Hai trường tiểu học ở Cà Mau ấn định mức thu tự nguyện

28/11/2018 09:35
Việt Duy
(GDVN) - Dù là khoản thu mang tính chất tự nguyện, nhưng Trường tiểu học 2 Sông Đốc và Trường tiểu học 2 Phong Điền, huyện Trần Văn Thời lại đặt ra định mức thu.

Nhiều phụ huynh có con đang theo học tại các trường tiểu học ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau vừa chuyển những bức xúc việc thu tiền xã hội hóa giáo dục tới phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam

Hộ nghèo, đồng bào dân tộc cũng phải đóng tiền xã hội hóa

Theo phản ánh của phụ huynh L. là một hộ nghèo, diện đồng bào dân tộc thiểu số, đầu năm đi học cho con tại Trường tiểu học 2 Sông Đốc, bà phải đóng 200.000 đồng tiền xã hội hóa giáo dục cho trường.

Dù trong túi chỉ còn đúng số tiền này, và muốn giữ lại một nửa để mua quần áo mới cho con, nhưng khi bà L. nói với cô giáo của lớp thì cô không đồng ý, và bà L. đã phải đóng đủ 200.000 đồng, dù bà L. thuộc diện hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Việc thu này hoàn toàn không có biên lai thu tiền cấp cho phụ huynh.

Quá bức xúc với cách thu tiền như vậy, các phụ huynh đã làm đơn tố cáo đến Phòng giáo dục và Đào tạo huyện Trần Văn Thời, các cơ quan chức năng của huyện để nhờ giải quyết.

Ngày 27/11, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Việt Bắc – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau xác nhận, sự việc của phụ huynh phản ánh tại Trường tiểu học 2 Sông Đốc là chính xác.

Mới đây, huyện cũng đã có kết luận giải quyết tố cáo của phụ huynh, gửi cho toàn bộ những người có liên quan.

Theo đó, được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Trường tiểu học 2 Sông Đốc tiến hành vận động tiền tiền xã hội hóa giáo dục từ phía phụ huynh, để xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất trường.

Có tổng cộng 481 phụ huynh ủng hộ, với tổng số tiền 131 triệu đồng. Trường đã chi 104 triệu đồng vào việc sửa chữa nhà xe, sửa phòng học, mua bàn ghế, làm nhà tập thể dục, thuê mướn tạp vụ dọn vệ sinh…, còn lại có 27 triệu đồng.

Trường không bắt buộc phụ huynh, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình dân tộc phải đóng khoản tiền này, mà vận động trên tinh thần của phụ huynh, nhưng cô N. là một giáo viên của trường lại làm ngược lại.

Chính vì vậy, kết luận của huyện Trần Văn Thời khẳng định, các tố cáo của phụ huynh là có cơ sở.

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trần Văn Thời – ông Phạm Việt Bắc nhấn mạnh, huyện đã yêu cầu trường trả lại khoản tiền cho những phụ huynh nào bị thu không đúng đối tượng, không đồng ý đóng.

Huyện Trần Văn Thời cũng đã đề nghị, Hiệu trưởng Trường tiểu học 2 Sông Đốc xử ký, kiểm điểm nghiêm túc đối với cô N. do đã làm không đúng chỉ đạo của nhà trường.

Vận động, nhưng đặt ra định mức thu 300.000 đồng mỗi em

Tại Trường tiểu học 2 Phong Điền, theo phản ánh của một phụ huynh đang có con học ở khối 5, nhà trường yêu cầu mỗi phụ huynh phải đóng 300.000 đồng/em, gọi là tiền xã hội hóa giáo dục.

Việc đóng tiền này được nhà trường thông báo trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, dùng để làm lại sân trường (200.000 đồng/em), số tiền còn lại đưa vào quỹ Đội để khen thưởng, in ấn giấy khen cho học sinh…

Trường tiểu học 2 Phong Điền, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau (ảnh: FB Trường Phong Điền)
Trường tiểu học 2 Phong Điền, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau (ảnh: FB Trường Phong Điền)

Tuy nhiên, theo phản ánh của vị phụ huynh này, dù mang tiếng là vận động, nhưng nhà trường lại đặt ra định mức đóng để áp xuống phụ huynh, là một việc không đúng với quy định.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Hoàng Vũ – Hiệu trưởng Trường tiểu học 2 Phong Điền chia sẻ: Nhà trường hoàn toàn không có ép buộc phụ huynh phải đóng khoản tiền này, mà chỉ là vận động để trường làm sân cho học sinh chơi.

Cho tới nay chỉ mới có khoảng 1/3 phụ huynh đóng khoản tiền này. Đến cuối học kỳ , trường mới tổng kết khoản thu này, rồi xem coi “có bao nhiêu, làm bấy nhiêu, rồi sang năm tiếp tục vận động phụ huynh nữa”.

Thế nhưng, cô N. là một giáo viên của trường lại cho biết, đúng như phụ huynh phản ánh, nhà trường mang tiếng là vận động, nhưng lại đặt ra định mức 300.000 đồng, trong đó sửa, làm sân chỉ hết khoảng 200.000 đồng/em, tiền còn lại dùng vào việc khác của trường.

“Nếu gia đình nào có hai em đang học ở trường, nhà trường chỉ “xin” 400.000 đồng/hai em thôi” – cô N. thông tin.

Theo thông tin từ cô N., vẫn có phụ huynh ở lớp cô không chịu đóng khoản tiền này, và khi cô đem câu chuyện này hỏi Ban Giám hiệu, thì được trả lời rằng không đóng thì thôi.

Việt Duy