Những lời giản đơn mà sâu sắc của Bác với giáo dục nước nhà

08/12/2018 06:53
Nguyễn Cao
(GDVN) - Nếu chúng ta làm được những điều di huấn của Người, chúng tôi tin là giáo dục Việt Nam sẽ khởi sắc và nhận được nhiều đồng thuận của dư luận xã hội.

LTS: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm việc mở mang dân trí, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự phát triển của đất nước, dân tộc.

Chia sẻ về những tư tưởng giản đơn mà sâu sắc của Người đối với nền giáo dục nước nhà, nhà giáo Nguyễn Cao đã có bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Thời gian gần đây, trên các diễn đàn thông tin đại chúng, trong các phiên thảo luận của Quốc hội, chúng ta đã thấy có nhiều ý kiến bàn, hỏi về triết lý giáo dục Việt Nam.

Những ý kiến đó đều rất tâm huyết, đều mong muốn giáo dục nước nhà có một triết lý giáo dục đúng đắn để làm kim chỉ nam cho sự phát triển.

Tuy nhiên, có những điều rất tâm đắc, phù hợp với giáo dục mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, đã bàn cách đây hàng mấy chục năm nhưng đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Nếu chúng ta làm được những điều di huấn của Người, chúng tôi tin là giáo dục Việt Nam sẽ khởi sắc và nhận được nhiều đồng thuận của dư luận xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng giáo dục (Ảnh: tư liệu).
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng giáo dục (Ảnh: tư liệu).

Hàng chục năm nay, trong khi Đảng ta đang phát động việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và cũng đã hàng chục năm qua, ngành giáo dục cứ loay hoay đi tìm sự đổi mới cho giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, những đổi mới của ngành chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của đất nước.

Những đổi mới vẫn liên tục vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Bởi, thực tế việc đổi mới cứ đổi hoài mà vẫn không thấy…mới, không vượt qua được những triết lý sâu xa của Hồ Chủ Tịch đã nói trước đây.

Điều Bác mong muốn việc dạy và học của ngành giáo dục nước nhà rất giản đơn thôi nhưng thiết thực vô cùng, đó là:

Dạy mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn được thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy thì phải bền bỉ, chịu khó mới nuôi dạy được các cháu.

Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây non lên tốt. Dạy trẻ nhỏ được tốt thì sau này các cháu trở thành người tốt.

Điều trước tiên là dạy các cháu về đạo đức. Bậc tiểu học cần giáo dục các cháu yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công.

Cách dạy phải vui vẻ, nhẹ nhàng, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe cho các cháu.

Thầy cô giáo phổ thông phải đảm bảo cho học trò phổ thông những kiến thức chắc chắn, thiết thực, phù hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng phát triển của đất nước.

Sinh viên đại học đã đến tuổi trưởng thành, thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới kết hợp với thực tiễn nước ta để thiết thực giúp cho công cuộc xây dựng nước nhà”. 

Những lời giản đơn mà sâu sắc của Bác với giáo dục nước nhà ảnh 2Từ chuyện phát triển giáo dục, ngẫm lời Bác dạy

Chỉ cần thế thôi thì chúng ta đã có những thế hệ học trò tiêu biểu, kế cận được sự nghiệp cách mạng của nước nhà một cách vững chắc cả về đạo đức, lý tưởng sống và năng lực chuyên môn.

Nhìn vào những lời của Bác ta thấy thấm thía vô cùng và cũng có thể xem là những triết lý của Người.

Bác đã chỉ ra từng đặc điểm của các bậc học để có thể mang lại những hiệu quả thiết thực và phù hợp nhất khi giảng dạy và học tập.

Có lẽ, khi nói những lời này, Bác cũng chẳng bao giờ nghĩ đến những triết lý sâu xa mà chỉ căn cứ vào đặc điểm giáo dục nước nhà, đặc điểm lứa tuổi của người học để đưa ra những nhận định của mình.

Nhưng, đến tận bây giờ, những lời giáo huấn của Bác vẫn là mong mỏi của mọi người bởi ngành giáo dục hiện tại vẫn chưa đạt được những mong muốn của Bác, của xã hội.

