Trường bắn - Ngày kết thúc:

Kỳ 1: Hé lộ những “bí mật” ở trường bắn

14/12/2011 07:18
Theo VIỄN SỰ - HOÀNG ĐIỆP/Tuoitre

Những tử tù sẽ không còn phải bước ra trường bắn kể từ ngày 1-1-2012. Sẽ có phương pháp thi hành án ít đau đớn và ám ảnh hơn bằng cách tiêm thuốc độc...

Trước khi cánh cửa pháp trường vĩnh viễn đóng lại, phóng viên ghi nhận câu chuyện sẽ trở thành ký ức về những nơi này.

Mộ của tử tù Lường Văn Hoa tại trường bắn Chiềng Mung, huyện Mai Sơn (Sơn La) - một trong hai tử tù cuối cùng tại đây - Ảnh: Viễn Sự

Mộ của tử tù Lường Văn Hoa tại trường bắn Chiềng Mung, huyện Mai Sơn (Sơn La) - một trong hai tử tù cuối cùng tại đây - Ảnh: Viễn Sự

Nếu không có cán bộ trại giam Sơn La đi cùng, có lẽ người viết bài chẳng thể nghĩ triền núi Chiềng Mung (Mai Sơn, Sơn La) chính là một trường bắn thi hành án tử tù. Bởi lẽ phong cảnh ở nơi từng là pháp trường ấy rất hiền hòa, chẳng có chút gì ghê rợn như vẫn nghĩ về một chốn để các tử tù trả giá trước pháp luật về tội lỗi của mình. Rẽ từ quốc lộ 6, len qua những rẫy cà phê đang chín rộ chừng 500m, trường bắn Chiềng Mung hiện ra.

Những cọc tre cuối cùng

Nối theo sau rẫy cà phê là những luống cải mèo, đậu xanh bạt ngàn. Thượng tá Vũ Hữu Sáng - phó giám thị trại giam Sơn La - nói những luống cải mèo, đậu xanh là của bà con người Thái tạm canh khi họ biết vách núi Chiềng Mung sẽ không còn thi hành án tử tù cách đây vài tháng. Khu nhà thi hành án vẫn chưa bị dỡ đi, khoảnh sân ximăng nơi đọc tuyên án tử tội vẫn còn.

Nhưng những thứ ấy không đủ làm người ta nhận ra nơi đây từng là một pháp trường, mà thứ còn sót lại đủ sức gợi lên hình ảnh của một trường bắn chính là bốn chiếc cọc tre được dựng thành cặp - nơi tử tù tựa lưng vào khi bị thi hành án - đã được phạt ngang sát gốc, trơ lại giữa ruộng đậu xanh. Hai tử tù cuối cùng “dựa” vào những chiếc cọc tre ấy là Vàng A Giơ và Lường Văn Hoa, được thi hành án vào ngày 29-6-2011. Khép lại sứ mệnh của không chỉ vách núi Chiềng Mung mà của rất nhiều vách núi, dốc núi ở Sơn La từng được dùng làm trường bắn thi hành án tử tù.

Gần 30 năm công tác ở trại giam Sơn La, từng tham gia thi hành án rất nhiều tử tù, thượng tá Vũ Hữu Sáng đã chứng kiến nhiều giai đoạn khác nhau của trường bắn. Ông kể: “Hồi trước mỗi khi thi hành án tử tù, xin được chỗ nào thì bắn chỗ đó, mãi đến năm 2004 mới có trường bắn Chiềng Mung này”.

Giai đoạn ấy, địa điểm thi hành án tử tù thường có hai phương án, một là đưa về nơi tử tù gây án để thi hành án, có sự chứng kiến của nhân dân. Phương án thứ hai là tìm một khu đất trống xa dân cư, thường là ven triền núi để làm pháp trường. Bởi thế mà ở Sơn La có thể đếm được hàng chục pháp trường. Từ triền núi Cao Pha (gần trại giam Cao Pha cũ), nghĩa địa Thuận Châu, rồi dốc 75 ven quốc lộ 6 ở Nông trường Mộc Châu đến những vách núi Chiềng Xôm, Chiềng Lề, Chiềng An ở TP Sơn La đều đã ít nhất một lần trở thành pháp trường thi hành án tử tù.

Không chỉ địa điểm mà cả cách thức thi hành án cũng có chút ít thay đổi. Thượng tá Vũ Hữu Sáng cho biết khoảng chục năm về trước thỉnh thoảng vẫn có những vụ thi hành án lưu động tại nơi tử tù gây án. Các vụ thi hành án tử tội khác cũng được báo trước vào giờ trên loa phóng thanh để người dân đến xem. Nhưng sau này không còn những điều đó, việc thi hành án được tiến hành kín đáo hơn để bảo đảm trật tự.

“Bây giờ thì tất cả trường bắn ấy, ký ức ấy đã vĩnh viễn trở thành quá khứ. Nhà thi hành án bằng cách tiêm thuốc đang được xây dựng trong trại, anh em chúng tôi cũng cảm thấy bớt phức tạp và nhẹ nhàng hơn khi thi hành án” - thượng tá Sáng chia sẻ bên những cọc tre còn sót lại ở Chiềng Mung.

