Ông giáo của trẻ thiệt thòi giữa lòng phố cảng

22/02/2018 07:40
ĐỖ HOÀNG
(GDVN) - Suốt gần 25 năm qua, ông giáo già Hoàng Ánh Hưng ở Hải Phòng đã miệt mài gieo chữ, giúp cho những trẻ em thiệt thòi thoát khỏi tình trạng mù chữ.

Trường tiểu học Dư Hàng (phường Dư Hàng, quận Lê Chân, Hải Phòng) sáng thứ bảy, chiếc xe máy dừng lại trước cổng, một ông già từ sau xe bước xuống, chậm chậm bước vào trường.

Lớp học chỉ có bốn trò

Ông lão 73 tuổi bước từng bước chậm, căn bệnh parkinson khiến cho hai cánh tay run rẩy theo từng nhịp chân. Ông là ông giáo Hoàng Ánh Hưng, người thầy quen thuộc của lớp học tình thương ở Trường Dư Hàng vào mỗi sáng thứ bảy.

Lớp học tình thương chỉ có bốn học trò được trường tổ chức thành lớp ghép, học sinh chỉ học hai môn toán và tiếng Việt. Cậu bé Nguyên và cô bé Thanh cỡ độ 12 tuổi đang học chương trình lớp 1. Hai cô gái Hà và Nhi đã bước vào tuổi 18 đang học chương trình lớp 3.

Đã gần 25 năm, thầy Hoàng Ánh Hưng đã miệt mài gieo chữ cho những trẻ thiệt thòi. Ảnh: KĐ
Đã gần 25 năm, thầy Hoàng Ánh Hưng đã miệt mài gieo chữ cho những trẻ thiệt thòi. Ảnh: KĐ

Bốn học sinh đã chờ sẵn trong lớp, ríu rít chào thầy rồi lục tục mở sách vở chuẩn bị học môn toán.

Ông giáo gật đầu chào đám học trò, đặt chiếc cặp lên bàn, mở sách, ghi lên bảng bài học mới của môn toán.

Trước khi vào bài, ông bước xuống dưới, đảo qua đám học trò kiểm tra bài cũ.

Ngó vào cuốn bài tập toán của Nguyên, ông giáo gật đầu, tỏ ý hài lòng.

Nguyên vốn là cháu bé bị tự kỷ, theo học lớp 1 tiểu học không được nên được chuyển qua lớp học tình thương này. Cháu học toán được nhưng tiếng Việt thì tiếp thu khá chậm.

Cô bé Thanh bị thiểu năng, từ khi đến lớp học, cháu bé đã có thể đọc được chữ nhưng viết và làm toán thì gần như không tiến triển mấy.

Hai cô gái lớp 3 là Hà và Nhi đều có hoàn cảnh mồ côi, gia đình khó khăn nên không được tới trường.

Các em đã được người thân đưa tới xin vào lớp học tình thương của ông giáo Hưng được 3 năm nay.

Cả hai em được thầy đánh giá tiếp thu bài vở khá tốt.

Ông giáo của trẻ thiệt thòi giữa lòng phố cảng ảnh 2Tết về chỉ mong các con không đứt bữa

“Tôi vẫn động viên các cháu, các cháu thiệt thòi không được đi học là do hoàn cảnh chứ không phải bản thân các cháu.

Hà và Nhi đều học được, tôi định nếu hết tiểu học mà các cháu muốn học tiếp thì gửi các cháu vào trung tâm giáo dục thường xuyên” – ông giáo chia sẻ.

Lớp học tình thương của Trường tiểu học Dư Hàng do thầy Hưng đảm nhận là nơi dạy cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc tật nguyền.

Lớp học được tổ chức vào ngày thứ 7, sáng học toán, chiều học tiếng Việt.

Do ông giáo đã ngoài 70 lại bị căn bệnh parkinson nên năm nay có thêm một cô giáo ở trường Dư Hàng tình nguyện dạy môn tiếng Việt cho các em, còn thầy Hưng đảm nhiệm môn toán.

Người thầy của trẻ thiệt thòi

Ông giáo Hưng là người đã gây dựng và gắn bó với nhiều thế hệ học sinh của lớp học tình thương này suốt gần 25 năm qua. Ông vốn là thầy giáo tiểu học, năm 1993 do sức khoẻ yếu, gia đình khó khăn, ông đã xin nghỉ hưu sớm.

Cũng trong năm 1993, một người bạn là Việt kiều Mỹ gặp ông ngỏ ý muốn giúp một số tiền nho nhỏ để ông mở lớp dạy phổ cập tiểu học, xoá mù chữ cho những trẻ em thiệt thòi, không được đi học.

