Vụ xử Luyện: Án phúc thẩm chưa phải là hết!

02/04/2012 10:11

Theo quy định của pháp luật, ngoài việc kiến nghị lên Chánh án tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, gia đình nạn nhân vụ thảm sát tiệm vàng còn có quyền gửi đơn lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội để giám sát lại bản án phúc thẩm.



Trao đổi với PV, luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì dân, Đoàn Luật sư Hà Nội, sau khi phiên tòa phúc thẩm xử sát thủ tiệm vàng Lê Văn Luyện gia đình nạn nhân không còn quyền kháng cáo mà có quyền kiến nghị lên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại bản án.

Lê Văn Luyện tại phiên tòa phúc thẩm
Lê Văn Luyện tại phiên tòa phúc thẩm

"Theo quy định của pháp luật, kháng cáo là quyền của bị hại, bị cáo và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đối với bản án sơ thẩm. Còn bản án phúc thẩm là bản án có hiệu lực pháp luật thi hành. Theo quy định của pháp luật khi có bản án phúc thẩm gia đình bị hại và các tổ chức cá nhân có liên quan có quyền kiến nghị lên Chánh án tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm. Nếu có tình tiết mới thì yêu cầu tòa cung cấp để tiến hành giám đốc thẩm và tái thẩm theo quy định của pháp luật", luật sư Triển nói.

Luật sư Triển cũng cho biết, thời hạn kiến nghị giám đốc thẩm là 3 năm và tái thẩm nếu có tình tiết mới là vô thời hạn theo quy định của pháp luật.

"Đồng thời gia đình cũng có quyền gửi đơn đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp quốc hội để giám sát, xem xét theo trình tự giám sát của Quốc hội. Nếu Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chứng cứ, tài liệu mới thì có quyền giám sát và yêu cầu Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phải xem xét vụ án theo trình tự giám đốc thẩm", luật sư Triển cho biết.

Theo quy định của pháp luật giám đốc thẩm là xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bị kháng nghị, vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án.

Tái thẩm là xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bị kháng nghị, vì có những tình tiết mới được phát hiện, có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định, mà Toà án không biết được khi ra bản án, hoặc quyết định đó.

Không thể có việc Luyện gây án một mình

Chia sẻ với PV, luật sư Trần Đình Triển cũng cho biết ông không tin Lê Văn Luyện có đủ bản lĩnh để gây án một mình trong vụ thảm sát tiệm vàng Ngọc Bích.

Luật sư Triển cho biết, theo dõi vụ án, đối với Lê Văn Luyện, theo quy định của pháp luật với những tội danh bị truy tố tại tòa là giết người, cướp tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản mức án Luyện nhận 18 năm tù cho cả ba hình phạt là đúng với quy định của pháp luật.

Nhưng đối với dư luận, cũng như gia đình nạn nhân đặt ra vấn đề Luyện có đồng phạm hay không. Và qua theo dõi tại phiên tòa và những chi tiết được báo chí nêu, tôi cho rằng việc điều tra trong toàn bộ quá trình tố tụng việc Luyện có đồng phạm hay không chưa được làm rõ.

Vấn đề cần phải làm thứ nhất là lời khai của Luyện tại cơ quan điều tra, trước tòa là đêm gây án (rạng sáng 24/8/2011) Luyện đến một cửa hàng để trèo lên mái nhà, vì trời mưa rất to nên đến 2h sáng Luyện mới trèo vào gác 3 của nhà tiệm vàng Ngọc Bích. "Nhưng việc xem xét những dấu vết đêm hôm đó trên quán đó, mái nhà, những vết giầy vì khi trời mưa thì người ta rất dễ dẫm vào những vết bẩn trên đường, vậy vết bẩn đó có để lại trên những vết trèo của Luyện tại hiện trường hay không...?", luật sư Triển nói.

Mặt khác, khi trời mưa, chắc chắn quần áo của Luyện sẽ bị ướt. Vậy những dấu vết của vết quần áo ướt, vết máu để lại hiện trường, dấu vết vân tay, những hành động khi xảy ra xô xát vì vợ chồng nạn nhân chống cự lại… có đúng là chỉ một mình Luyện gây án hay không hay còn có sự tham gia giúp sức của các đối tượng khác nữa thì chưa được điều tra đầy đủ.

Theo lời khai của Luyện trong khoảng từ 5h30 đến 7h sáng Luyện có gọi điện gọi taxi bằng điện thoại. Vậy cơ quan điều tra cũng cần tiến hành xem lại nhật ký của điện thoại cũng như trong hồ sơ lưu trữ tại tổng đài trong thời gian đó có đúng là có việc gọi taxi này không.

Những việc này chưa được điều tra, chưa được công bố và chưa được nói rõ ra tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm.

"Hiện nay, theo gia đình, tài sản mà gia đình nạn nhân mất mát Luyện khai lấy bao nhiêu thì tin vào Luyện, giấu ở đâu thì đến đó lấy lại chứ thực tế số tài sản lấy là bao nhiêu. Người ta đặt ra là số vàng mà Luyện khai đã lấy không đúng so với thực tế. Việc gia đình nạn nhân cho rằng đã bị mất một túi đựng vàng cũng chưa được làm rõ", luật sư Triển nói.

Việc tái hiện hiện trường cũng không có mặt người nhà bị hại. Việc thực nghiệm điều tra như thế rõ ràng là vi phạm thủ tục tố tụng. Tại sao cơ quan điều tra không mở rộng điều tra để làm rõ về việc có đồng phạm hay không?

"Hầu như cả quá trình điều tra cơ quan điều tra chỉ tin vào lời khai của Luyện trong khi lời khai của bé Bích, lời khai của gia đình và những chứng cứ khác như những vết vân tay ở lại hiện trường lại không hề được xem xét làm rõ", luật sư Triển nhấn mạnh.

Trên cơ sở những phân tích này, luật sư Triển cho rằng "bằng cảm nhận của một luật sư tôi cho rằng Luyện không thể một mình gây án mà chắc chắn phải có đồng phạm".

Theo Trúc Dân (Vnmedia)