Những chiếc cọc tre cuối cùng ở trường bắn Chiềng Mung - Ảnh: VIỄN SỰ
Những chiếc cọc tre cuối cùng ở trường bắn Chiềng Mung - Ảnh: VIỄN SỰ

Quy ước ngầm

Luật sư Lò Xuân Lẻ - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Sơn La, nguyên trưởng phòng cảnh sát bảo vệ tư pháp Công an Sơn La, từng chỉ huy nhiều vụ thi hành án tử tù - có lẽ là người giữ nhiều “bí mật” về trường bắn nhất ở Sơn La. Từng là một chiến sĩ trực tiếp thi hành án tử hình rồi đến cương vị chỉ huy thi hành án, ông Lẻ thấu hiểu tâm lý của những đồng đội thi hành án ở pháp trường. Ông cho biết mỗi năm ở Sơn La có 5-7 án tử hình được thi hành. Có rất nhiều lực lượng từ công an, y tế, chính quyền địa phương tham gia và hội đồng thi hành án. “Nhưng những người trực tiếp cầm súng loại bỏ một mầm mống tội ác của xã hội bao giờ cũng là người căng thẳng nhất” - ông Lẻ chia sẻ

Và để giảm bớt sự căng thẳng ấy, với cương vị người chỉ huy thi hành án, có những điều ông Lẻ đã làm không nằm trong quy định nào của ngành công an. Ông kể thông thường trước lúc thi hành án, anh em có ba ngày để tập mục tiêu, và bao giờ ông Lẻ cũng cắt ra một ngày để “làm công tác tư tưởng”. Ông Lẻ thật thà: “Thực lòng là chả mấy anh em vui vẻ khi phải trực tiếp cầm súng kết thúc sinh mạng một con người, cho dù đó là người có tội”.

Và một ngày làm công tác tư tưởng là để giải tỏa phần nào tâm lý này. Vậy nhưng cũng có lần chính ông Lẻ đã phải kèm một đội trưởng thi hành án lên thực hiện “phát súng nhân đạo” khi phát hiện anh đội trưởng này có dấu hiệu về tâm lý. “Tôi biết việc kè anh ấy lên là sai quy trình, nhưng tôi cũng từng thực hiện nhiều phát súng nhân đạo và chia sẻ được tâm lý cấp dưới của mình. Nếu để anh ấy thực hiện một mình, chẳng may trượt mục tiêu thì không những không hoàn thành nhiệm vụ mà còn ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của mình và đồng đội”.

Những thủ tục “ngoài lề” mà ông Lẻ từng làm để giảm áp lực tâm lý cho chiến sĩ thi hành án tử tù còn được cấp dưới của ông như Quàng Cường, Điêu Chính Thỏa, Phạm Bá Ngãi - những đội trưởng thi hành án tử tù tại Sơn La - nhớ nhiều. Đó là cứ sau mỗi lần thi hành án, anh em trong đội lại được ông Lẻ dẫn đi làm một bữa rượu, ai có tâm lý, nỗi niềm đều có thể trao trút cho nhẹ nhàng rồi mới trở về nhà. Bữa rượu không có trong quy trình ấy mãi sau khi về hưu ông Lẻ mới tiết lộ đó là một “quy ước ngầm” giữa ông và Tòa án tỉnh Sơn La. Khi cứ sau mỗi lần thi hành án, Tòa án Sơn La sẽ cấp một khoản kinh phí nho nhỏ để ông Lẻ dẫn anh em đi làm “công tác tư tưởng”.

Nhưng đó cũng chưa phải là “bí mật” lớn nhất. Cùng là người dân tộc thiểu số (ông Lẻ người Thái trắng), ông Lẻ nói trong lực lượng thi hành án có rất nhiều chiến sĩ người Thái, Mông, Mường... Cứ sau mỗi lần thi hành án tử tù, ông lại ký phép vài ngày cho anh em người dân tộc về thăm gia đình. Nhưng mục đích chính là để anh em về bản cúng con gà, con heo làm lễ gọi hồn cho con em họ, đừng có đi lạc lối, bị hồn của tử tội bắt mất. Gần 20 năm làm đội trưởng rồi trưởng phòng, ông Lẻ đã ký hàng trăm giấy nghỉ phép đột xuất như thế cho cấp dưới của mình.

Và cho đến bây giờ, ông Lẻ vẫn tin những chi tiết không có trong quy trình thi hành án tử tù mà ông đã làm ấy góp phần giúp đồng đội, giúp ông nhẹ nhàng, cả khi không còn làm nhiệm vụ kết thúc đời sống của một tử tội.

Nghĩa trang tử tù - một chương dài trong câu chuyện về trường bắn - còn kể những câu chuyện gì về tử tù khi đã nằm lại dưới những tầng đất? mời bạn đọc tiếp tục đón đọc ở kỳ tới: Nơi bình yên cuối cùng.

Theo VIỄN SỰ - HOÀNG ĐIỆP/Tuoitre