Điểm danh những hiệu trưởng từng vướng vòng lao lý

31/03/2018 07:40
Trần Phương
(GDVN) - Không chỉ bị bắt vì lừa tiền chạy việc, tham ô tài sản, cố tình làm trái, thậm chí có cả dâm ô. Không ít hiệu trưởng đang làm ô uế thanh danh ngành giáo dục

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, sáng 28/3/2018, Công an huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành khám xét và đọc lệnh bắt giam ông Huỳnh Bê (trường trung học cơ sở Ngô Mây, ngụ xã Hòa An, huyện Krông Pắk) để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ông Huỳnh Bê chính là một trong những nhân vật bị nhiều giáo viên tố cáo đã đòi tiền hối lộ để “chạy” cho họ được tuyển dụng và ngành giáo dục địa phương mặc dù đã dôi dư, dẫn tới việc hơn 500 giáo viên hiện có nguy cơ bị mất việc

Ngoài bị tạm giam vì nhận tiền "chạy việc", ông Huỳnh Bê - hiệu trưởng trường trung học cơ sở Ngô Mây còn đang bị điều tra hành vi ăn chặn tiền lương của giáo viên – theo tố cáo của một số giáo viên tại trường trung học cơ sở Ngô Mây.

Trước ông Huỳnh Bê, không ít những hiệu trưởng, những người làm quản lý giáo dục khác đã vướng vòng lao lý vì nhiều lý do khác nhau.

Lạm thu, ăn không từ thứ gì của học trò...

Tháng 12/2017, cơ quan công an thành phố Đà Nẵng đã tiến hành bắt tạm giam bà Ngô Thị Hòa , nguyên Hiệu trường trường mầm non Tuổi Ngọc (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Theo kết quả thanh tra của các cơ quan chức năng, tổng số tiền sai phạm của nhà trường lên đến 628,8 triệu đồng.

Trong đó, bà Hòa lấy sử dụng cho mục đích cá nhân là 199,9 triệu đồng, số tiền còn lại sử dụng chi hoạt động nhà trường không đúng mục đích.

Cũng trong tháng 10/2017, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ (PC46, Công an tỉnh Hưng Yên) đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Quyên, nguyên hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Lệ Xá, huyện Tiên Lữ, do nghi vấn có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; mua trái phép hóa đơn giá trị gia tăng.

Ông Huỳnh Bê bị bắt vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Ảnh: báo Sài gòn giải phóng)
Ông Huỳnh Bê bị bắt vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Ảnh: báo Sài gòn giải phóng)

Theo hồ sơ điều tra, năm 2012-2016, bà Quyên bị cáo buộc đưa ra nhiều khoản thu trái quy định, trong đó có việc dạy thêm tại trường, tiền kiến thiết cơ sở vật chất, tiền hỗ trợ bảo vệ, nâng cấp dòng điện ba pha… Trong năm học 2016-2017, nhà trường tiếp tục đề ra các khoản thu tương tự khiến nhiều phụ huynh lên tiếng.

Phòng PC46 xác định, trong những năm qua, trường tiểu học Lệ Xá thu tổng cộng trên 4 tỷ đồng thì có tới 3,3 tỷ đồng trái quy định.

Để hợp thức hóa số tiền trái quy định trên, bà Quyên chỉ đạo lập chứng từ khống chuyển vào quỹ công đoàn và chuyển vào quỹ hội phụ huynh học sinh nhưng vẫn do thủ quỹ nhà trường quản lý.

Một số khoản chi tiêu “ảo” được bà Quyên hợp thức bằng cách mua hóa đơn khống bên ngoài.

Vào tháng 11/2017 Cơ quan cảnh sát điều tra, công an huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với  Hiệu trưởng  là ông Nguyễn Đăng Vinh và Phó Hiệu trưởng  là ông Vũ Đức Tuyến trường Phổ thông dân tộc bán trú ở xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái về tội tham ô tài sản.

Sau khi điều tra xác định ông Vinh và ông Tuyến đã bán 6 tấn gạo của học sinh để chi tiêu cá nhân. Tổng số tiền bán gạo là 42 triệu đồng. Sau khi bị bắt để điều tra xử lý, hai người này đã nộp lại 38 triệu đồng

Sự việc được phát hiện vào ngày 10/ 11/2017. Việc bán gạo của 2 bị can đang diễn ra ở trường phổ thông dân tộc bán trú xã Bản Công thì bị cơ quan chức năng bắt quả tang.

Điểm danh những hiệu trưởng từng vướng vòng lao lý ảnh 2Cách chức một Hiệu trưởng nhận 210 triệu đồng tiền chạy việc

Ngày 29/01/2016 Công an huyện Kon Chro, tỉnh Gia Lai đã bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Trần Quốc Khải, nguyên hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở Cao Bá Quát về hành vi tham ô tài sản.

