Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Một ngày ở viện K: Gian nan hành trình 'chạy trốn thần chết' (4)

07/09/2012 05:52
Nhóm phóng viên ban xã hội
(GDVN) - Nhiều người tự hỏi, đóng tiền khám thì có gì mà phải thái độ, tiêu cực? Nhưng với bệnh viện K, đây là nơi mà nếu không biết nhẫn nại, thì người khám có thể bị mắng chửi bất kỳ lúc nào, bất kể người đóng tiền là nam hay nữ, già hay trẻ.
Những nhân viên “mặt sắt"

Quá tải khám, chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến trung ương xưa nay vẫn được coi là vấn đề nan giải của ngành y tế nước ta.

Dù đã đưa ra nhiều giải pháp, nhưng tâm lý của người bệnh phải chuyển về bệnh viện lớn để được chữa trị bằng máy móc hiện đại cùng đội ngũ y, bác sĩ nhiệt tình của người dân đã làm “đau đầu nhức óc các nhà quản lý” mà vẫn không tìm ra giải pháp triệt để. Thực tế ấy chính là nguyên nhân chủ đạo khiến phát sinh các tiêu cực trong quá trình khám và chữa bệnh ở hàng loạt các bệnh viện lớn hàng đầu nước ta.

Sau nhiều ngày đóng vai là những bệnh nhân ngoại tỉnh lên bệnh viện K khám bệnh, nhóm phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã “mỏi mắt” chứng kiến những thái độ khiếm nhã của không ít cán bộ, nhân viên phục vụ công tác khám chữa bệnh ở bệnh viện này.

Sáng 10/8/2012, nhóm phóng viên trong những bộ quần áo tuềnh toàng như người nhà quê lên thành phố đã có mặt ở bệnh viện K lúc 8 giờ sáng để đăng ký khám bệnh. Đây là thời điểm những người dân khắp trong, ngoài thủ đô ùn ùn kéo về đăng ký để được khám sớm.

Phòng hướng dẫn người đến khám chữa bệnh "phòng không nhà trống" trong giờ hành chính.
Phòng hướng dẫn người đến khám chữa bệnh "phòng không nhà trống" trong giờ hành chính.

Theo quan sát của phóng viên, ở ngay cổng chính của viện K có phòng hướng dẫn bệnh nhân nhưng không có bóng dáng của nhân viên. Và thậm chí nó biến thành nơi để đồ đạc linh tinh của một số người lạ mặt không rõ là nhân viên bệnh viện hay là người bên ngoài.

Tiến vào khu mua sổ khám bệnh, chúng tôi phải xếp hàng chờ chừng 10 phút. Những tưởng mua được sổ, lấy số thứ tự vào khám là điều đơn giản. Nhưng lại là vấn đề nan giải của những ai lần đầu đến khám và không nhận được chỉ dẫn nào của nhân viên bệnh viện. Vì thế, nếu như không may mắn hỏi được ai đó, thì người khám phải đảo mắt khắp nơi hoặc lòng vòng đủ khắp nhiều tầng để tìm phòng khám được ghi trong sổ khám bệnh.

Sau một hồi lâu dò dẫm tìm phòng khám bệnh, tôi tiến lại gần quầy của một nhân viên y tế có bầu khá lớn đúng lúc người này đang ngồi trong tư thế tương đối "phản cảm". Điều lạ lùng là, khi đã hỏi khá lớn “Chị ơi, cho hỏi, em khám dạ dày thì phải vào phòng số mấy ạ?”, dù không bận rộn gì, nhưng không có “tín hiệu” nào ra vẻ người nhân viên ấy đã nghe thấy câu hỏi của tôi. Tôi “bạo dạn” hỏi lại thêm một lần nữa, chị này ngước lên liếc xéo một cái rồi ra khỏi ghế, đi sang ô bên cạnh nói chuyện gì đó với một nhân viên khác.

Tôi quyết bám theo nhân viên y tế này xem chị ta sẽ phản ứng ra sao. Với câu hỏi cũ, lần này, các nhân viên vẫn tiếp tục bơ đi và không mấy quan tâm đến câu hỏi của tôi và tất cả những bệnh nhân đang chầu chực rất đông cạnh tôi.

Lang thang một lúc, chúng tôi “lạc” đến phòng phát thuốc của những người có bảo hiểm y tế. Mặc dù không đông đúc như nơi khám bệnh và chỉ có đúng hai người phụ nữ đứng đợi nhưng phải đến nửa tiếng đồng hồ chẳng thấy nhân viên phát thuốc đâu. Được biết, hai người bệnh chờ nhận thuốc của bảo hiểm đã đứng đợi khá lâu và cửa phòng phát thuốc đã khóa nhưng không ai biết nhân viên đi đâu.

“Ở bệnh viện là phải biết nhẫn nhịn, kiềm chế mới được. Đi đâu cũng thế cả thôi”, người chồng của một phụ nữ trung tuổi đang đứng đợi phát thuốc bảo hiểm y tế thở dài.

