Trung Quốc sẽ làm gì với bãi cạn Scarborough trên Biển Đông?

02/06/2012 08:39
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Quốc cần sớm phái tàu chiến ra bãi cạn Scarborough đồng thời xây dựng công trình quân sự và đóng quân tại khu vực này thì đó mới là “chiếm đóng thực tế”. Sau đó, giới chức Trung Quốc sẽ ban hành văn bản pháp luật để tạo ra cái gọi là “khu an toàn” có bán kính 500 đến 600 hải lý lấy tâm từ Scarborough làm “căn cứ” xử phạt tàu thuyền bất cứ nước nào “vi phạm”.
Ngày 1/6, tờ Tiêu Tương buổi sáng xuất bản tại Trung Quốc đăng tải đồng loạt 4 bài phân tích của 4 “học giả” với quan điểm hết sức hiếu chiến, bất chấp luật pháp quốc tế và sự thật hiển nhiên để cổ súy giới chức nước này kéo chiến hạm ra biển Đông, xây dựng các công trình quân sự trên bãi cạn Scarborough để khẳng định cái họ gọi là “chủ quyền”.

4 "học giả" Bắc Kinh khuyên giới chức Trung Quốc kéo chiến hạm, đưa quân xây công trình quân sự trên bãi cạn Scarborough (từ trái qua phải, trên xuống dưới: Trương Học Cương, Lý Kim Minh, Lưu Phong và Kim Sán Vinh)
4 "học giả" Bắc Kinh khuyên giới chức Trung Quốc kéo chiến hạm, đưa quân xây công trình quân sự trên bãi cạn Scarborough (từ trái qua phải, trên xuống dưới: Trương Học Cương, Lý Kim Minh, Lưu Phong và Kim Sán Vinh)

Bốn học giả kích động ấy, họ là ai? Lý Học Cương – Phó viện trưởng viện Nghiên cứu châu Đại Dương và Đông Nam Á thuộc học viện Quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc, Lý Kim Minh – Giáo sư, viện nghiên cứu Hải dương thuộc đại học Hạ Môn, Lưu Phong – Phó giám đốc sở Nghiên cứu hải dương thuộc viện Nghiên cứu Nam Hải (biển Đông)  và Kim Sán Vinh, Phó viện trưởng viện Quan hệ quốc tế đại học Nhân dân Trung Quốc.

Đánh giá về sự kiện Scarborough, Lưu Phong cho rằng thủ đoạn của Trung Quốc là phù hợp và hiệu quả khiến cho Philippines từ cứng đầu chuyển sang “cung kính”. Trong khi đó Trương Học Cương tán dương thủ đoạn của Trung Quốc đã đạt 2 kết quả mỹ mãn, “đuổi” Philippines khỏi Scarborough và “đập tan giấc mộng dựa vào Mỹ đối đầu với Trung Quốc của Manila và ai đó”.

Nhân sự kiện này Trương Học Cương bình luận, trên thực tế Mỹ sẽ không vì bất cứ quốc gia nào (có tranh chấp chủ quyền biển Đông) mà chịu thiệt (vì giúp họ đối đầu với Bắc Kinh) nên việc Philippines và các bên liên quan muốn dựa sức Mỹ “chống Trung Quốc” là đã phán đoán sai lầm tình thế, đánh giá sai lầm sức mình.

Nhóm học giả thày dùi này cho rằng Mỹ là trẻ lên 3, dễ bị Philippines dụ dỗ? (hình ảnh tàu ngầm tấn công USS North Carolina của Mỹ xuất hiện trên cảng Subic Philippines khi căng thẳng Scarborough leo thang)
Nhóm học giả thày dùi này cho rằng Mỹ là trẻ lên 3, dễ bị Philippines dụ dỗ? (hình ảnh tàu ngầm tấn công USS North Carolina của Mỹ xuất hiện trên cảng Subic Philippines khi căng thẳng Scarborough leo thang)

Philippines hay bất cứ một bên liên quan nào khác đều không ngây thơ đến mức mượn nước này để chống nước kia như đám “học giả” này tưởng tượng. Mỹ đâu phải trẻ lên 3 để ai đó thích “lôi kéo, lợi dụng” là được? Điều mà Trung Quốc sợ hãi nhất đó là đưa tranh chấp ra công luận, trọng tài quốc tế và những bên thứ 3 như Mỹ can thiệp để bảo vệ chính lợi ích của họ trên biển Đông.

