Xây dựng mô hình gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và xuất khẩu lao động

14/11/2018 06:26
Việt Duy
(GDVN) - Theo ông Đào Văn Tiến đại diện Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, cần xây dựng mô hình gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

Ngày 13/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Tiền Phong tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài”.

Phát biểu tại hội thảo này, ông Đào Văn Tiến – Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao Động Thương Binh và Xã hội cho biết, trong thời gian vừa qua, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp với nhiều cơ quan có liên quan triển khai một chuỗi các hoạt động, nhằm gắn kết các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp.

Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đã tổ chức, xây dựng, triển khai mô hình gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp xuất khẩu lao động, gắn tuyển sinh với định hướng đi học tập, làm việc ở nước ngoài bằng hợp đồng đào tạo, trong đó sẽ nêu trách nhiệm cụ thể của nhà trường, doanh nghiệp.

Toàn cảnh buổi hội thảo “Nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài” vào ngày 13/11 (ảnh: P.L)
Toàn cảnh buổi hội thảo “Nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài” vào ngày 13/11 (ảnh: P.L)

Theo ông Đào Văn Tiến, một số địa phương ở nước ta rất quan tâm đến việc xuất khẩu lao động. Nhìn ra nước ngoài, từ 40 – 50 năm trước, Nhật Bản và Hàn Quốc đã gửi lao động đi xuất khẩu ở nước khác, mang về cho đất nước họ nhiều tiến bộ và kỹ thuật mới, tác phong làm việc chuyên nghiệp.

“Cùng với giải quyết việc làm ở trong nước, thì giải quyết việc làm cho lao động ở nước ngoài cũng là một chiến lược để phát triển kinh tế ở nước ta” – ông Đào Văn Tiến nhấn mạnh.

Chính vì vậy, ông Đào Văn Tiến đề nghị, các doanh nghiệp cần cung cấp cho nhà trường nhiều hơn nữa các cơ hội đi học tập, làm việc ở nước ngoài, để trường đưa vào thông tin tư vấn tuyển sinh, tư vấn học nghề.

Từ cơ sở này, các trường học sẽ đào tạo nghề, đào tạo các kỹ năng mềm, cùng với sự phối hợp, đồng hành của doanh nghiệp ngay từ đầu, trong suốt quá trình đào tạo, giúp sinh viên làm tốt việc học, lao động của mình.

Có một thực tế, nhiều trường đại học – cao đẳng cũng đã tổ chức liên kết, hợp tác với các đơn vị xuất khẩu lao động, nhằm giải quyết đầu ra bằng cách cử các thực tập sinh, xuất khẩu lao động…nhằm giúp cho sinh viên ngay sau khi ra trường có thể chuyển tiếp đi nước ngoài học hay làm ở môi trường chuyên nghiệp, nâng cao tay nghề.

Đây chính là nguồn nhân lực có chất lượng cao của đất nước, do có đầy đủ các yếu tố về ngoại ngữ, tay nghề, tác phong làm việc chuyên nghiệp, kinh nghiệm quản lý…tạo ra một cơ hội mới cho bản thân, cũng như phục vụ cho xã hội.

Phó Giáo sư Trần Văn Thiện – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến cho rằng, đã đến lúc, đất nước ta không chỉ dựa vào lợi thế lao động phổ thông giá rẻ, mà phải nâng cao chất lượng lao động, giá trị xuất khẩu, nâng cao hình ảnh dân tộc, thương hiệu lao động, con người Việt Nam.

Giải pháp được Phó Giáo sư Trần Văn Thiện đưa ra, là cần gửi đội ngũ lao động có chất lượng, đáp ứng được những thị trường xuất khẩu khó tính, tìm những giải pháp hướng đến đáo tạo nghề nghiệp, giáo dục các thói quen, để lao động thích nghi được với công nghệ kỹ thuật cao, văn hóa ở nước bạn.

Việt Duy