Giao bài tập về nhà cho HS tiểu học: Chỉ cần 30 phút mỗi ngày

28/03/2012 18:00
Kim Ngân
(GDVN) - Nhiều giáo viên tiểu học cho rằng giao bài tập về nhà cho trẻ là nên nhưng phải tùy từng đối tượng học sinh và số lượng bài tập chỉ ở mức bình thường.
Cho trẻ làm bài tập ở nhà sẽ rèn thói quen tự học
Theo quy định của Bộ GD & ĐT thì đối với học sinh học 2 buổi/ngày, nhà trường cần tạo mọi điều kiện để học sinh hoàn thành bài tập ngay tại lớp, không giao bài tập yêu cầu làm thêm ở nhà. 
Tuy nhiên, nhiều trường tiểu học hiện nay vẫn giao bài tập “đều đều” về nhà cho học sinh. PV báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với một vài giáo viên tiểu học và họ cho rằng việc giao bài tập về nhà là nên, để rèn thói quen tự học cho trẻ.
Bà Đào Thủy (Phó hiệu trưởng trường Dân lập Đoàn Thị Điểm) bộc lộ quan điểm rằng việc học và làm bài tập ở nhà sẽ rèn luyện cho trẻ thói quen tự học và ôn luyện kiến thức đã học ở trên lớp. Học mà không luyện thì kết quả sẽ không cao.
“Trường có đặc thù có học các môn bắt buộc thì học các môn tự chọn, 8 -10 tiết ngoại ngữ/ tuần và hoạt động ngoại khóa, năng khiếu như tin, mỹ thuật, thể dục, âm nhạc…Vì vậy thời gian tự học rất ít, 1 ngày 1 tiết = 40 phút/ ngày, khối nhiều nhất là 6 tiết/ tuần và học xen kẽ, không cố định một buổi riêng trong tuần. Như thế, trường không có thời gian tự học cho các em như các trường công lập”, bà Đào Thủy giải thích.


Nhất trí với quan điểm trên, cô N. Trang (GV lớp 1 trường Tiểu học Thành Công B) cho biết: “Học sinh học trước quên sau nên phải luyện thêm nhưng phải tùy thuộc vào sức khỏe, khả năng của từng em. Tôi không giao bài tập viết hay Toán về nhà mà chỉ dặn các con tập đọc và chuẩn bị bài trước ở nhà. Chỉ một vài bạn học kém, nếu trên lớp chưa làm hết bài thì về nhà hoàn thành nốt, chứ không giao bài thêm”.

Theo cô Trang thì việc yêu cầu các học sinh được tìm hiểu bài trước sẽ tiếp thu nhanh hơn, nắm chắc kiến thức bài trên lớp khi cô giảng. Và theo quy định của trường Thành Công B, giáo viên phải trao đổi với phụ huynh trước khi giao bài tập cho học sinh đó.

Hơn nữa, tùy thuộc vào từng đối tượng học sinh mà giao bài tập về nhà hay không. “Đối với những học sinh đã làm tốt bài trên lớp thì không cần phải cho thêm, còn đối với những em hay quên, kiến thức không chắc, ra thêm là cần thiết. Em nào chưa hoàn thành xong bài thì mình sẽ yêu cầu các em về nhà làm. Thế nên giao bài tập về nhà không thể nói tốt hay không tốt cho tất cả học sinh được”, cô Hà (GV lớp 3 trường tiểu học Trần Quốc Toản) cho hay.

Cô Hà khẳng định rằng các em bán trú có riêng một buổi chiều để tự học, hoàn thành bài tập bài giảng hôm đó nên không giao bài tập thêm về nhà. “Việc để học sinh tiểu học mất hơn 2 tiếng đồng hồ mỗi tối ngồi học là không nên bởi các em cần thời gian sinh hoạt, ăn ngủ và trò chuyện với ông bà, bố mẹ. Không nên giao đồng loạt bài tập và không tạo áp lực cho các em”, cô Hà bày tỏ.

Chỉ 30 phút – 1 tiếng làm bài tập

Theo tìm hiểu của PV, trường tiểu học DL Đoàn Thị Điểm quy định mỗi học sinh tự học từ 30 phút – 1 tiếng/ ngày sau giờ trên lớp nhưng không bắt buộc và chỉ là chữa lại bài sai, làm bù làm còn thiếu và làm thêm bài tập bổ trợ nâng cao.