Khó có thể tin rằng Trương Học Cương và những “học giả” gắn mác “giáo sư”, “chuyên gia” thuộc viện này cục nọ của Trung Quốc mà lại không hiểu những sự thật giản đơn và hiển nhiên như vậy. Và nếu họ đã hiểu mà vẫn cố tình bóp méo sự thực, chụp mũ cho nước khác thì đủ thấy động cơ, ý đồ đen tối của nhóm học giả này chỉ nhằm phục vụ một mục đích duy nhất của Bắc Kinh: Độc chiếm biển Đông.

Chính phủ Philippines kiềm chế và thiện chí giải quyết tranh chấp bằng đàm phán, ngư dân Philippines đồng thuận, tạm thời phải ngồi nhìn tàu Trung Quốc ngang nhiên lượn lờ trên khu vực bãi Scarborough, ngư trường quen thuộc của họ
Chính phủ Philippines kiềm chế và thiện chí giải quyết tranh chấp bằng đàm phán, ngư dân Philippines đồng thuận, tạm thời phải ngồi nhìn tàu Trung Quốc ngang nhiên lượn lờ trên khu vực bãi Scarborough, ngư trường quen thuộc của họ

Theo Lưu Phong, hiện tại Trung Quốc đang chiếm thế thượng phong trên bãi cạn Scarborough, tháng 6 hàng năm thông thường sẽ bắt đầu mùa bão trên biển Đông nên kiểu gì Philippines cũng phải đề nghị Trung Quốc cùng rút khỏi Scarborough và học giả này khuyên giới chức Bắc Kinh: “Chớ có rút!”

Trong khi đó, Lý Kim Minh cho rằng Trung Quốc cần sớm phái tàu chiến ra bãi cạn Scarborough đồng thời xây dựng công trình quân sự và đóng quân tại khu vực này thì đó mới là “chiếm đóng thực tế”. Sau đó, giới chức Trung Quốc sẽ ban hành văn bản pháp luật để tạo ra cái gọi là “khu an toàn” có bán kính  500 đến 600 hải lý lấy tâm từ Scarborough làm “căn cứ” xử phạt tàu thuyền bất cứ nước nào “vi phạm”.

Biên tập viên kiêm bình luận viên thời sự của tờ Tiêu Tương buổi sáng còn bổ sung, dư luận Trung Quốc nhiều người cho rằng Trung Quốc đã thành công với “kịch bản Scarborough” và kêu gọi giới chức Bắc Kinh áp dụng kịch bản này cho các khu vực biển đảo tranh chấp khác trên biển Đông với các thủ đoạn gây sức ép tổng hợp từ ngoại giao cho đến kinh tế, quân sự cho tới truyền thông.

Hình ảnh công trình kiên cố Trung Quốc xây trộm trên Đá Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam năm 1995, 1999
Hình ảnh công trình kiên cố Trung Quốc xây trộm trên Đá Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam năm 1995, 1999

Những luận điệu, ngôn từ giới “học giả” và truyền thông Trung Quốc dùng để cáo buộc Philippines xung quanh sự kiện Scarborough thực tế về bản chất lại hoàn toàn phù hợp với những gì Trung Quốc đã và đang làm đồng thời đối nghịch hoàn toàn với thiện chí từ phía Manila.

Suốt từ thời điểm 10/4 trở lại đây, giới chức quân sự và ngoại giao Trung Quốc không ngớt lời cáo buộc, áp đặt thậm chí là dọa nạt Philippines nhưng công luận quốc tế đều có thể thấy được sự thiện chí và kiềm chế tối đa từ Manila để không gây thêm căng thẳng. 

Ngược lại người ta thấy rõ sự đồng thuận cao độ giữa chính phủ - quân đội – báo chí truyền thông và người dân Philippines trong quan điểm xử lý các tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc bất chấp những khó khăn do các thủ đoạn của Trung Quốc gây ra: Hạn chế (thực tế là cấm) nhập khẩu chuối, hạn chế khách du lịch sang Philippines, triệu Đại biện lâm thời không dưới 3 lần để “nhắc nhở nghiêm khắc”…

Để bảo vệ chủ quyền của mình trên bãi cạn Scarborough, trong khi Bộ Ngoại giao Philippines tranh thủ tập hợp tài liệu, bằng chứng và đưa tranh chấp ra công luận và trọng tài quốc tế phân xử thì các lực lượng chức năng khác như Cảnh sát biển vẫn cắt cử lực lượng ngày đêm bám trụ theo dõi mọi động thái từ phía tàu Trung Quốc.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh (trái) không dưới 3 lần gặp Đại biện lâm thời Philippines tại Bắc Kinh, ông Alex Chua để "cảnh cáo"
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh (trái) không dưới 3 lần gặp Đại biện lâm thời Philippines tại Bắc Kinh, ông Alex Chua để "cảnh cáo"

Chỉ cần lơ là một chút, Trung Quốc sẽ xây trộm các công trình quân sự trên bãi cạn Scarborough như những gì đã xảy ra trên Đá Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam năm 1995, 1999, một quan chức chính phủ Philippines cho biết.

