Phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng an toàn thực phẩm, xuất khẩu nông sản

09/12/2018 22:26
Hồ Thu
(GDVN) - Ngày 6/12, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Diễn đàn cấp cao về du lịch trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF)

Phát biểu tại Diễn đàn khi các ý kiến phát biểu kéo dài đến quá 12 giờ trưa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ ghi nhận tất cả các khuyến nghị để làm sao cho du lịch Việt Nam phát triển tốt hơn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc lần đầu tiên một diễn đàn về du lịch được tổ chức trong khuôn khổ ViEF cho thấy sự đóng góp quan trọng của du lịch, trước hết về số liệu thống kê, đối với nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Đình Nam

Theo Phó Thủ tướng, câu hỏi lớn nhất của du lịch Việt Nam là làm sao duy trì được tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế như mấy năm qua, thậm chí còn phải tăng nhanh hơn nữa.

"Tuy nhiên, giữ được tốc độ này cũng là khó bởi vì tăng trưởng đến ngưỡng nào đó thì có những hạn chế mà chỉ riêng ngành du lịch không thể giải quyết được, và ngay cả có sự phối hợp của các ngành cũng không thể giải quyết được trong 1-2 năm.

Ví dụ vấn đề về sân bay, hàng không, chưa kể đến các hạ tầng khác như đường sắt, đường bộ, đường biển, nhưng nếu vì thế mà chấp nhận và có sự chững lại thì vô cùng nguy hiểm" - Phó Thủ tướng chia sẻ và cho rằng bên cạnh việc thúc đẩy giải quyết các vấn đề trên, vẫn phải duy trì được tốc độ tăng trưởng.

Dư địa tăng trưởng của du lịch được Phó Thủ tướng gợi mở như cải tiến phương thức quản lý, điều hành ở sân bay để có thể đón được nhiều máy bay, hành khách hơn hay cùng một số lượng khách du lịch thì tăng chất lượng, đa dạng dịch vụ để tăng chi tiêu của du khách.

Theo Phó Thủ tướng, đây là những vấn đề, rào cản lớn cần tiếp tục có những nghiên cứu sâu, dành nhiều thời gian tháo gỡ.

Phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng an toàn thực phẩm, xuất khẩu nông sản ảnh 2Năm du lịch quốc gia 2019 tổ chức tại Khánh Hòa

Đồng thời bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng cho du lịch bằng những giải pháp thiết thực, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin để xử lý những vấn đề trước mắt như kinh phí quảng bá du lịch hạn hẹp, thiếu đội ngũ hướng dẫn viên, kết nối các điểm đến, cơ sở lưu trú, đi lại, mua sắm…

Khẳng định vị trí của du lịch trong nền kinh tế chung, Phó Thủ tướng đặt vấn đề làm sao để kinh tế du lịch không chỉ phát triển cùng và phải nhận vai trò tiên phong, góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển nhanh hơn.

Ví dụ được Phó Thủ tướng đưa ra là khi du lịch nông nghiệp làm tốt sẽ thúc đẩy toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại vùng đó sẽ theo hướng sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của đất nước cũng được trợ giúp.

Hoặc việc đẩy du lịch cộng đồng không chỉ giúp người nghèo miền núi tăng thu nhập, mà điều quan trọng là mang thế giới đến ngay tận gia đình những người nông dân, có tác động tích cực đến các em nhỏ, thậm chí thay đổi tương lai của những gia đình, những em nhỏ đó.

Điểm tiếp theo được Phó Thủ tướng đề cập là bên cạnh những hạn chế về xúc tiến, thị thực nhập cảnh (visa), hạ tầng, sản phẩm, môi trường, quảng bá… vốn đã được nhận diện, từng bước khắc phục thì du lịch rất cần một sự phối hợp chặt chẽ, mạnh mẽ, đồng bộ.

Phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng an toàn thực phẩm, xuất khẩu nông sản ảnh 3Du lịch nông nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy phong trào nông thôn mới

Sự phối hợp đó không chỉ giữa Chính phủ và doanh nghiệp, mà ngay giữa các cơ quan thuộc Chính phủ với nhau, giữa Trung ương với địa phương, với các cấp và mạnh hơn nữa là giữa nhà nước, doanh nghiệp với từng người dân.

Mục tiêu là đất nước hoà bình, ổn định, an toàn; du lịch Việt Nam không có những “hạt sạn” như vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, chèn ép du khách…

Để hình ảnh về vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam được truyền tải đến bạn bè quốc tế.

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, Phó Thủ tướng cho rằng đây là thời cơ để quảng bá mạnh mẽ cho du lịch Việt Nam bằng những hình thức mới bên cạnh các kênh truyền thống.

“Để duy trì tốc độ tăng trưởng, du lịch Việt Nam nhất định phải nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm đáp ứng tốt hơn mọi trải nghiệm của du khách, huy động cả cộng đồng làm du lịch”, Phó Thủ tướng mong muốn.

Hồ Thu