Đề tham khảo môn Ngữ văn khó đạt được điểm cao

10/12/2018 07:10
Nguyễn Cao
(GDVN) - Đối với đề tham khảo môn Ngữ văn, chúng tôi nhận thấy khá hay nhưng có lẽ với dạng đề này thì học sinh cũng rất khó có thể đạt được điểm cao.

LTS: Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề tham khảo môn Ngữ văn cho kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia, nhà giáo Nguyễn Cao đã có bài viết chia sẻ góc nhìn và quan điểm của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố bộ đề tham khảo cho kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia đã nhận được nhiều sự quan tâm của các em học sinh chuẩn bị tham gia kỳ thi và các thầy cô giáo ở các nhà trường.

Nhìn chung, đa phần các đề thi đã có những điều chỉnh để phù hợp với việc phát triển cho năng lực học sinh, hạn chế được việc đánh đố và cách học thuộc lòng máy móc trong thời gian qua.

Đối với đề tham khảo môn Ngữ văn, chúng tôi nhận thấy khá hay nhưng có lẽ với dạng đề này thì học sinh cũng rất khó có thể đạt được điểm cao.

Đồng thời, đề tham khảo môn học này cũng còn một số điều mà theo chúng tôi thì người ra đề cần chú ý và cẩn thận hơn khi ra đề thi chính thức sau này.

Đề tham khảo môn Ngữ văn của kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia.
Đề tham khảo môn Ngữ văn của kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia.

Về cấu trúc đề thi thì cơ bản người ra đề vẫn giữ được tính ổn định như các năm học trước đây về số câu, về hình thức.

Phần đọc hiểu có một đoạn ngữ liệu cho sẵn và từ ngữ liệu này sẽ có những câu hỏi nhỏ xoay quanh nội dung của phần đọc hiểu.

Phần làm văn có 2 câu, câu 2 điểm là viết đoạn văn dạng nghị luận xã hội và câu 5 điểm viết một bài văn nghị luận văn học.

Với dạng đề này là một dạng đề có cấu trúc quen thuộc không gây nhiều xáo trộn cho cả thầy và trò trong quá trình ôn thi-đây là điều đáng mừng.

Học sinh sẽ khó lấy được điểm cao

Những năm trước, đề thi môn Ngữ văn có những câu hỏi rất nhẹ nhàng như hỏi về phương thức biểu đạt, thể thơ hay sẽ có 1-2 câu hỏi cho phân môn tiếng Việt. Dạng câu hỏi như vậy học sinh sẽ lấy được điểm dễ dàng để gỡ cho các phần khác.

Nhưng, đề tham khảo cho năm 2019 thì chúng ta không thấy có câu hỏi cho phần tiếng Việt và phương thức biểu đạt…Như vậy, đề thi năm nay có phần “mở” hơn so với các năm trước.

Nếu học sinh học khá giỏi, có kiến thức xã hội, văn học và vốn từ tốt thì sẽ “có nhiều đất để diễn” vì nó không đóng khuôn như các năm trước.

Các em sẽ không phải học thuộc lòng, máy móc nữa mà tính vận dụng cho việc phát triển năng lực cao hơn.

Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà những em học sinh có học lực trung bình, yếu thì việc làm được đề thi năm nay là tương đối khó khăn.

Đề tham khảo môn Ngữ văn khó đạt được điểm cao ảnh 2Chi tiết bộ Đề thi tham khảo của kỳ thi quốc gia năm 2019

Bởi, chúng ta thấy đề thi tham khảo vừa công bố đa phần các câu hỏi đều thiên về phân môn tập làm văn, đòi hỏi khả năng tư duy nhiều và phải vận dụng linh hoạt các kiểu bài phân tích, tổng hợp khá cao để trình bày những kiến giải của riêng mình.

Dạng đề này không dành cho những kiểu viết chung chung, suy luận chủ quan trước đây. Vì thế, nó sẽ bỏ được kiểu học vẹt, học văn mẫu nhưng việc thí sinh có điểm thấp chắc chắn sẽ nhiều.

Song, đây là sự cần thiết cho việc đổi mới trong việc ra đề thi môn Ngữ văn hiện nay ở các trường phổ thông.

Điều băn khoăn

Điều chúng tôi băn khoăn nhất là câu 2 nghị luận văn học của phần làm văn (5 điểm) có phần hơi… rối. Nội dung câu 2 như sau, chúng tôi trích nguyên văn:

Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân hai lần miêu tả cung cách ăn uống của người vợ nhặt. Chiều hôm trước, khi được Tràng đồng ý đãi bánh đúc ở ngoài chợ:

“Thế là thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì.” và sáng hôm sau, khi nhận bát “chè khoán” từ mẹ chồng: “Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng.” (Kim Lân - Ngữ văn 12, Tập hai, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2015, trang 27 và trang 31).

Phân tích hình ảnh người vợ nhặt trong hai lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật này.

Như vậy, chúng ta thấy phần dẫn đề có 2 câu văn, câu thứ nhất có 2 từ “Vợ nhặt”. Từ thứ nhất chỉ tên văn bản, từ thứ 2 chỉ nhân vật nhưng cả 2 từ này nằm trong một câu văn thành ra nó lặp từ. Vì vậy, người ra đề nên dùng phép thế để tránh sự sai sót này.

Sang đến câu thứ 2, chúng ta lại thấy chưa có từ liên kết câu thành ra có phần bị “hẫng” cho 2 câu văn này.

Điều đặc biệt là việc trích dẫn mấy câu văn trong truyện ngắn Vợ nhặt tiếp theo có phần rất rối về ngữ pháp.

Và, ngay cả yêu cầu làm bài ở dưới cũng bị tác giả ra đề cố tình quên đi chủ thể (thí sinh) làm bài thành ra đề thi chưa trọn vẹn.

Đề tham khảo môn Ngữ văn khó đạt được điểm cao ảnh 3Toàn bộ thông tin về kỳ thi quốc gia năm 2019

Theo chúng tôi, câu 2 của phần làm văn có thể chỉnh lại như sau:

Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã hai lần miêu tả cung cách ăn uống của người vợ anh cu Tràng.

Lần thứ nhất là buổi chiều hôm trước, khi được Tràng đồng ý đãi bánh đúc ở ngoài chợ: “Thế là thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì’’.

Lần thứ hai vào buổi sáng hôm sau, khi nhận bát “chè khoán” từ mẹ chồng: “Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng.” (Kim Lân - Ngữ văn 12, Tập hai, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2015, trang 27 và trang 31).

Anh (chị) hãy phân tích hình ảnh người vợ nhặt trong hai lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật này.

Nếu người ra đề thay đổi một số từ ngữ như trên thì sẽ làm cho đề rõ ràng hơn và tránh được những lỗi đơn giản trong việc sử dụng tiếng Việt.

Bởi, đề thi môn Ngữ văn trong những năm qua thì chúng ta thường thấy những sai sót nhất định.

Vì vậy, việc cẩn thận trong từng câu chữ là cần thiết đối với người ra đề bởi đây là môn Ngữ văn - một môn học rất cần đúng về từ vựng, ngữ pháp.

Nguyễn Cao