"Phải có biện pháp bảo vệ bé gái 9 tuổi tố cha giết mẹ"

14/07/2012 06:30
Nghĩa Phạm
(GDVN) -Theo trình bày của bà Lan (bà ngoại bé M.T), sau khi cơ quan công an lấy lời khai của bé M.T vào ngày 03/7/2012, bà Lan đưa cháu về thì bị sự ngăn cản của cha cháu là ông N.T.A (ngụ đường Quang Trung, P.11, Q.Gò Vấp).
Lúc này, CA quận Gò Vấp quyết định giao hai cháu cho cha vì ông N.T.A là người giám hộ đầu tiên theo qui định.
Bà Lan đã nhờ sự can thiệp của Hội phụ nữ quận Gò Vấp can thiệp vì theo bà, do M.T là người viết đơn tố cáo cha cháu, do đó nếu giao cháu cho cha thì sẽ có ảnh hưởng đến những lời khai sau này hoặc những tác động của cha cháu sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của cháu.
Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thị Tuyết (Trưởng văn phòng luật sư Tri Pháp) chia sẻ: "Theo Bộ luật Dân sự quy định về người giám hộ, khi vụ án chưa được khởi tố, đồng nghĩa với việc ông N.T.A chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì đương nhiên ông N.T.A là người có quyền giám hộ cao nhất đối với đứa bé. Tuy nhiên, theo Bộ luật Hình sự, cháu M.T vừa là nhân chứng, vừa là người tố giác cha nên cần được bảo vệ. Do đó, việc giao bé - người tố giác cho cha bé - người bị tố giác là sai với trường hợp này. 
Hình ảnh hai vợ chồng chị L và N.T.A vào năm 2005.
Hình ảnh hai vợ chồng chị L và N.T.A vào năm 2005.


Về nguyên tắc khi áp dụng luật, Luật Dân sự xem như là bộ luật chung và từng trường hợp nên áp dụng bộ luật chuyên ngành. Đối với trường hợp này, phải áp dụng luật chuyên ngành là Bộ luật Hình sự chứ không thể áp dụng Luật Dân sự, tức là không nên giao hai cháu bé cho cha cháu.
Để đảm bảo tính khách quan, nếu nghi ngờ cháu M.T bị bà ngoại tác động, cơ quan điều tra nên tách hai bé ra khỏi bà ngoại và cả cha cháu trong thời điểm điều tra, giao cho một tổ chức, đoàn thể trung gian nào đó nuôi dưỡng, giám hộ”.
Về vấn đề đoàn thể trung gian nào đó nuôi dưỡng, giám hộ hai cháu bé, Luật sư Nguyễn Thị Sáng (Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoàng Kim) đưa ra quan điểm: “Qua thông tin vụ án cháu bé 9 tuổi tố cáo cha giết mẹ, tôi thiết nghĩ, cơ quan điều tra cần điều tra một cách đầy đủ. Bởi vì, có nhiều tình tiết rất phức tạp như: khoảng cách thời gian xảy ra sự việc đến thời gian đưa đến bệnh viện và thời gian tử vong. Nếu nạn nhân té cầu thang, tại sao cha chồng chỉ gọi điện và chờ con trai về mà không nhờ hàng xóm cùng đưa đi bệnh viện cấp cứu ngay? 
Riêng cháu bé gửi đơn tố cáo thì phải có biện pháp bảo vệ người tố cáo. 
Theo khoản 2,3,4 điều 42 Luật Hôn nhân và Gia đình: Người có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên. 
Cụ thể, khoản 2: Viện Kiểm sát theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền  yêu cầu Tòa án hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
Khoản 3 : Cơ quan, tổ chức sau đây theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Tòa án hoặc đề nghị Viện Kiểm sát yêu cầu Tòa án hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên:

a) Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em.
b) Hội liên hiệp phụ nữ.
Khoản 4: Cá nhân, cơ quan , tổ chức khác có quyền đề nghị Viện Kiểm sát xem xét, yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

Trong trường hợp này, theo tôi nên hỏi và tôn trọng ý kiến của cháu bé và điều quan trọng là không làm ảnh hưởng đến tinh thần và tâm sinh lý của cháu bé”.
Trao đổi với Giáo dục Việt Nam, một cán bộ Hội liên hiệp phụ nữ Gò Vấp cho biết: “Hiện Hội đang tìm hướng bảo vệ quyền và lợi ích cho hai bé bằng cách tiếp xúc với địa phương hai bé đang sinh sống tại phường 11. Hội đã có những bước thăm dò về hoàn cảnh sống của gia đình trước và sau khi chị L chết. Với bà ngoại hai bé, hiện đang mưu sinh bằng công việc giúp việc nhà, Hội cũng rất băn khoăn về việc đảm bảo cuộc sống cũng như việc học hành của hai bé nếu như bà nhận hai bé về chăm sóc”.
Bác Phạm Thế Hiển, Tổ trưởng tổ dân phố cũng cho biết thêm: “Từ ngày hai cháu về, chúng tôi thường xuyên ghé thăm để xem cuộc sống cũng như ổn định tâm lý cho hai cháu. Hiện tại, các cháu đã ổn định và chuẩn bị nhập học. Khu phố đã trao học bổng cả năm học sau để cháu có thể đến trường trong năm học mới”.

Như đã đưa tin, theo mẹ chị L (bà ngoại của H.L), cháu H.L (4 tuổi) vô tình buột miệng nói “ba đánh chết mẹ” khi một người bạn đến hỏi thăm chị L sau 10 ngày hỏa tang chị.

Phải hỏi gặng nhiều lần, cháu M.T (9 tuổi) mới dám kể vì ba đã dặn cháu không được kể cho ai nghe, nếu không ba sẽ đi tù, còn hai cháu sẽ đi bán vé số.

Trong đơn tố cáo, cháu M.T với nét chữ non nớt, nhiều lỗi chính tả nhưng thể hiện rất rõ những hành động khi cha đánh mẹ: “Ba con tát mẹ con một cái rồi hỏi tiền đâu? Mẹ con lấy tiền đưa cho ba con rồi ba con tát một cái nữa rồi lôi mẹ con vào vách tường rồi dùng ghế đánh vào đầu mẹ con. Lấy nón phang vào đầu mẹ con đến nỗi bể nón bảo hiểm luôn. Còn lấy dao gí mẹ con chạy lung tung nữa. Mẹ con kêu cứu, bố ơi cứu con, ông nội đi xuống không cứu, bị ba con đuổi ông đi lên, ông cũng lên. Ba còn đá vào bụng mẹ con, mẹ con la lên ba đừng đánh mẹ con nữa…”.

Hiện tại, bà Lan, bà ngoại của M.T và H.L rất lo lắng cho hai đứa cháu hiện đang sống với cha. Bà đã gửi đơn nhờ Hội liên hiệp phụ nữ có hướng tư vấn để có thay đổi người giám hộ cho hai bé.
Nghĩa Phạm