Về vấn đề Lưu Phong cho rằng Philippines sẽ phải xuống nước năn nỉ Trung Quốc rút khỏi Scarborough trong mùa mưa bão mớ. Tuy nhiên, Manila đã sớm ý thức được thế yếu của mình khi bất ngờ bị Trung Quốc chiếm đoạt quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough, họ đã và đang chủ động tìm phương án đối phó, và dù trong tình huống nào lực lượng chức năng Philippines cũng sẽ bám trụ Scarborough.

Bởi thế nên trong cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Philippines khi ông dự hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần 6 tổ chức tại Phnom Penh, Campuchia vừa qua, ông Lương Quang Liệt đã đổ vấy mọi trách nhiệm gây ra căng thẳng trên bãi cạn Scarborough cho Philippines.

Ông Lương Quang Liệt gặp Bộ trưởng Quốc phòng Philippines tại Phnom Penh, Campuchia và đổ mọi trách nhiệm về căng thẳng trên bãi Scarborough lên đầu Philippines
Ông Lương Quang Liệt gặp Bộ trưởng Quốc phòng Philippines tại Phnom Penh, Campuchia và đổ mọi trách nhiệm về căng thẳng trên bãi Scarborough lên đầu Philippines

Ông Liệt, người phát ngôn bộ Quốc phòng mà ông quản lý, rồi đến bộ Ngoại giao Trung Quốc đều đồng thanh yêu cầu “Philippines phải rút hết tàu thuyền khỏi bãi cạn Scarborough” và ngừng việc “đưa tin “tuyên truyền đối đầu quân sự (với Trung Quốc) trên biển Đông” là những gì mà chính Trung Quốc, chứ không phải Philippines, đã và đang làm trên bãi cạn Scarborough.

Trong khi đó trên thực tế Philippines chỉ có một tàu cảnh sát biển, 1 tàu nghiên cứu của Cục thủy sản đang phải canh chừng 24/24 ít nhất 6 tàu hàng hải công vụ Trung Quốc, lúc cao trào còn có thêm 16 tàu cá và 76 tàu thuyền “đa chức năng” chỉ sợ lực lượng này xây trộm.

Liệu có mối liên hệ nào giữa những phát biểu mang tính áp đặt và chụp mũ dồn dập đối với Philippines từ giới chức ngoại giao cũng như quân sự Trung Quốc với những ý tưởng ngông cuồng, quái đản, phi pháp nhưng hoàn toàn có thể xảy ra của giới “học giả” này?
Đúng lúc quan hệ Trung Quốc - Philippines căng như dây đàn xung quanh sự kiện Scarborough, hạm đội Nam Hải kéo 5 chiến hạm mang 48 quả tên lửa ra vùng biển kề sát Philippines diễn tập (ảnh minh họa: Hạm đội Nam Hải diễn tập trên biển Đông, nguồn Quân giải phóng)
Đúng lúc quan hệ Trung Quốc - Philippines căng như dây đàn xung quanh sự kiện Scarborough, hạm đội Nam Hải kéo 5 chiến hạm mang 48 quả tên lửa ra vùng biển kề sát Philippines diễn tập (ảnh minh họa: Hạm đội Nam Hải diễn tập trên biển Đông, nguồn Quân giải phóng)

Với những động thái vừa rồi về mặt truyền thông và ngoại giao của Trung Quốc xung quanh vấn đề biển Đông cũng như bãi cạn Scarborough, người ta có cảm giác như Bắc Kinh đang chuẩn bị dư luận cho một động thái liều lĩnh hơn.

Khoảng thời gian này thực sự đặc biệt nhạy cảm và sẽ là đòn cân não của các bên liên quan đến tranh chấp, có lợi ích cũng như quan tâm tới biển Đông nên sự kiềm chế chiến lược như những gì Philippines thể hiện là điều cần thiết.

Một khi lòng tham không được chế ngự, được đà lấn tới khiến Trung Quốc có hành động liều lĩnh trên bãi cạn Scarborough, Bắc Kinh sẽ khó lòng kiểm soát được tình thế cũng như lường hết hậu quả.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn" Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Thủy