Nỗ lực bằng "kiềng ba chân" chăm sóc sức khỏe người dân ngay khi còn khỏe mạnh

27/11/2018 14:11
Nhật Minh
(GDVN) - Nhiều năm qua, Bộ Y tế đã nỗ lực triển khai mô hình bác sĩ gia đình, làm tốt mô hình này sẽ giúp giúp sàng lọc, giải quyết được phần lớn bệnh lý thông thường.

Mới đây phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh đến một trong những “kiềng 3 chân giải pháp” của ngành y để chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân.

Theo đó, Bộ trưởng đề cập đến việc phải xây dựng tuyến y tế cơ sở, chăm sóc người dân khi còn khỏe mạnh, từ nâng cao sức khỏe, tăng cường y tế dự phòng, kiểm tra sức khỏe khi mới bị bệnh, gắn với y học gia đình, gắn y tế xã phường.

Một trong những nỗ lực của Bộ y tế là đang xây dựng 26 mô hình điểm phòng khám bác sĩ gia đình, giống mô hình ở các nước đang phát triển. Một cách toàn diện về cơ sở vật chất, hoạt động, cơ chế tài chính và nguồn nhân lực.

Bộ trưởng Tiến khẳng định: “Bộ Y tế đang làm điểm về chăm sóc y tế cơ sở tại 26 xã điểm trên toàn quốc. Điểm đối với y tế cơ sở là các hoạt động phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh dịch… tiến tới điều trị bệnh ngay từ tuyến xã để người dân tiếp cận dịch vụ y tế ngay từ đầu, không phải đi xa và đỡ tốn kém”.

Bộ trưởng chia sẻ, ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển, 90% trường hợp bệnh là có thể điều trị ngay tại các phòng khám theo mô hình bác sĩ gia đình của tư nhân hoặc nhà nước.

Tại Việt Nam, hiện nay cũng xây dựng trạm y tế tuyến xã và tuyến huyện theo mô hình y học gia đình chứ không cần lên tuyến trên. Bộ Y tế đang hướng về y tế cơ sở, đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng toàn diện về khám chữa bệnh, theo đó, tiếp tục ban hành và thực hiện nghiêm tiêu chí về chất lượng bệnh viện và có chấm điểm độc lập từ nay đến cuối năm.

Những nỗ lực của ngành y thời gian qua được đông đảo nhân dân đánh giá cao.
Những nỗ lực của ngành y thời gian qua được đông đảo nhân dân đánh giá cao.

Mô hình bác sĩ gia đình đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Năm 1960, y học gia đình ra đời ở Mỹ, Anh sau đó lan ra các nước ở khu vực Bắc Mỹ, châu Âu.

Mô hình bác sĩ gia đình đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng với sự chuyển đổi mô hình bệnh tật trên toàn cầu. Ở Canada có hơn 50% dân số được chăm sóc bởi các bác sĩ gia đình.

Còn ở Mỹ tỷ lệ là trên 35% nên các bệnh viện của họ không bao giờ quá tải. Ở nhiều nước, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân do bác sĩ gia đình đảm nhận.

Tại Việt Nam, đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình được Bộ Y tế triển khai thí điểm từ ngày 15/7/2014 tại nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa và Tiền Giang...

Phòng khám bác sĩ gia đình được coi là mô hình có thể giúp sàng lọc, giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tải tại các bệnh viện, giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan và tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân, chi phí bảo hiểm y tế.

Theo mô hình này, bác sĩ gia đình đảm đương ba vai trò chính là khám lâm sàng, y tế dự phòng và bác sĩ tâm lý cho bệnh nhân.

Ngoài kiến thức chuyên môn, bác sĩ gia đình cũng phải có kiến thức tổng quát về xã hội, tâm lý, kinh tế, văn hóa, quản lý y tế… để không những chỉ chăm sóc điều trị bệnh mà còn có thể tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân kiến thức tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, hỗ trợ về tâm lý và xã hội. 

Kết quả hoạt động của các phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam và kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy, nếu phát triển mô hình bác sĩ gia đình sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.

Các bác sĩ gia đình có sẵn hồ sơ bệnh lý, nắm biết rõ bệnh sử (được quản lý trong bệnh án có cây phả hệ gia đình), nên việc xử trí bệnh sẽ nhanh chóng, đúng đắn và sát sao hơn.

Bác sĩ gia đình cũng đưa ra dự báo nguy cơ phát bệnh, phương cách dự phòng, và các biện pháp can thiệp để nâng cao sức khỏe các thành viên trong gia đình một cách phù hợp nhất.

Ngành y tế sẽ nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình theo lộ trình để bảo đảm đến năm 2020 có khoảng 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trên phạm vi toàn tỉnh.

Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là kiện toàn, thành lập các mô hình phòng khám bác sĩ gia đình: Trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân, phòng khám bác sĩ gia đình thuộc bệnh viện đa khoa Nhà nước.

Thời gian qua, một trong những địa phương triển khai mạnh mô hình bác sĩ gia đình là Thành phố Hà Nội.

Lấy máu xét nghiệm cho bệnh nhân tại Phòng khám đa khoa Dân Hòa ( Thanh Oai, Hà Nội).
Lấy máu xét nghiệm cho bệnh nhân tại Phòng khám đa khoa Dân Hòa ( Thanh Oai, Hà Nội).

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2018, ngoài các hoạt động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, đơn vị đã đẩy mạnh việc triển khai công tác khám, chữa bệnh theo mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại các đơn vị trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực. Phấn đấu đến hết năm nay, 100% phòng khám đa khoa khu vực và 50% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện theo mô hình bác sĩ gia đình.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Sở Y tế Hà Nội đã huy động mọi nguồn lực cũng như xây dựng cơ chế thu hút bác sĩ về công tác tại y tế cơ sở.

Đến nay, toàn thành phố mới chỉ có 502/584 trạm y tế có bác sĩ biên chế, còn lại 82 trạm y tế có bác sĩ tăng cường từ trung tâm y tế, phòng khám đa khoa khu vực và bệnh viện huyện về.

Vì vậy, trước tiên, Sở Y tế Hà Nội đang rất nỗ lực củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của 103 phòng khám bác sĩ gia đình đã được thành lập.

Phấn đấu, hết năm 2018, Hà Nội sẽ mở rộng phòng khám bác sĩ gia đình tại 100% phòng khám đa khoa khu vực và 50% trạm y tế xã, phường, thị trấn. Dự kiến, năm 2018, Hà Nội sẽ có thêm 302 trạm y tế thực hiện theo mô hình bác sĩ gia đình.

Nhật Minh