Thời điểm ấy ở khu vực phường Dư Hàng vốn là một điểm nóng về tệ nạn ma tuý, có nhiều cháu nhỏ hoàn cảnh gia đình khó khăn không được đến trường.

Thầy Hưng đã chạy đôn đáo xin thủ tục mở lớp học tình thương này. Thầy Hiệu trưởng Trường tiểu học Dư Hàng nghe đồng nghiệp đặt vấn đề đã ủng hộ nhiệt tình.

Ông giáo của trẻ thiệt thòi giữa lòng phố cảng ảnh 3Phận mồ côi nơi cửa Phật

Hơn 30 học sinh là những trẻ em bỏ học, trẻ quá tuổi ở khu vực phường Dư Hàng và vùng lân cận, hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em có bố mẹ ngập sâu trong tệ nạn xã hội đã được thầy Hưng vận động tham gia lớp học. Tháng 12/1993, hai lớp học tình thương thuộc sự quản lý của Trường tiểu học Dư Hàng ra đời.

Trường tổ chức thành hai lớp ghép học hai môn toán và tiếng Việt, một lớp hơn chục em học chương trình lớp 1-2-3, một lớp hơn chục em học chương trình lớp 4-5.

Một người bạn của thầy Hưng dù không phải là giáo viên nhưng cũng tình nguyện đảm nhiệm dạy cho lớp ghép 1-2-3, thầy Hưng phụ trách lớp 4-5. Tuần bốn buổi, hai ông giáo tới lớp dạy cho đám trẻ.

Thầy Hưng cho biết lớp học trong những năm đầu thường xuyên duy trì sĩ số khoảng 20-30 học sinh, sau đó giảm dần, từ năm 2000 trở đi lớp còn khoảng chục cháu theo học. Từ năm ngoái thì lớp học tình thương còn lại bốn học sinh.

Suốt gần 25 năm qua, có cả trăm học sinh hoàn cảnh khó khăn đã qua lớp học tình thương này, trong số đó, có chừng hơn 50 em đã học đến hết cấp trung học cơ sở. Một số em học lên trung học, có em học xong trung cấp nghề.

Đau đáu với lớp tình thương

Thầy Hưng cho hay lớp học tình thương duy trì được gần 25 năm nay là nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của các thầy cô lãnh đạo Trường tiểu học Dư Hàng và những nhà hảo tâm giúp đỡ.

Lớp học đã hình thành từ gợi ý giúp đỡ của một Việt kiều Mỹ, bạn của thầy Hưng. Mỗi tháng, người bạn này hỗ trợ khoản tiền 1 triệu đồng để thầy duy trì lớp học tình thương cho những trẻ em thiệt thòi.

Tuy nhiên, lớp học tình thương hoạt động được 3 năm thì người bạn Việt kiều cắt khoản kinh phí hỗ trợ này.

Không đành lòng để lớp học vừa mới hình thành đã tan rã, những đứa trẻ thiệt thòi tái mù chữ, thầy Hưng cố gắng chèo chống duy trì lớp.

Hơn một năm sau, biết về lớp học tình thương cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, nhà sư Thích Quảng Tùng, trụ trì chùa Hàng, đã hỗ trợ cho lớp một khoản kinh phí nho nhỏ, tháng một triệu, tháng vài trăm nghìn đồng.

Ông giáo của trẻ thiệt thòi giữa lòng phố cảng ảnh 4Hành trình đến với lớp học tình thương của “thầy giáo” 9X

Tới năm 2016 nhà chùa thôi tài trợ khoản kinh phí này cho lớp học tình thương, mọi sự hỗ trợ giúp đỡ lớp học đều phải trông chờ vào nhà trường.

Thầy Hưng cho biết suốt 25 năm qua mình luôn trăn trở duy trì lớp học tình thương bởi ông không cam tâm thấy cảnh giữa lòng thành phố cảng lại có những trẻ em mù chữ.

Dù nay sức khoẻ đã suy giảm, lại mắc căn bệnh parkinson khiến chân tay run rẩy nhưng hầu như không có buổi học nào vắng mặt thầy. Năm 2006, thầy được Uỷ ban dân số gia đình và trẻ em vinh danh Những tấm lòng yêu trẻ.

“Các con vì hoàn cảnh mà thua chúng bạn nên tôi luôn nhắc mình phải cố gắng hơn nữa để các con không phải bỏ học.

Nhưng nay tuổi đã cao chỉ mong sao tiếp tục có những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ, có những thầy cô chung tay với mình để duy trì lớp học để bù đắp phần nào cho những đứa trẻ thiệt thòi” – thầy Hưng nói.

ĐỖ HOÀNG