Bộ trưởng Y tế: Việc gì có lợi cho dân thì làm, không có lợi thì không làm

16/11/2018 22:31
Đỗ Thơm
(GDVN) - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh với mong ước được bảo vệ sức khỏe người dân tốt nhất, có lợi cho dân, bảo vệ nòi giống trước mắt và lâu dài.

Tại phiên thảo luận về Luật Phòng, chống tác hại rượu bia, trước các ý kiến bày tỏ ủng hộ tên dự án Luật và nhấn mạnh đến ảnh hưởng của rượu bia tới xã hội, kinh tế, đại biểu Dương Trung Quốc  - Đoàn Đồng Nai đã giơ biển tranh luận.

Đại biểu Dương Trung Quốc. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Dương Trung Quốc. Ảnh: Quochoi.vn

Vị đại biểu đoàn Đồng Nai nhấn mạnh, ông đã có nhiều cơ hội phát biểu về vấn đề này. Và tại hội trường, ông đưa ra 3 câu hỏi cho Ban soạn thảo: “Thứ nhất, trên thế giới có bao nhiêu nước đặt tên luật như chúng ta?

Thứ hai, chúng ta xếp thứ 3 ở châu Á, đó là đáng lo, nhưng Nhật Bản xếp thứ 2 thì Nhật Bản có phải nước phát triển hay không cả về kinh tế và văn hóa.

Thứ ba, câu hỏi dành cho Bộ trưởng Bộ Y tế, ngay khi luật được thông qua Bộ Y tế có hạn chế việc sản xuất các loại rượu bổ không? Bởi vì rượu bổ có tác dụng nhất định, nếu không thì chúng tôi sẽ mua rượu bổ về uống vậy.

Cuối cùng, chúng tôi cho rằng nên có lựa chọn phù hợp nhất hiện nay là dùng chữ "kiểm soát" như các đại biểu đã nêu, nhà nước kiểm soát, cộng đồng kiểm soát, quan trọng nữa là mỗi người kiểm soát mình thì sẽ có sự thành công bền vững”.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế đã thay mặt Ban soạn thảo phát biểu giải trình.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thay mặt Ban soạn thảo đã cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu đứng ở các góc cạnh khác nhau, lát cắt khác nhau khi nhìn vào dự thảo luật này và những ý kiến đó đều xác đáng ở những góc cạnh khác nhau.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: Quochoi.vn

Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu trên tinh thần xây dựng luật và những nội dung khi ban hành chính sách là vấn đề nào có lợi cho dân thì làm ở mức cao nhất, không có lợi cho dân thì không làm.

Vì thế, các đại biểu cũng thấy là rất khó đến hai nhiệm kỳ và đến giờ này cũng vẫn khó, bởi vì nó có những sự tương đối đối đầu với nhau giữa mong muốn luật bảo vệ sức khỏe con người tối đa và các nhà sản xuất, kinh doanh cũng muốn doanh thu và lợi nhuận.

Bộ trưởng Y tế cho hay, trên kinh nghiệm của quốc tế, hơn 100 nước xây dựng luật, kể cả những nước có nền sản xuất và xuất khẩu rượu và bia lớn nhất thì theo nguyên tắc của y tế thế giới và quốc tế, 3 giải pháp cơ bản:

Một là giảm tính sẵn có như các đại biểu đã phát biểu, đóng góp rất nhiều và nhiều ý kiến rất hay về giờ bán, tuổi bán, địa điểm bán v.v...

Hai là phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, vừa là giảm bớt người uống, vừa tăng nguồn thu của ngân sách.

Ba là kiểm soát vấn đề quảng cáo.

Về tên dự án Luật, dua phân tích của các đại biểu và chúng tôi đã thảo luận rất nhiều thì Ban soạn thảo cũng mong muốn được giữ tên theo phương án số 1.

“Đấy là quan điểm vừa dễ hiểu, vừa đơn giản và người ta chỉ phòng chống tác hại của rượu và bia chứ không đả động gì đến ảnh hưởng văn hóa của rượu và bia hiện nay.

Nó chống tác hại trong tất cả các quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ và cách uống”, Bộ trưởng Y tế khẳng đinh.

Các nội dung về quảng cáo, về vấn đề rượu thủ công, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu để chọn ra phương án tối ưu và hài hòa.

Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, với mong ước được bảo vệ sức khỏe người dân tốt nhất, có lợi cho dân, bảo vệ nòi giống trước mắt và lâu dài. Trên bàn cân kinh tế, xã hội, văn hóa không ảnh hưởng đến văn hóa ẩm thực.

Chúng ta uống ở mức văn minh hơn với chén rượu vui, ngon phải có bạn hiền, vẫn giữ văn hóa đó chứ không đụng chạm và cản trở.

Ở đây là phòng, chống tác hại của rượu, bia uống ở nền văn minh hơn, bảo vệ sức khỏe hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã thẳng thắn trả lời ngay 3 câu hỏi của đại biểu Dương Trung Quốc: “Ý kiến của đại biểu Dương Trung Quốc là có bao nhiêu nước đặt tên. Tên trong tiếng Anh chúng ta dịch ra khó, ví dụ đồ uống có cồn mà nói là nhân dân như vậy thì không ai hiểu.

Bộ trưởng Y tế: Việc gì có lợi cho dân thì làm, không có lợi thì không làm  ảnh 3Nhiều Đại biểu Quốc hội ủng hộ đánh thuế cao nhằm ngăn chặn tác hại của rượu bia

Còn kiểm soát là gốc của tiếng Anh, lúc nào họ cũng dùng từ đó nhưng ở Việt Nam là phòng, chống hết. Đây là ngôn ngữ làm sao để dễ hiểu.

Thứ ba là Nhật Bản, họ uống rượu, bia nhưng luật của họ rất nghiêm.

Họ có luật dinh dưỡng xây dựng từ năm 1926 và an toàn thực phẩm rất nghiêm ngặt, văn hóa rượu của họ rất văn minh.

Thứ tư là đại biểu Dương Trung Quốc có hỏi nếu khi luật này ban hành mọi người đi mua rượu thuốc bổ.

Tôi báo cáo là khi xây dựng luật này, những loại rượu thuốc có bổ đề nghị cấm.

Nhưng sau đó hội thảo nhiều, lắng nghe nhiều chúng tôi đã hạn chế nội dung đó. Nhưng không có nghĩa là khi luật này ban hành tất cả đều cấm rượu, bia. Trong luật này không có một từ nào là cấm uống rượu, uống bia”.

Trước đó, ông Dương Trung Quốc đã có những phát biểu với truyền thông cho rằng, tên gọi Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia nghe phản văn hóa.

Theo vị đại biểu đoàn Đồng Nai: “Sự tồn tại của rượu, bia cho đến nay như là một trong những di sản lớn nhất, lâu đời nhất của nhân loại mà chúng ta cần phải có thái độ văn hóa. Văn hóa liên quan tới rượu, bia của chúng ta hiện nay là văn hóa uống, văn hóa sản xuất”.

Đỗ Thơm