“Tuy nhiên, giáo viên không nên cho quá nhiều bài tập về nhà, ôn lại kiến thức ở trên lớp, đọc lại bài mới học và nên tạo cho học sinh khoảng thời gian tự lo cho mình. Ngồi kèm học sinh hoặc thuê gia sư là phản giáo dục, phải để học sinh tự học”, Phó hiệu trưởng trường Đoàn Thị Điểm nhấn mạnh.

“Một tiếng rưỡi là cùng, nếu quá nhiều thì trẻ rất là mệt mỏi, căng thẳng và như thế sức khỏe không đảm bảo”, cô Trang (GV lớp 1, trường tiểu học Thành Công B) nói.

Còn đối với các trường tiểu học quốc tế thì việc giao bài tập về nhà nhẹ nhàng hơn so với các trường công lập và tư thục.

“Mỗi ngày dặn các con làm 5 bài trong sách bài tập toán ở nhà để ôn lại kiến thức cô giảng trên lớp hoặc khuyến khích con đọc thêm câu chuyện văn học. Chỉ có trước kỳ thi học kỳ nửa tháng là giao thêm cho phiếu bài tập ở nhà, chứ không hề đặt nặng bài tập cho các con”, cô Hà (GV lớp 4 trường tiểu học quốc tế VIP) cho biết.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều giáo viên thì nếu giao số lượng bài tập quá lớn đối với học sinh tiểu học thì ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tâm sinh lý cũng như việc học của trẻ.

Sau cả ngày học trên lớp, nhiều học sinh tiểu học vẫn phải mất 1 - 2 tiếng buổi tối thậm chí còn hơn để hoàn thành bài tập được giao. Không chỉ có con, mà mẹ cũng "vào cuộc". (nguồn Internet).
Sau cả ngày học trên lớp, nhiều học sinh tiểu học vẫn phải mất 1 - 2 tiếng buổi tối thậm chí còn hơn để hoàn thành bài tập được giao. Không chỉ có con, mà mẹ cũng "vào cuộc". (nguồn Internet).



Bản thân cô Hà cũng có con học lớp 3 trường tiểu học Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) cũng thấy căng thẳng khi hàng ngày mất 1 tiếng rưỡi để ngồi cùng con giải toán. “Nhiều bài tập nâng cao, khó các em không thể làm được hết mà trên lớp các cô không hướng dẫn và không thấy chữa lại vào buổi sau. Mình có góp ý với cô giáo, sau đó cô không giao gì nữa và nói bố mẹ tự cho bài tập”, cô Hà thắc mắc.

Phụ huynh cũng sốt ruột

“Khi chúng tôi có trao đổi với phụ huynh về việc Bộ quyết định cấm các trường tiểu học tuyệt đối không giao bài tập về nhà cho học sinh bán trú, nhiều cha mẹ tỏ ra lo lắng, sốt ruột và yêu cầu cô giáo vẫn cho con họ bài tập ở nhà”, cô Hà cho hay.
Tâm lý chung của phụ huynh là muốn con em học giỏi nên tự gây áp lực cho con bằng việc thuê gia sư tại nhà, bắt con làm đề thi ôn luyện thêm ở trên mạng hoặc yêu cầu giáo viên chủ nhiệm “để ý” giao thêm bài cho con. 

Theo bà Đào Thủy – Phó hiệu trưởng tiểu học DL Đoàn Thị Điểm là hiện nay nhiều bố mẹ có con lớp 4, 5 muốn con vào trường tốt, trường điểm phải thi, nếu không bồi dưỡng thì không bao giờ thi được. Có trường hợp em N.V.A (học sinh lớp 5 trường tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm) rơi vào tình trạng bài tập trên lớp không hoàn thành, đi học muộn, ngủ gật. Và nguyên nhân là ngày nào cháu cũng phải đi học thêm đến 9h tối. Sau đó, lại phải hoàn thành bài tập về nhà nên hôm nào cũng phải ngủ muộn.

“Nếu con mình phải làm quá nhiều bài tập về nhà, ảnh hưởng sức khỏe cũng như tâm lý của cháu thì bản thân phụ huynh phải góp ý trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm”, bà Thủy khẳng định. Đa số giáo viên đều ủng hộ việc giao bài về nhà cho học sinh, tuy nhiên mức độ bài tập như thế nào thì chưa xác định được. Theo quy định của Bộ GD & ĐT thì đối với học sinh bán trú, buổi chiều là thời gian thầy cô kèm và giúp các em hoàn thành hết bài tập ngay trên lớp. Tuy nhiên, đa số đều phải mang về nhà để hoàn thành nốt. Phải chăng chương trình học của học sinh tiểu học quá nặng và không hề được giảm tải!?
Kim Ngân