Những lời khuyên của nhà giáo ưu tú Sài Gòn với các giáo viên trẻ

15/11/2018 16:00
Phương Linh
(GDVN) - Đứng trước các vấn nạn hiện nay, trước hết, bản thân mỗi người thầy phải luôn tự vấn mình, xem mình có làm đúng vị trí của người thầy, đạo đức nhà giáo không.

Ngày 15/11, Công đoàn ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức giao lưu, gặp mặt với các nhà giáo ưu tú hiện đang sinh sống ở thành phố mang tên Bác, chúc mừng 21 nhà giáo ưu tú vừa được công nhận trong năm học 2018 – 2019.

Đây là hoạt động nổi bật của ngành, nhằm chào mừng kỷ niệm lần thứ 36 Ngày Nhà giáo Việt Nam, đồng thời là nơi các thầy cô giáo chia sẻ những trăn trở của mình về nghề, làm thế nào để vượt qua những khó khăn trong nghề, trong cuộc sống, cách thức giữ vững uy tín và vị trí của người thầy trong tình hình hiện nay.

Nhà giáo ưu tú Phạm Văn Chiểu (thứ hai, trái sang) tại buổi giao lưu với nhà giáo ưu tú ngày 15/11 (ảnh: P.L)
Nhà giáo ưu tú Phạm Văn Chiểu (thứ hai, trái sang) tại buổi giao lưu với nhà giáo ưu tú ngày 15/11 (ảnh: P.L)

Buổi gặp gỡ này cũng đã được giao lưu với 3 trong tổng số 21 thầy cô vừa được vinh danh là nhà giáo ưu tú.

Thầy Phạm Văn Chiểu (Trường trung học phổ thông Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn) chia sẻ trong sự xúc động: Chính bản thân thầy đã từng 3 lần tính bỏ nghề do hoàn cảnh quá khó khăn.

Thế nhưng do tình yêu nghề, tình yêu các em học sinh đã giúp cho thầy Chiểu tiếp tục vượt qua rất nhiều khó khăn, áp lực của cuộc sống để gắn bó với nghề.

“Danh hiệu của tôi ngày hôm nay đã là minh chứng của một điều, chỉ cần nhà giáo sống và làm việc có lương tâm, cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục, thì uy tín của nhà giáo sẽ vẫn còn đó, vẫn được mọi người tôn trọng” – thầy Phạm Văn Chiểu nhấn mạnh.

Nhà giáo ưu tú Phạm Văn Chiểu nói rằng: Đứng trước các vấn nạn hiện nay, bản thân mỗi người thầy phải tự vấn xem mình đã làm đúng vị trí người thầy, đúng đạo đức nhà giáo không?

Theo thầy Phạm Văn Chiểu, để người thầy cô được trân trọng hơn, thì cần có sự quan tâm, chăm sóc của cả xã hội, không chỉ để nâng cao về chuyên môn, mà còn cần cả giải pháp về kinh tế, để giúp cho họ yên tâm giảng dạy.

Đối với một bộ phận giáo viên trẻ hiện nay thiếu đi “lửa” nghề, không tâm huyết với nghề, thầy Phạm Văn Chiểu nói, chủ yếu do áp lực về kinh tế.

Khi lương không đủ sống, thì rất khó để các bạn trẻ dồn hết tâm sức, dồn hết “lửa” dành cho học sinh.

Tuy nhiên, thầy Phạm Văn Chiểu vẫn nhìn nhận, đây chỉ là một số ít chứ không phải tất cả các giáo viên trẻ hiện nay đều như vậy, do vẫn có nhiều giáo viên trẻ dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vẫn tìm tòi, sáng tạo ra nhiều cách dạy mới cho học sinh hiểu bài.

Phương Linh