Theo đó từ năm học 2010 đến năm học 2015, ông Trần Quốc Khải cùng một số nhân viên lập hồ sơ, chứng từ khống để biển thủ 137/980 triệu đồng tiền trợ cấp dành cho học sinh bán trú ở vùng đặc biệt khó khăn.

...đến chạy việc, giả mạo, dâm ô

Tháng 12/2017,  cơ quan cảnh sát điều tra, công an tỉnh Đăk Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Thanh Nga (Sinh năm 1979).

Bà Nga là cán bộ Phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông, bị khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nữ cán bộ này bị cáo buộc đã nhận hàng trăm triệu đồng của người dân để chạy việc. Bà Nga đã chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng này của những người nhẹ dạ, cả tin.

Mới đây nhất, như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, ông Phan Xuân Hạnh – Hiệu trưởngTrường trung học cơ sở Ea Phê đã bị cách chức do đã có hành vi nhận 210 triệu đồng tiền “chạy” việc.

Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho những người muốn dùng tiền để mong mình làm thầy và cho những kẻ có chút chức quyền lại muốn "nấu cháo" trên lưng người lao động.

Ngày 25/11/2017, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nam Định đã tiến hành bắt tạm giam và khám xét nơi làm việc của ông Mai Xuân Minh, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hải Phòng.

Theo cơ quan cảnh sát điều tra, ông Mai Xuân Minh bị khởi tố và bắt giam về tội giả mạo trong công tác.

Theo đó, Công an tỉnh Nam Định đã nhiều lần triệu tập ông Mai Xuân Minh cùng một số cán bộ, giáo viên của nhà trường để làm rõ việc tổ chức liên kết đào tạo cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm tại tỉnh Nam Định.

Đường vào tù của các hiệu trưởng sai phạm sẽ là bài học cho những người đang rời xa lý tưởng người thầy (Ảnh minh hoa: Trần Phương)
Đường vào tù của các hiệu trưởng sai phạm sẽ là bài học cho những người đang rời xa lý tưởng người thầy (Ảnh minh hoa: Trần Phương)

Tháng 5/2016, công an huyện Phước Long (Bạc Liêu) cho biết khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Toàn, Hiệu trưởng Trường tiểu học C xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long) để điều tra về hành vi dâm ô với trẻ em.

Ông Toàn bị cáo buộc thực hiện hành vi dâm ô với 7 học sinh nữ của trường trong thời gian dài.

Trước đó, vào cuối tháng 4/2016, nhiều phụ huynh có con em học trong trường phát hiện một đoạn clip ghi lại cảnh ông Toàn có hành vi sàm sỡ vùng nhạy cảm của một nữ sinh lớp 5 nên trình báo và cung cấp chứng cứ cho công an.

Sau khi xác minh và thu thập chứng cứ, công an huyện Phước Long xác định nội dung tố cáo của các phụ huynh là đúng sự thật nên khởi tố, bắt tạm giam ông Toàn.

Năm 2010, một trong những vụ hiệu trưởng vướng vòng lao lý thu hút sự chú ý của dư luận nhất chính là vụ việc hiệu trưởng mua dâm nữ sinh Sầm Đức Sương.

Cựu hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Việt Lâm (Hà Giang) đã phải lãnh án 9 năm tù vì hành vi mua dâm học trò.

Điểm danh những hiệu trưởng từng vướng vòng lao lý ảnh 4Phụ huynh và cộng đồng sẽ tham gia đánh giá hiệu trưởng

Trên đây chỉ là một trong số những "con sâu làm rầu nồi canh" vì những hành vi sai trái dẫn đến ô uế thanh danh của ngành sư phạm.

Đã có không ít thầy cô giáo vi phạm pháp luật tham ô, hủ hóa, đánh đập, chà đạp nhân phẩm học trò bằng bạo lực.

Thầy “đổi tình lấy điểm”, cưỡng hiếp nữ sinh, rồi có cả thầy trực tiếp mua dâm học trò, tham gia tổ chức đường dây mua bán dâm, nạn nhân là chính học sinh của mình.

Đường vào vòng lao lý của những cán bộ giáo dục này sẽ mãi là bài học cho những người đang sống bằng sự ảo tưởng, huyễn hoặc bản thân khi có chút quyền hành trong giáo dục đã coi khinh đạo lý làm thầy.

Cũng không ít người thầy, nhà giáo, người quản lý giáo dục có cách sống thực dụng và tự cho mình cái quyền trở thành ông “vua con” trong nhà trường, ở mọi cấp học.

Tất cả những sai phạm đều phải trả giá trước pháp luật.

Một nhà giáo đã từng nói: “Học trò luôn coi thầy là “thần tượng”, họ “soi” vào người thầy để thấy mình; nếu là “tấm gương mờ”, nếu có lòng tự trọng, nên tự mình rút lui khỏi nghề làm thầy.

Câu nói đó có lẽ đúng với tất cả những ai đang mượn nghề giáo để thực hiện những hành vi không đúng mực, vi phạm pháp luật, không vượt qua nổi sự cám dỗ của bản thân.

Trần Phương