái xuất

Chủ tịch Trung Quốc đã có buổi tiếp cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại Đại lễ đường Nhân dân ngày 8/11, ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp Tổng thống Donald Trump vào cuối tháng này bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20.

Nguyên thủ 2 cường quốc đều thể hiện sự lạc quan về khả năng phá vỡ bế tắc thương mại song phương. Kể từ tháng Bảy 2018, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã áp đặt thuế quan lên hàng hóa của nhau, theo sau là các cuộc chạm trán liên tục trên Biển Đông.

Ông Tập Cận Bình tiếp cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại Bắc Kinh ngày 8/11, ảnh: Reuters / Đa Chiều.
Ông Tập Cận Bình tiếp cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại Bắc Kinh ngày 8/11, ảnh: Reuters / Đa Chiều.

Bản tin do Bộ Ngoại giao Trung Quốc cung cấp cho biết, trong cuộc tiếp Henry Kissinger ông Tập Cận Bình nói rằng mình sẽ có một cuộc "trao đổi sâu sắc về quan điểm" với Donald Trump ở Argentina.

Theo ông Tập Cận Bình, Trung Quốc và Hoa Kỳ cần đánh giá chính xác các ý định chiến lược của nhau, Trung Quốc sẽ kiên trì con đường phát triển hòa bình, tích cực thúc đẩy quan hệ Trung - Mỹ phát triển trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.

Chủ tịch Trung Quốc tin rằng đang có sự gia tăng những nhận định tiêu cực về Trung Quốc ở Hoa Kỳ. Bắc Kinh muốn giải quyết các vấn đề thông qua đàm phán, Washington nên tôn trọng chính sách phát triển và "lợi ích quốc gia hợp pháp" của Bắc Kinh.

Tập Cận Bình gọi Henry Kissinger là "người bạn cũ" của nhân dân Trung Quốc, ông hoan nghênh đóng góp của nhà ngoại giao kỳ cựu Hoa Kỳ cho quan hệ song phương.

"Chúng tôi sẽ không quên điều đó", ông Tập Cận Bình nói, sau khi nhắc lại vai trò mở đường của vị cựu Ngoại trưởng 95 tuổi này cho cú bắt tay xuyên Thái Bình Dương giữa Richard Nixon với Mao Trạch Đông năm 1972.

Trước khi đến Bắc Kinh, ông Henry Kissinger phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mới Bloomberg tại Singapore, rằng Trung Quốc phải hiểu sự cân bằng quyền lực quốc tế không thể bị ép buộc, trong khi đó Mỹ cần nhận ra, không phải mọi cuộc khủng hoảng đều do ý chí xấu gây nên.

Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu quan ngại, Tổng thống Donald Trump chưa nương tay

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang có dấu hiệu nới lỏng sau một cuộc điện đàm giữa ông Tập Cận Bình với ông Donald Trump tuần trước.

Chủ nhân Tòa Bạch Ốc viết trên Twitter, ông và Chủ tịch Trung Quốc đã có cuộc trò chuyện dài và rất tốt hôm 1/11. [1]

Đưa tin về cuộc tiếp cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger của Chủ tịch Trung Quốc, tờ Nikkei Nhật Bản ngày 9/11 lựa chọn khía cạnh "Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung - Mỹ cần hiểu biết và nhượng bộ lẫn nhau" để đặt tít.

Yomiuri Shimbun cùng ngày đưa tin: Tập Chủ tịch gửi thông điệp qua Henry Kissinger, hy vọng Hoa Kỳ nhượng bộ. Bản tin nhấn mạnh phát biểu của ông Tập Cận Bình, rằng Washington nên tôn trọng con đường đã chọn cũng như lợi ích của Trung Quốc. [2]

Chiến dịch ngoại giao con thoi đột biến

Từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 11, Phó chủ tịch nước Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đi Singapore dự Diễn đàn kinh tế mới Bloomberg. Tại đây ông Sơn cũng đã gặp cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger.

