Trường Nguyễn Trường Tộ có bao che cho giáo viên?

19/12/2018 07:03
Phan Tuyết
(GDVN) - Để không ảnh hưởng đến thành tích chung, Phòng giáo dục và Đào tạo Thành phố Rạch Giá “gợi ý” nhà trường xử lý việc giáo viên bạo hành học sinh “nhẹ nhàng”.

Lãnh đạo nhà trường có bao che “hành vi bạo hành học sinh” và  gợi ý của Lãnh đạo Phòng Giáo dục là gì?

Hiện tượng bạo hành trẻ em trong nhà trường đang có xu hướng gia tăng cả về số lượng cũng như tính chất nghiêm trọng.

Hiện tượng bạo hành trẻ em trong nhà trường dù dưới bất kỳ hình thức nào thì cũng không thể chấp nhận được.

Việc ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi bạo hành với trẻ em là việc làm hết sức quan trọng và cần đến sự quan tâm của toàn xã hội.

Nhưng, có những trường hợp bạo hành học sinh dù đã được phát hiện và có sự phản ứng dữ dội từ dư luận nhưng lãnh đạo nhà trường vẫn quanh co, giấu diếm và bao che vì để bảo vệ thành tích cho nhà trường.

Qua trao đổi, cô Phạm Thị Liễu - Trưởng Ban thanh tra Nhân dân Trường trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ cho biết:

Cô chủ nhiệm trao đổi với tôi vụ việc, khi báo chí đến trường làm việc tôi không biết mà chính cô giáo chủ nhiệm điện báo cho tôi biết.

Trường Nguyễn Trường Tộ có bao che cho giáo viên? ảnh 1Có một kiểu "tra tấn" kinh dị trong trường học

Nhà trường đã xử lý theo như chỉ đạo của Phòng Giáo dục là chỉ xử lý trong bộ tứ chứ không mời Trưởng Ban Nhân dân.

Tôi đã gặp Hiệu phó để hỏi xem vụ việc đã xử lý đến đâu thì được Hiệu phó cho xem biên bản và trong thành phần xử lý vụ việc tôi không thuộc thành phần được tham gia”.

Cô Liễu cho biết thêm, cô không phải là đảng viên nhưng cô được giáo viên nhà trường phản ánh cho biết cô M. vẫn được chi bộ nhà trường đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trong kỳ họp đánh giá kiểm điểm cuối năm 2018.

Vừa qua, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có một loạt bài phanh phui hành vi bạo hành học sinh rất “kinh dị” xảy ra tại Trường trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ, Thành phố Rạc Giá nhưng việc này đã không được địa phương quan tâm xử lý vì một lý do rất giản đơn đó là “phụ huynh không phản ảnh” và “không gây thương tích”.

Như tin đã đưa, phụ huynh tố cô giáo Đ. T. M (giáo viên dạy Lịch sử của Trường trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) phạt học sinh vi phạm nếu không hoàn thành bài tập kiểm tra bài cũ do cô giáo giao về nhà tự soạn thì sẽ không dạy tiết học ấy mà bắt cả lớp quỳ trên ghế hoặc một tay giơ lên trời, một tay phải viết lia lịa không được ngừng.

Bạo hành trong trường học do giáo viên thực hiện với học sinh tồn tại ở những dạng thức khác nhau.

Bạo hành có thể nhìn thấy được hay còn gọi là bạo hành thể xác là hình thức phạt đánh bằng công cụ như roi, vọt hoặc đánh đấm, bắt quỳ gối…và hình thức bạo hành này có thể dẫn đến thương tích cho học sinh.

Dạng thứ hai là bạo hành tinh thần, hình thức phổ biến là dùng ngôn từ để chửi mắng, đe dọa, đay nghiến, dày vò tinh thần, tạo áp lực trong học tập đối với học sinh…

Tại Trường trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ, Thành phố Rạch Giá, việc bạo hành học sinh kiểu như bắt quỳ gối hoặc kiểu “kinh dị” một tay giơ lên trời, một tay viết không ngừng đã được cô M. áp dụng thực hiện phạt nhiều lần.

