Làm rồi hãy nói, triết lý đấy chứ sao phải đi tìm?

14/12/2018 07:11
Xuân Dương
(GDVN) - Nếu cần một cái gì đó khả dĩ làm giáo dục Việt Nam đổi mới thì xin gợi ý các nhà hoạch định chiến lược: Nói ít thôi, hãy làm thế nào để “Quốc sách hàng đầu"...

Chẳng còn bao ngày nữa là kết thúc năm 2018. Nhiều người bảo ngành Giáo dục năm nay gặp hạn, nào là học trò bị tát, cô giáo phải quỳ, gian lận thi cử diễn ra trên quy mô cấp tỉnh và khá nhiều lãnh đạo ngành - từ tỉnh đến bộ - bị xếp hạng tín nhiệm thấp nhất trong các cuộc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân địa phương,…

Có người cho rằng đạo đức xã hội xuống cấp nên giáo dục không thể là ngoại lệ, có người bảo do giáo dục chưa làm tròn chức năng nên đạo đức xã hội mới xuống cấp,…

Không ai nói sai và cũng chẳng ai hoàn toàn đúng.

Vậy thì nguyên nhân nào khiến ngành Giáo dục bị chê bai nhiều thế?

Trong bài “Việt Nam - giấc mơ 2035 (4): Giáo dục nằm ở đâu?” đăng tải năm 2016 người viết đã nêu một trong các nguyên nhân của tình trạng này. [1]

Xin chép lại một đoạn trong bài viết đó:

Liệu đây có phải là căn bệnh nhận thức vốn tồn tại rất nhiều năm qua, rằng giáo dục chỉ nên được đề cao về lý thuyết, ca ngợi thật rôm rả trong các hội nghị để thầy trò đỡ tủi, còn thực tế thì nên để cuối cùng bởi giáo dục không làm ra gạo, sắt thép, tàu bay, tên lửa…?”.

Làm rồi hãy nói, triết lý đấy chứ sao phải đi tìm? ảnh 1Giáo dục - Có hay không sự bất công đến từ chính sách?

Gần đây, “căn bệnh nhận thức” có phải đã được cải thiện?

Tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ nhất (VRDF) diễn ra ngày 5/12/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu:

Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện 3 điểm nghẽn chiến lược cản trở sự phát triển là thể chế, cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực, nhưng những kết quả này “chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, cũng như chưa tương xứng với tốc độ phát triển mà Việt Nam kỳ vọng”. [2]

Người viết đồng tình với quan điểm của Thủ tướng, rằng điểm nghẽn đầu tiên ảnh hưởng quyết định đến phát triển xã hội là “thể chế”, nhưng rất mong Thủ tướng xếp “chất lượng nguồn nhân lực” - tức là giáo dục - ở vị trí là điểm nghẽn thứ hai.

Thể chế chính trị, cụ thể là Nhà nước thông qua Hiến pháp đã quy định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, thế có nghĩa là giáo dục chịu sự chi phối bởi các quyết định của Nhà nước, bởi đường lối chính trị vận hành nhà nước đó.

Chất lượng nguồn nhân lực trở thành điểm nghẽn nghĩa là nền giáo dục có vấn đề. Giáo dục phát triển hay tụt hậu không phải là hiện tượng tự thân mà do đường lối, do chỉ đạo, do các quyết sách được ban hành và trình độ đội ngũ thừa hành công vụ.

Nếu sự chỉ đạo sát với thực tế, phù hợp với những biến động xã hội thì chắc chắn chúng ta đã nhận thấy sai lầm trong đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo đội ngũ nhà giáo từ nhiều năm trước chứ không phải đến giờ mới nhận thấy.

“Chất lượng nguồn nhân lực” là một trong những “điểm nghẽn chiến lược”, nhận thức là như thế, nhưng những nhà hoạch định chiến lược Việt Nam đang làm gì để xóa bỏ (chứ không chỉ cải thiện) các điểm nghẽn này?

Một số người, bao gồm các vị lãnh đạo ngành Giáo dục, chuyên gia, các đại biểu Quốc hội và nhà giáo các cấp đang tập trung cho việc đi tìm “Triết lý giáo dục Việt Nam”.

Thậm chí có ý kiến coi việc tìm ra “Triết lý giáo dục” với ngành Giáo dục quan trọng như xây dựng Hiến pháp quốc gia.