Vương Kỳ Sơn kêu gọi Hoa Kỳ quay trở lại bàn đàm phán với Trung Quốc, ông Sơn bình luận:

Các vấn đề lớn mà thế giới hiện đang phải đối mặt đều cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Phía Trung Quốc kiên định cho rằng, Trung - Mỹ hợp tác tất cùng có lợi, hai nước đối đầu ắt cùng tổn thất.

Hơn thế nữa, đối đầu Trung - Mỹ còn ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển toàn cầu. Trung Quốc tiếp tục duy trì sự bình tĩnh và tỉnh táo, kiên trì đổi mới để làm sao hai bên cùng có lợi, cùng thắng;

Cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều có mong muốn tốt đẹp về việc mở rộng hợp tác thương mại, phía Trung Quốc cam kết cùng phía Mỹ đàm phán giải quyết các vấn đề hai bên cùng quan tâm, thúc đẩy việc đạt được thỏa thuận mà hai bên đều có thể chấp nhận được.

Phó chủ tịch nước Trung Quốc Vương Kỳ Sơn và cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại Singapore, ảnh: Tân Hoa Xã.
Phó chủ tịch nước Trung Quốc Vương Kỳ Sơn và cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại Singapore, ảnh: Tân Hoa Xã.

Mặc dù không nằm trong Thường vụ Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19, ông Vương Kỳ Sơn vẫn được giới quan sát xếp vị trí thứ 3 sau ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường.

Chuyến công du Singapore và phát biểu về quan hệ Trung - Mỹ lần này của ông Vương Kỳ Sơn nhiều khả năng là thay mặt ông Tập Cận Bình chuyển tải thông điệp của Trung Nam Hải về căng thẳng Trung - Mỹ cho phần còn lại của thế giới. 

Vương Kỳ Sơn luôn luôn ca ngợi Henry Kissinger là "người bạn cũ của nhân dân Trung Quốc", trong khi ông Sơn đã thiết lập được mối quan hệ cá nhân thân thiết với cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson từ năm 2008, khi còn làm Phó thủ tướng Trung Quốc.

Cả 3 nhân vật nói trên cùng hiện diện tại Diễn đàn Kinh tế mới do cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg khới xướng, lần đầu tổ chức tại Singapore là rất đáng chú ý.

Tại diễn đàn này, cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger bày tỏ sự "lạc quan tuyệt đối" về quan hệ Trung - Mỹ, trong khi cựu Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson không tin Mỹ có thể nghỉ chơi với Trung Quốc.

Ông Henry Paulson nhấn mạnh, trên thực tế nhiều chính khách có ảnh hưởng trên chính trường Mỹ ở cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đang tin rằng, Mỹ cần phải tách khỏi Trung Quốc về thương mại, tài chính, kỹ thuật và con người.

Nhưng theo ông Henry Paulson, xu hướng chia tách quan hệ Trung - Mỹ sẽ gặp nhiều trở ngại phức tạp và không một quốc gia nào muốn nghỉ chơi với một nước quan trọng như Trung Quốc.

Dấu hiệu Bắc Kinh thay đổi thái độ, muốn thỏa hiệp với Mỹ

Ngày 1/11 Donald Trump điện đàm với Tập Cận Bình, ngày 9/11 Dương Khiết Trì và Ngụy Phượng Hòa đối thoại với Mike Pompeo cùng James Mattis tại Washington;

Thông điệp của Trung Quốc với Đài Loan và "các lực lượng thân Mỹ"

Phát biểu của Vương Kỳ Sơn tại Singapore ngày 6/11 cũng như Henry Kissinger đến Trung Quốc gặp Tập Cận Bình hôm 8/11, tất cả những động thái dồn dập này cho thấy dường như Bắc Kinh đã thay đổi thái độ.

