Giao bài tập về nhà cho HS tiểu học: Đừng cướp đi tuổi thơ của trẻ

28/03/2012 14:32
Bích Thảo
(GDVN) - Trẻ bị áp lực học tập quá nhiều sẽ dễ gây ra chứng rối nhiễu tâm lí, căng thẳng, buồn chán, mất kiểm soát hành vi và nguy hiểm hơn là tìm đến cái chết - Chuyên gia tâm lí Vũ Thu Hà Công ty Ứng dụng tâm lí Hoa Mặt Trời chia sẻ.
Trẻ học giỏi cũng có rất nhiều vấn đề tâm lý
Muốn trẻ phát triển toàn diện cần phải chú trọng đến việc cân bằng giữa các yếu tố: Thể lực, trí tuệ, cảm xúc và quan trọng hơn là ứng xử xã hội.
Mọi bố mẹ đều mong muốn con mình giỏi giang và đạt được những thành tích cao, do đó luôn đặt những cái đích cao hơn cho con. Chính sự kì vọng quá nhiều của bố mẹ đã tạo ra những áp lực nặng nề cho con cái. 
Chuyên gia tâm lí Vũ Thu Hà: Cha mẹ nên dành thời gian để hiểu con có khả năng đến đâu
Chuyên gia tâm lí Vũ Thu Hà: Cha mẹ nên dành thời gian để hiểu con có khả năng đến đâu



Chuyên gia tâm lí Vũ Thu Hà tâm sự ngày nào cũng nhận được những lời tâm sự của học sinh về việc chúng phải học nhiều vào các buổi tối, đạt được điểm 10 để bố mẹ vui.
Chuyên gia Thu Hà khẳng định mỗi đứa trẻ có một điểm mạnh khác nhau. Do đó khả năng giải quyết, tiếp thu vấn đề của mỗi trẻ khác nhau. Có những trẻ tiếp thu nhanh và làm tốt các bài tập cô giáo giao, nhưng cũng có những trẻ phải mất rất nhiều thời gian mới làm xong bài tập về nhà, có khi đến 11, 12 giờ đêm.
Hiện nay luôn tồn tại một nghịch lí là những đứa trẻ học tập, phấn đấu căng hết mình chỉ vì những mong đợi của bố mẹ. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh của những bậc phụ huynh đứng đợi con ở cổng trường, gặp con là bố mẹ hỏi hôm nay con được mấy điểm chứ không bao giờ thấy ai hỏi con học có vui không, có chuyện gì thú vị trên lớp hay không?.

Hoặc trẻ đòi một phần thưởng nào đó cha mẹ sẽ nói nếu con được điểm 10 bố mẹ sẽ mua cho. Điều này cho thấy cha mẹ luôn chú ý vào kết quả mà chưa chú ý đến sự nỗ lực của con trẻ. Nhiều trẻ không có khả năng đạt điểm 10 nhưng rất nỗ lực nên cũng là điểm đáng chú ý để khen ngợi và động viên trẻ. 

Chuyên gia Thu Hà phân tích rằng không phải những đứa trẻ học kém là đứa trẻ đáng lo mà chính những đứa trẻ học giỏi. Các em đó suốt ngày chỉ có học mà quên mất các hoạt động giao tiếp khác, cách ứng xử cuộc sống cũng thiếu đi.

Trẻ học giỏi nhưng không được trang bị kĩ năng sống sẽ gặp nhiều vấn đề trong cách biểu lộ cảm xúc, giao tiếp xã hội, dễ căng thẳng, lo lắng. 

Những đứa trẻ này mới thực sự đáng báo động hơn là những đứa trẻ học bình thường nhưng hòa đồng, hoạt động nhóm tích cực. Do đó cần phải cân bằng học tập với các hoạt động ngoại khóa để trẻ có thể phát triển một cách toàn diện.

Đừng cướp đi tuổi thơ của trẻ

Hiện nay hầu hết trẻ tiểu học đều phải học 2 buổi/ ngày. Thời gian học chiếm hầu hết thời gian biểu của trẻ, trẻ không có nhiều thời gian để tham gia các hoạt động ngoại khóa thú vị khác. 

Trong khi đó, về đến nhà trẻ lại oằn lưng làm bài tập, không chỉ các bài tập có trong chương trình còn có cả các bài tập nâng cao. Mỗi tối một đứa trẻ sẽ phải làm việc thêm từ 2 đến 3 giờ nữa. Việc học của trẻ liên tiếp từ ngày này sang ngày khác.

Chuyên gia Thu Hà chia sẻ: “Đã từng có cô bé học lớp 5 khóc nức nở khi cả tuần cháu chỉ được nghỉ mỗi chiều chủ nhật. Để đến khi cháu phải thốt lên rằng thật hạnh phúc khi không phải gặp cô giáo khi cô bị ốm. Như vậy phải chăng là người lớn đã đặt quá nhiều áp lực lên trẻ nhỏ, khiến trẻ sợ hãi việc học tập. Đừng cướp đi tuổi thơ tươi đẹp của trẻ bằng một đống bài tập từ ngày này sang ngày khác.”

Cha mẹ và thầy cô đừng bắt con phải học quá nhiều mà đánh mất tuổi thơ của trẻ
Cha mẹ và thầy cô đừng bắt con phải học quá nhiều mà đánh mất tuổi thơ của trẻ



Trên lớp thầy cô vì thành tích của cá nhân, của cả lớp mà luôn ép học sinh phải học một cách quá sức của mình, rồi giao thật nhiều bài tập cho trẻ. Nếu chúng không hoàn thành bài tập thì quát mắng, xé vở, bắt đứng góc lớp. 

Thầy cô hiện nay dường như không còn dành nhiều tâm huyết cho bài giảng, cũng có thể là do không có đủ thời gian để cho trẻ đi dã ngoại. 

Chính những buổi dã ngoại như đi bảo tàng dân tộc học, Văn Miếu Quốc Tử giám, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh… sẽ dạy cho trẻ được nhiều hơn bài giảng, bài tập khô khan, nặng nề. 

Gia đình và nhà trường cần phải dành cho trẻ thời gian nghỉ ngơi, thời gian tham gia vào các trò chơi lành mạnh thú vị. Qua các trò chơi các em có thể biết được cách quan sát cuộc sống, học được cách tổ chức trò chơi, làm việc nhóm, phát biểu ý kiến của mình…

Bố mẹ và thầy cô cần gần trẻ hơn nữa để hiểu trẻ có khả năng đến đâu, lắng nghe những tâm sự của trẻ, để có những định hướng vừa sức với chúng. Cha mẹ cũng cần phải làm một tấm gương cho trẻ có thể sống tích cực hơn. Đồng thời cũng cần phải biết khen ngợi, động viên trẻ một cách đúng lúc, xứng đáng với trẻ.

Khi trẻ bị áp lực bài vở trẻ sẽ dẫn đến nghi ngờ bản thân, tự ti, không còn hứng thú với việc học tập, chán nản và thu mình, có thể dẫn đến những ý định “chán đời” của trẻ. Khi gia đình, nhà trường phát hiện ra những biểu hiện đó của trẻ cần nhanh chóng có sự can thiệp của bác sĩ tâm lí để giúp trẻ cân bằng lại tâm lí và vượt qua những khủng hoảng vì học tập đó – chuyên gia tâm lí Vũ Thu Hà đưa ra lời khuyên.
Bích Thảo