Cứ ngành đặc thù mà có văn bằng riêng thì loạn

18/11/2018 06:02
Thùy Linh
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đồng ý với phương án Dự thảo Luật Giáo dục đại học đề ra là có 3 cấp độ bằng.

Theo dự thảo Luật Giáo dục đại học, hệ thống giáo dục đại học đưa chia thành 3 trình độ đào tạo gồm: đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Tuy nhiên, thời gian qua một số ý kiến cho rằng, với những ngành đặc thù  như ngành Y thì phải công nhận trình độ sau đại học tương đương với bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2.

Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: “Bác sĩ, Luật sư, nghệ sĩ… là chức danh nghề nghiệp do hội nghề nghiệp công nhận, cấp chứng chỉ chứ không phải là bằng công nhận đã tốt nghiệp một trình độ đào tạo. 

Tương tự, trong đào tạo y khoa, các chức danh, ngành đào tạo Bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 là một chứng chỉ nghề nghiệp mà những người tốt nghiệp đại học Y phải học để đủ điều kiện hành nghề. 

Do vậy, nếu quy định về văn bằng tương đương ở điều 38 trong Dự thảo Luật giáo dục đại học sẽ dẫn đến việc xây dựng chương trình định hướng nghề nghiệp bị sai lệch theo chuẩn Thạc sĩ, Tiến sĩ.

Nếu quy định trình độ trình độ tương đương giữa đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ với bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 sẽ không  minh bạch  và không kiểm soát được chất lượng, trình độ, văn bằng”.

Cứ ngành đặc thù mà có văn bằng riêng thì loạn ảnh 1Bộ Giáo dục phản hồi ý kiến của Bộ Y tế về văn bằng

Chính vì vậy, quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là vẫn tuân thủ ý kiến của Thủ tướng: bằng tương đương nhưng trình độ nào phải định danh trình độ đó.

Hơn nữa, bà Phụng còn thông tin, theo phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tại Hội trường Quốc hội ngày 27/10, việc đào tạo nhân lực y tế “đi theo hai hệ, một hệ hàn lâm là thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư là giảng dạy, nghiên cứu, còn hệ thực hành là bác sĩ chuyên khoa, rất quý giá trong thực hành.

Hai hệ đó hoàn toàn khác nhau, không thể nói tương đương, không thể nói hệ này kém hệ kia mà mỗi hệ là một nghề, mặc dù chúng ta có thể gọi là bác sĩ.”

Theo khảo sát của Ban soạn thảo, Luật Giáo dục đại học của các nước Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia Indonesia , Đức, Trung Quốc chưa thấy có quy định bác sĩ chuyên khoa 1, 2 trong Luật.

Việc trao tặng các danh hiệu nghề nghiệp gắn với văn bằng trong hệ thống giáo dục quốc dân không phổ biến trên thế giới và chỉ có áp dụng theo mô hình đào tạo của Liên xô và các nước Đông Âu trước đây.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện và đảm bảo quyền lợi cho các bác sĩ nội trú là trợ giảng, giảng viên cơ hữu trong các Bệnh viện và trường đại học có cơ hội giảng dạy cả lý thuyết và thực hành trong đại học và học viện, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục đã có thông tư liên tịch cho phép:

Những người đã hoàn thành chương trình Bác sĩ nội trú, muốn có bằng thạc sĩ chỉ cần học thêm các môn học còn thiếu trong chương trình đào tạo thạc sĩ và làm Luận văn hoặc được miễn giảm các môn học/học phần  đã hoàn thành trong các chương trình đào tạo trước đó.

Bàn về vấn đề này, phát biểu tại tọa đàm “Tự chủ đại học - nhìn từ chính sách, pháp luật” do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 16/11, Phó giáo sư Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay:

Nhiều đại biểu băn khoăn rằng các chương trình đặc thù đang bị bỏ quên. Nhưng thực tế, không chỉ riêng ngành Y tế mà có rất nhiều ngành đặc thù như văn hóa – nghệ thuật, quân đội….

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, cứ ngành đặc thù mà có văn bằng riêng thì loạn (Ảnh: Thùy Linh)
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, cứ ngành đặc thù mà có văn bằng riêng thì loạn (Ảnh: Thùy Linh)

“Nếu cứ ngành nào đặc thù chúng ta lại liệt kê ra thì trong Luật này chúng ta phải liệt kê hàng trăm văn bằng. Khi có hàng trăm văn bằng như thế, xã hội không hiểu được bằng này tương đương với cái gì, chính điều đó có thể tạo ra một sự gây rối, hỗn loạn hơn cho xã hội”, Đại biểu Cường nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Phó giáo sư Hoàng Văn Cường, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, sự xuất hiện các ngành nghề mới thường xuyên và rất nhanh, khó dự báo.

Có thể lúc này chúng ta liệt kê hàng trăm văn bằng nhưng ngay lập tức có ngành nghề mới, lại đào tạo mới và cấp cho họ bằng mới, khi đó lại đòi hỏi sửa Luật. Như vậy, phương án để đáp ứng yêu cầu bằng đào tạo phải được kể tên thì sẽ rất bất cập.

Đại biểu này đồng ý với phương án Dự thảo Luật Giáo dục đại học đề ra là có 3 cấp độ bằng.

Trên cơ sở đó, những chương trình đào tạo đặc thù vẫn cấp bằng đặc thù, gọi nó theo các Luật chuyên ngành quy định nhưng Chính phủ sẽ có một quy định về công nhận giá trị tương đương theo khung trình độ đào tạo quốc gia.

Thùy Linh