Bây giờ, cứ nhìn vào thực tế của ngành giáo dục, chúng ta thấy có vô vàn điều đáng bàn. Những tiêu cực trong ngành vẫn thường xuyên xảy ra, những tình trạng vi phạm đạo đức của cả thầy và trò vẫn là nỗi bất an cho xã hội.

Hệ quả này cũng bắt nguồn từ việc chúng ta chưa chú trọng dạy người, dạy đạo đức cho học trò một cách thấu đáo, chưa đưa những điều thiết thực vào giảng dạy trong nhà trường.

Chúng ta đang dạy học trò rất nhiều thứ, cái gì cũng cao siêu, cũng hàn lâm, cũng chạy theo theo và bắt chước người khác.

Nhưng, rốt cuộc, đa phần học sinh học cái gì xong cũng mơ hồ, nặng lý thuyết mà rất khó bắt tay vào những công việc thực tế sau khi học.

Những người kiến tạo giáo dục chưa thể hiện được bản lĩnh của mình khi đối mặt với khó khăn, áp lực của ngành. Điều cốt lõi là chưa thể hiện được tính tiên phong “tiên ưu, hậu lạc”.

Thời của Bác - đất nước vừa độc lập, kinh tế muôn vàn khó khăn, lúc bấy giờ có tới 95 % dân số mù chữ.

Vậy mà, chỉ một chuyến sang Pháp, Bác đã đưa được hàng loạt trí thức tiêu biểu đang sống ở một đất nước hoa lệ về với chiến khu Việt Bắc để cùng tham gia vào việc kiến tạo giáo dục nước nhà và tham gia kháng chiến.

Và, ngành giáo dục lúc đó đã có những người tham gia vào kiến tạo tiêu biểu như Vũ Đình Hòe, Đặng Thai Mai, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu…

Những thầy cô trực tiếp giảng dạy học trò có thể xuất phát từ những lớp Bình dân học vụ, học cấp tốc nhưng họ đúng chất là những “ông giáo làng” biết gợi mở những giá trị cốt lõi, tốt đẹp nhất đến với học trò.

Luôn tiếp cho học trò những động lực cần thiết để sau này có thể cống hiến một cách tận tâm cho đất nước.

Những lời giản đơn mà sâu sắc của Bác với giáo dục nước nhà ảnh 3Sử dụng nhân tài phải biết “tùy tài mà dùng người”

Đất nước đang phát triển, hội nhập đang rất cần sự đột phá của ngành giáo dục nhưng rồi những tiêu cực trong quản lý nhân sự, tài chính, những vụ việc bạo lực học đường, một số thầy cô vi phạm đạo đức nhà giáo vừa qua khiến cho chúng ta có những lúc lo lắng.

Nghĩ lại những lời dạy của Bác khi xưa ta lại càng thấm thía vô cùng và không bao giờ xưa cũ:

 “Trong trường cần có dân chủ. Đối với mọi vấn đề, thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt thì hỏi, bàn cho thông suốt. Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò chứ không phải cá đối bằng đầu”.

Giờ đây, quy chế dân chủ được liệt kê ra thì có rất nhiều, ngành cũng có, trường cũng có nhưng hình như nó vẫn là một thứ xa xỉ ở đâu đâu.

Đâu đó vẫn là sự áp đặt, mệnh lệnh giữa lãnh đạo với giáo viên, giữa giáo viên với học sinh, thành ra mọi thứ vẫn chênh vênh, nghi hoặc…

Thôi thì, trong lúc giáo dục nước nhà chưa tìm được…triết lý mà toàn Đảng, toàn dân lại đang học tập theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí mình thì việc hoàn thiện những tâm nguyện của người xem chừng vừa hay mà lại rất đúng.

Chỉ cần những điều mong muốn giản đơn của Bác mà ngành giáo dục đạt được thì xem chừng cũng đã thành công lắm rồi.

Triết lý giáo dục cho nước nhà có cần lắm không? Vẫn biết là rất cần nhưng khi chưa tìm ra triết lý ưu việt nhất thì ngành giáo dục phải cần hạn chế được bất cập, sai sót.

Hạn chế được tiêu cực trong quản lý, hạn chế được bạo lực học đường thì đó cũng đã là…triết lý cho ngành giáo dục rồi.                                                          

Nguyễn Cao