Cuốn sách "Đi tìm triết lí giáo dục Việt Nam" của tác giả Nguyễn Quốc Vương. (Ảnh: Nguyễn Quốc Vương)
Cuốn sách "Đi tìm triết lí giáo dục Việt Nam" của tác giả Nguyễn Quốc Vương. (Ảnh: Nguyễn Quốc Vương)

Giáo sư Trần Ngọc Thêm, người được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ Chủ nhiệm đề tài cấp quốc gia về “Triết lý giáo dục Việt Nam” cho rằng: “Giáo dục hỏng chính là do triết lý giáo dục sai lầm”. [3]

Kết luận của ông Thêm cho thấy ông khẳng định Việt Nam đã có triết lý giáo dục nhưng đó là “triết lý giáo dục sai lầm”. Tiếc rằng ông Thêm vẫn chưa chỉ rõ “triết lý giáo dục sai lầm” đó là “triết lý” nào, thể hiện qua văn bản nào, bằng câu chữ cụ thể nào.

Về điều này, thiết nghĩ cũng nên có đôi điều trao đổi để đi đến thống nhất bởi những phát biểu của vị giáo sư - tiến sĩ khoa học, chủ nhiệm đề tài cấp quốc gia không thể nói là không có ảnh hưởng đến độc giả và những nhà nghiên cứu.

Trả lời phỏng vấn báo Giaoduc.net.vn ông Thêm cho rằng: “Triết lý giáo dục theo nghĩa rộng là sản phẩm thuần túy của các nhà nghiên cứu, chúng mang tính cá nhân cao và có nhiều biến thể, khó lòng mà đạt được sự ổn định và đồng thuận.

Triết lý giáo dục theo nghĩa hẹp thì do yêu cầu ngắn gọn hàm súc nên hoặc là sẽ quá chung chung, hoặc là sẽ không toàn diện, do vậy cũng khó lòng đạt được sự đồng thuận”. [3]

Cả theo “nghĩa rộng” và “nghĩa hẹp” đều “khó lòng đạt được sự đồng thuận” vậy dành thời gian, tiền bạc đi tìm “Triết lý giáo dục Việt Nam” để làm gì?

Làm rồi hãy nói, triết lý đấy chứ sao phải đi tìm? ảnh 3Đổi mới hay chấn hưng giáo dục?

Hơn nữa, là giáo sư - tiến sĩ khoa học, biết rằng “hoặc là sẽ quá chung chung, hoặc là sẽ không toàn diện” sao ông không từ chối mà vẫn nhận làm Chủ nhiệm đề tài?

Bản thân ông Thêm cũng phải thừa nhận:

Không có một quốc gia nào tuyên bố “hiển ngôn” về triết lý giáo dục; trong các văn bản pháp quy của mình, họ chỉ trình bày các mục đích, mục tiêu, nguyên lý, tính chất của giáo dục mà thôi”.

Những quốc gia được cho là không tuyên bố “hiển ngôn” về triết lý giáo dục được giáo sư Thêm liệt kê là Phần Lan, Singapore, Nhật Bản,... những nước được thừa nhận là có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới.

Nếu đã thừa nhận thực tế tại các quốc gia phát triển giáo dục hàng đầu thế giới người ta không cần “hiển ngôn” triết lý giáo dục mà giáo sư Thêm và cộng sự vẫn cố đi tìm “Triết lý giáo dục Việt Nam” thì phải chăng các vị đang muốn cho thế giới thấy nét độc đáo, không giống ai của nền giáo dục nước nhà?

Bận bịu với “triết lý”, với hàng mớ lý luận khi “Trường không ra trường, thày không ra thày, trò không ra trò” - điều mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng rất trăn trở - liệu có phải là cách làm khoa học nhằm nâng tầm giáo dục Việt Nam?

Câu nói của Hồ Chủ tịch “Không có gì quý hơn độc lập tự do” được xem là triết lý sống của người Việt. Một câu nói hết sức ngắn gọn, xúc tích nhưng là chân lý xuyên suốt lịch sử dân tộc, đúng cho hôm nay và cũng đúng cho mai sau.

Người xưa nói về giáo dục rất ngắn gọn: “Tiên học lễ, hậu học văn” - trước khi học làm con người có kiến thức khoa học, phải học làm người có văn hóa (theo nghĩa đạo đức).

Từ triết lý ấy dân gian phát triển thành:

Muốn sang phải bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thày”.

Làm rồi hãy nói, triết lý đấy chứ sao phải đi tìm? ảnh 4Quốc sách và sự nhẫn nhịn của Giáo dục

Những điều đúc kết trong nhiều thế kỷ ấy nay còn đúng trong nhận thức và thực tế?