Trước đó chính phủ Trung Quốc công bố tỉ lệ tăng trưởng GDP quý 3 năm nay là 6,5%, thấp nhất trong 10 năm qua, thị trường chứng khoán và tỉ giá đồng nhân dân tệ với đồng đô la Mỹ đều đang phải chịu áp lực chưa từng có.

Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên đánh giá, căng thẳng thương mại Trung - Mỹ có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng GDP Trung Quốc từ 0,2% đến 0,8%.

Ông Xuyên tin rằng, ảnh hưởng lớn nhất của căng thẳng thương mại Trung - Mỹ nằm ở lòng tin, biểu hiện rõ nét nhất là trên thị trường chứng khoán và khối doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson thì bày tỏ lo ngại, nếu xu hướng Mỹ tiếp tục ngừng hợp tác với Trung Quốc trên 4 lĩnh vực thương mại, tài chính, kĩ thuật và con người, có thể dẫn đến tình trạng dòng lưu thông hàng hóa toàn cầu bị đình trệ, một cuộc suy thoái kinh tế có thể xuất hiện.

Cá nhân người viết cho rằng những nỗ lực nói trên từ phía Trung Quốc sẽ khó thu hoạch được thành quả đáng kể nếu Bắc Kinh không thực sự thay đổi chiến lược, mà chỉ điều chỉnh sách lược.

Thứ nhất về mặt kinh tế thương mại, những phàn nàn, lên án của ông Donald Trump về cung cách làm ăn của Trung Quốc đã được lặp lại ở châu Âu. 

Anh và Đức đã xây dựng hàng rào kỹ thuật lẫn pháp lý để ngăn ngừa rủi ro từ hoạt động đầu tư của các công ty Trung Quốc vào những lĩnh vực nhạy cảm như truyền thông, điện hạt nhân...tại các quốc gia này.

Sáng kiến Vành đai và Con đường mang đậm dấu ấn cá nhân của ông Tập Cận Bình được dư luận cơ bản đánh giá là chiến lược Trung Quốc chuyển hóa sức mạnh kinh tế hiện nay thành quyền bá chủ về mặt địa chính trị, đặc biệt là nguy cơ bẫy nợ ngoại giao cho các nước mục tiêu.

Xu hướng Trung Quốc vẫn tiếp tục quân sự hóa và theo đuổi mục tiêu độc chiếm Biển Đông chưa có dấu hiệu dừng lại, ảnh minh họa: Reuters.
Xu hướng Trung Quốc vẫn tiếp tục quân sự hóa và theo đuổi mục tiêu độc chiếm Biển Đông chưa có dấu hiệu dừng lại, ảnh minh họa: Reuters.

Thứ hai về mặt quân sự, việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông với tham vọng biến vùng biển này thành ao nhà, sân sau cho mình nếu không thay đổi, sẽ rất khó có được sự chấp nhận của Hoa Kỳ.

Trong phiên đối thoại an ninh và ngoại giao Trung - Mỹ lần này, Bắc Kinh nói rằng hai bên sẽ trao đổi rất thẳng thắn về vấn đề Biển Đông, Đài Loan và Triều Tiên, nhưng chưa rõ Trung Quốc có thay đổi gì không.

Thứ ba về mặt pháp lý, Trung Quốc vẫn tiếp tục chống lại Phán quyết Trọng tài ngày 12/7/2016 về việc áp dụng, giải thích Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 trên Biển Đông.

Động thái này không chỉ đe dọa chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven Biển Đông, mà còn tạo tiền lệ xấu trong việc dùng cường quyền, sức mạnh để thay đổi các quy tắc của luật pháp quốc tế.

Do đó, những dấu hiệu hòa hoãn trong quan hệ Trung - Mỹ sẽ chỉ là nhất thời, nếu Trung Quốc không thực sự sẵn sàng thay đổi.

Nguồn:

[1]https://www.caixinglobal.com/2018-11-07/new-world-order-at-risk-if-sino-us-conflict-escalates-kissinger-101343907.html

[2]http://news.dwnews.com/global/news/2018-11-08/60096972.html

Hồng Thủy