Nhưng, lần này mặc dù được phụ huynh học sinh phát hiện, được đồng nghiệp (trưởng ban Thanh tra Nhân dân nhà trường) trực tiếp báo cáo giáo viên chủ nhiệm, báo cáo ban lãnh đạo nhà trường nhưng lý do được đưa ra là “phụ huynh không phản ảnh” và “không gây thương tích” nên ban lãnh đạo Trường trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ, Thành phố Rạch Giá không nghiêm túc xử lý đã thật sự gây bức xúc cho chính các giáo viên trong nhà trường.

Trường trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang (ảnh: P.L)
Trường trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang (ảnh: P.L)

Ngày 11/12, trao đổi với qua điện thoại, ông Huỳnh Văn Hóa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Rạch Giá, Kiên Giang cho biết vẫn chưa nhận được báo cáo vụ việc từ đơn vị trường và hiện tại vẫn đang chờ nhà trường báo cáo.

Tiếp tục liên hệ với nhà trường nhiều lần nhưng hiệu trưởng không nghe máy. Tuy nhiên, từ thông tin nội bộ lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Rạch Giá đã yêu cầu cô M. gửi bản tường trình nhưng cô M. đã thực hiện hay chưa thì chưa có thông tin.

Cũng tin từ nội bộ, trong phiên họp hội đồng nhà trường, hiệu trưởng thông tin rằng Phòng Giáo dục đã “gợi ý” chỉ kiểm điểm sự việc trong “bộ tứ”.

Trong cuộc họp cũng có nhiều ý kiến đề nghị hiệu trưởng cần nhanh chóng giải quyết, thông báo rõ hình thức cho hội đồng sư phạm biết nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa biết được sẽ xử lý như thế nào vì người thực hiện chỉ đạo của phòng giáo dục là hiệu trưởng.

Trao đổi với một thành viên thuộc ban lãnh đạo nhà trường, khi nêu đây là vấn đề thuộc thẩm quyền xử lý của nhà trường nhưng tại sao phải chờ đợi sự chỉ đạo mang tính “cầm tay chỉ việc” của Phòng giáo dục và “bộ tứ” được nêu lên trong cuộc trò chuyện là những thành phần nào thì vị này trả lời: “bộ tứ” gồm hiệu trưởng, hiệu phó, bí thư chi đoàn và chủ tịch công đoàn cơ sở.

Vị này cũng cho biết, ban chi ủy chi bộ có đề nghị xử lý nhưng hiệu trưởng cũng nằm trong ban chi ủy, là bí thư chi bộ nên việc có xử lý hay không vẫn thuộc thẩm quyền của hiệu trưởng, hiện tại lãnh đạo Phòng Giáo dục đã chỉ đạo chỉ kiểm điểm trong “bộ tứ” nên không thể làm trái.

Vậy mục đích “gợi ý” của Phòng Giáo dục chỉ kiểm điểm trong “bộ tứ” là gì vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Trường Nguyễn Trường Tộ có bao che cho giáo viên? ảnh 3Xác minh, xác minh, rồi làm gì nữa?

Giáo viên vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, vi phạm các quy định về đạo đức nhà giáo nhưng hiệu trưởng nhà trường vẫn im lặng

Khoản 6 Điều 4 Luật trẻ em 2016 đã giải thích “Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

Khoản 8, Điều 4 cũng yêu cầu “Giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em là việc xem xét, đánh giá hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan về trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các ý kiến, kiến nghị của trẻ em, bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em” .

Như vậy, mặc dù trong nhà trường có đầy đủ các tổ chức, đoàn thể như công đoàn cơ sở, đoàn thanh niên, ban thanh tra nhân dân nhưng việc giám sát để giảm thiểu tối đa hành vi bạo hành trẻ vẫn không mấy khả thi, ngày càng nhiều các vụ việc bạo hành học sinh khiến dư luận phẫn nộ.

Có nhiều vụ việc chỉ được xử lý khi báo chí đưa tin và cũng có nhiều vụ việc đã có các chứng cứ rõ ràng nhưng người trong cuộc vẫn quanh co tìm cách chống chế, tháo gỡ bằng nhiều biện pháp hoặc im lặng một cách khó hiểu như câu chuyện bạo hành học sinh tại Trường trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ, Thành phố Rạch Giá (Kiên Giang).

Phan Tuyết