Chưa vội đi tìm phòng khám bệnh, chúng tôi quyết định đợi xem khi nào nhân viên phát thuốc bảo hiểm y tế sẽ xuất hiện. Chỉ đơn giản là tìm được đến đúng chỗ để khám nhưng cũng không đơn giản. Thậm chí, người đi khám bệnh phải “năn nỉ” nhân viên chỉ giúp địa chỉ ghi trên giấy khám bệnh cũng không được: “Anh ơi, anh chỉ giúp em với, em đi từ 5h30 sáng đến bây giờ”. Tuy nhiên, nam nhân viên của bệnh viện K chỉ im lặng vì… không biết chỉ đi đâu. Cuối cùng nam nhân viên này lại yêu cầu người khám bệnh đi về nơi… xuất phát để hỏi lại.

Trong khi đó, những người chờ phát thuốc có bảo hiểm y tế cuối cùng cũng đã được “diện kiến” nhân viên phát thuốc. Chúng tôi tranh thủ hỏi ngay: “Cô ơi, sao lâu thế?”. Nhân viên này lập tức tỏ thái độ khó chịu: “Tôi phải vào máy rồi vào kho lấy thuốc, làm sao mà ra đây ngay được”…

Chứng kiến cảnh khổ sở của những người đi nhận thuốc thuộc diện có bảo hiểm y tế và những người tìm phòng khám trong… mỏi mòn, nhiều người dân "than trời" với phóng viên về cách bố trí các phòng của viện K như đánh đố người khám bệnh.

Đóng tiền cũng bị… quát

Đồng cảnh ngộ với anh chàng thanh niên toát mồ hôi hột đi tìm mỗi phòng khám từ sáng sớm, chúng tôi cũng chẳng khá khẩm gì hơn khi đi nơi để đóng tiền mà mãi chẳng tới nơi. Cuối cùng, nhờ sự trợ giúp của những bệnh nhân “cùng bệnh” chúng tôi đã tới được “đúng cửa” để… được đóng tiền khám bệnh. Hóa ra, nó chẳng ở đâu xa mà ngay gần nơi chúng tôi hỏi ban đầu nhưng các nhân viên thì chẳng mấy quan tâm đến chuyện người khám bệnh đi những đâu.

Nhân viên thu tiền siêu âm trong bệnh viện K quát nạt người đến khám, bất kể đó là người đó đáng tuổi con, cháu hay cha, mẹ của mình.
Nhân viên thu tiền siêu âm trong bệnh viện K quát nạt người đến khám, bất kể đó là người đó đáng tuổi con, cháu hay cha, mẹ của mình.

Thoát khỏi cửa ải toàn những nhân viên “mặt sắt” và dò dẫm tìm được đến đúng nơi cần đến, “cửa ải” thứ 2 mà tôi cũng như các bệnh nhân khám dạ dày phải bước qua là màn đóng tiền. Nhiều người tự hỏi, đóng tiền khám thì có gì mà phải thái độ, tiêu cực? Nhưng tại bệnh viện K, đây là nơi mà nếu không biết nhẫn nại, thì người khám có thể bị mắng chửi bất kỳ lúc nào, bất kể người đóng tiền là nam hay nữ, già hay trẻ.

Nơi thu tiền siêu âm ổ bụng nằm ở cuối hành lang tầng một dãy nhà quay ra đường Quán Sứ. Ở đây, người đến nộp tiền rất đông, có đến vài chục người, chen chúc nhau trong một dãy hành lang nhỏ hẹp. Và ai cũng muốn len vào bên trong, đưa cuốn sổ và giấy chỉ định khám qua khe cửa nhỏ cho người thu tiền để được vào khám sớm.

Khi tôi chen được vào bên trong, đặt cuốn sổ lên bàn người nhân viên thì bên cạnh đó cũng có rất nhiều cuốn sổ khác chưa được giải quyết. Tôi phải chờ. Ngay lúc đó, một người phụ nữ trung niên, đứng sát tôi khá lâu với gương mặt lo lắng, hớt hải nói như cầu khẩn: “Cháu ơi, nhanh nhanh cho cô cái, cô phải đưa bà đi khám kẻo bà mệt".

Lập tức, nhân viên thu tiền nhìn về phía người phụ nữ này xua tay rồi quát lớn: “Cô ơi, cô mua thì phải trật tự để cháu làm cho người ta trước đã. Cô đi mua sổ chỗ khác đi. Cô đã vào khám chui lại còn... đòi khám trước”.

Người phụ nữ trung niên có lẽ không còn cách nào khác đành nhẫn nại chờ đợi, khi nhân viên y tế “dịu tính” lại, bà lại đề nghị mua sổ khám. Dường như có chút e ngại sau khi mắng vốn một người bằng tuổi mẹ mình nhưng vẫn giữ gương mặt hằm hằm làm rất nhanh sau vài nhát đóng dấu mà như giáng búa xuống mặt bàn.

Đứng len lỏi giữa rất đông người khám bệnh chờ đóng tiền, theo quan sát của phóng viên, hết hành người phụ nữ mua “sổ khám chui”, chị nhân viên thu tiền khám bệnh lại quay sang hành những người thu tiền khác.

Con đường để xác minh được mình đang bị bệnh gì quả thực gian nan quá! Kết thúc buổi sáng “hành xác” ở bệnh viện K, từ một người khỏe mạnh, không có bệnh tật gì đã trở nên mệt lử và uể oải. Người khỏe đã vậy, thử hỏi những người đang mang trong mình những triệu chứng của bệnh hiểm nghèo đến khám ở đây sẽ ra sao?

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Nhóm phóng viên ban xã hội