THỜI BÁO HOÀN CẦU, TRUNG QUỐC

La Viện: “Chó ăn đá, gà ăn sỏi", hoang dã TQ cũng không từ bỏ Senkaku

07/09/2012 13:00
Đông Bình (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)
(GDVN) - Theo La Viện, nếu đảo Điếu Ngư thuộc về Nhật Bản, Trung Quốc phải chấp nhận phân chia thềm lục địa theo “tuyến trung gian” và bị vây kín.
Đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư) hiện do Nhật Bản kiểm soát thực tế.
Đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư) hiện do Nhật Bản kiểm soát thực tế.

Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” và Tân Hoa xã Trung Quốc vừa đăng bài viết của Thiếu tướng La Viện, Phó Hội trưởng thường trực Hội Thúc đẩy Văn hóa Chiến lược Trung Quốc.

La Viện cho rằng, hiện nay ở Trung Quốc có quan điểm cho rằng đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là đảo Senkaku) là “đảo hoang”, “không sinh ra GDP”, từ đó cho rằng đảo Điếu Ngư “không quan trọng gì”, thậm chí chỉ trích những người đổ bộ lên đảo Điếu Ngư là “làm hại cho quốc gia”.

Tuy nhiên, theo La Viện, trước hết, đảo Senkaku là “bảo đảo” (hòn đảo quý giá), chứ không phải là “đảo hoang”.

La Viện
La Viện


Vùng biển Hoa Đông rộng lớn, trong đó có quần đảo Điếu Ngư chất chứa tài nguyên phong phú. Cựu Bộ trưởng Lãnh thổ-Giao thông Nhật Bản từng nói, trong những vùng biển này chôn giấu mangan đủ cho Nhật Bản sử dụng 320 năm, cobalt (cô-ban, Co) đủ cho Nhật sử dụng 1.300 năm, nickel (ni-ken, Ni) đủ sử dụng 100 năm, khí đốt sử dụng 100 năm và các khoáng sản khác cùng nguồn lợi thủy sản.

Do đó, theo La Viện, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Chính phủ Nhật Bản mới lần đầu tiên chính thức đưa ra đòi hỏi chủ quyền đối với đảo Điếu Ngư/Senkaku, Tokyo vừa mới tiến hành “khảo sát biển” đối với đảo Senkaku.

Thứ hai, đảo Điếu Ngư có ý nghĩa địa-chiến lược quan trọng. La Viện cho rằng, đảo Điếu Ngư/Senkaku một khi thuộc về Nhật Bản, Trung Quốc sẽ buộc phải chấp nhận “yêu cầu vô lý” của Nhật Bản phân chia thềm lục địa bằng “tuyến trung gian”. Hậu quả nghiêm trọng hơn là, đồng minh quân sự Mỹ-Nhật sẽ cố gắng vây chặt/vây kín Trung Quốc ở phía tây “tuyến trung gian”.

Tàu công vụ Nhật Bản ngăn chặn công dân Trung Quốc đổ bộ lên đảo Senkaku.
Tàu công vụ Nhật Bản ngăn chặn công dân Trung Quốc đổ bộ lên đảo Senkaku.

La Viện cho rằng, hiện nay chỉ cần tàu chiến của Hải quân Trung Quốc đi qua chuỗi đảo thứ nhất, thì tàu chiến, máy bay của Mỹ và Nhật Bản chắc chắn sẽ bám theo, quấy nhiễu. Nếu đảo Điếu Ngư/Senkaku thuộc về Nhật Bản, tuyến phong tỏa Trung Quốc này sẽ đẩy tới “tuyến trung gian”, không gian chiến lược của Trung Quốc sẽ bị dồn ép rất lớn.

Nhìn vào vị trí địa lý, đảo Điếu Ngư/Senkaku thuộc vị trí trung tâm của vùng biển Hoa Đông, nằm giữa đất liền Trung Quốc và Okinawa của Nhật Bản, cách phía đông và phía tây 200 hải lý. Phạm vi lan tỏa vị trí tiền duyên của nó còn có thể bao trùm lên vùng biển Hoa Đông.


Một khi Nhật Bản xây dựng trạm radar cảnh báo sớm tầm xa ở trên đảo này, sẽ không chỉ có thể theo dõi phía bắc Đài Loan, mà còn có thể theo dõi các khu vực duyên hải đông nam của Trun Quốc.

Điều quan trọng hơn là, đảo Điếu Ngư/Senkaku có liên quan tới kết quả thắng lợi của Chiến tranh thế giới thứ hai. Dựa vào quy định bổ sung của Điều 8 “Thông cáo Potsdam”, bản đồ Nhật Bản sau chiến tranh cơ bản không gồm đảo Điếu Ngư. La Viện kêu gọi các phần tử trí thức Trung Quốc ghi nhớ điều này.

Theo La Viện tuyên truyền, điều quan trọng nhất là, “đảo Điếu Ngư là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc”. Cho dù nó là nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi” hoang dã, cũng không thể từ bỏ. La Viện ví von rằng: “Giống như đứa trẻ trong nhà, dù nó khỏe mạnh hay tàn tật, chỉ cần nó là con cái chúng ta, chúng ta không thể đem cho người khác”.

Tướng La Viện tỏ ra tin rằng, Trung Quốc sớm muộn sẽ đoạt được đảo Điếu Ngư từ tay Nhật Bản.

Tàu khu trục lớp Akizuki mới nhất của Nhật Bản.
Tàu khu trục lớp Akizuki mới nhất của Nhật Bản.
Tàu Aegis lớp Atago của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Tàu Aegis lớp Atago của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Đông Bình (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)