Phủ nhận cái gọi là “xưa cũ, lạc hậu, phong kiến” chúng ta thay thế “Tiên học lễ, hậu học văn” bằng “Vừa hồng, vừa chuyên” hoặc “Con ngoan, trò giỏi”,… và cuối cùng, cho đến hôm nay vẫn chưa một ai khả dĩ nêu được “Triết lý giáo dục Việt Nam” là gì.

Các phát biểu đều né tránh, đều cho rằng không thể dùng một câu ngắn gọn để diễn đạt triết lý giáo dục Việt Nam.

Đó là khó khăn về ngôn từ hay chỉ vì thực ra hiện nay, giáo dục nước nhà vẫn trong giai đoạn bùng nhùng, phủ nhận truyền thống nhưng không có những kết quả nổi bật khả dĩ có thể đúc kết thành triết lý.

Khá nhiều ý kiến đề xuất quan điểm cá nhân về triết lý giáo dục Việt Nam mà truyền thông đăng tải cho thấy xã hội chưa có sự thống nhất về “Triết lý giáo dục”.

Với “chiếc cày triết lý” được đẽo bởi những nhát dao lừng khừng như vậy, cuối cùng thì hình dạng “Triết lý giáo dục Việt Nam” sẽ tròn hay méo, liệu nó có giống như câu chuyện “Con rắn vuông” hay câu thành ngữ “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”?

Xới xáo chuyện “Triết lý giáo dục” có thể không phải là cách quảng bá cho đề tài cấp quốc gia mà Giáo sư Thêm lãnh đạo.

Có điều người viết, cũng như một số ý kiến của các tác giả khác cho rằng không ít đề tài khoa học sau khi nghiệm thu chỉ có tác dụng làm đẹp giá sách.

Làm rồi hãy nói, triết lý đấy chứ sao phải đi tìm? ảnh 5Ẩm ương chuyện giáo dục

Vậy phải chăng đây là cách hướng dư luận sang một lĩnh vực ít “nhạy cảm” hơn so với hàng loạt vụ lùm xùm trong ngành giáo dục diễn ra suốt năm qua?

Nhiều bài báo viện dẫn câu nói (được cho là của Hồ Chủ tịch): “Dĩ bất biến - Ứng vạn biến” (Lấy cái không thay đổi ứng phó với vạn cái thay đổi) để giải thích cho chiến lược ngoại giao, quân sự,… của Việt Nam trước những biến động địa chính trị khu vực và thế giới từ năm 1945 đến nay.

Phải chăng những cái “bất biến” trong điều hành giáo dục như “Nói hay, làm dở; Gian dối thi cử; Bệnh thành tích,…” đã được “bất biến” suốt nhiều năm qua để ứng phó với nhu cầu đổi mới giáo dục?

Và phải chăng vì thế mà giáo dục vẫn “vững như bàn đá”, không mảy may thay đổi dù đến nay đã có mấy cuộc “đổi mới”?

Tách giáo dục thành một ốc đảo giữa một xã hội bộn bề nhiễu nhương để tìm triết lý giáo dục có phải là không tưởng?

Thay vì đi tìm triết lý giáo dục, sao không tìm cội nguồn của những bất cập mà giáo dục chỉ là đối tượng “thụ hưởng”?

Có một câu trả lời rất hay cho câu hỏi: “Quy luật bay của con bướm trong vườn hoa là gì” như sau:

“Quy luật bay của con bướm là không có quy luật nào cả”.

Không có quy luật nào cả nhưng con bướm vẫn bay, không có phát biểu “hiển ngôn” về “Triết lý giáo dục” nhưng Nhật Bản, Thụy Điển, Singapore,… vẫn là những quốc gia đứng đầu thế giới về giáo dục, vậy thì phải chăng “Triết lý giáo dục của Việt Nam” là “Không cần triết lý nào cả”?

Nếu cần một cái gì đó khả dĩ làm giáo dục Việt Nam đổi mới, vươn tầm thế giới thì xin gợi ý các nhà hoạch định chiến lược: “Nói ít thôi, hãy làm thế nào để “Quốc sách hàng đầu” không phải chỉ là câu từ làm đẹp Hiến pháp”./.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Viet-Nam--giac-mo-2035-4-Giao-duc-nam-o-dau-post171871.gd

[2]http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/thu-tuong-cai-thien-3-diem-nghen-chien-luoc-can-tro-phat-trien-492869.html

[3]https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/gstskh-tran-ngoc-them-giao-duc-hong-chinh-la-do-triet-ly-giao-duc-sai-lam-566901.bld

Xuân Dương