Thưa Giáo sư, cách mạng 4.0 có nhất thiết phải vào đại học?

25/04/2019 09:24
Vũ Phương
(GDVN) - Đó là câu hỏi, sự lo lắng chung của nhiều học sinh Trường trung học phổ thông Kỹ thuật Việt Trì (Phú Thọ) gửi đến Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Ngày 23/4, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ, Trường trung học phổ thông Kỹ thuật Việt Trì (Thành phố Việt Trì, Tỉnh Phú Thọ) tổ chức buổi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.

Sự hiện diện của Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhận được sự chào đón nhiệt liệt từ các thầy cô giáo và gần 700 học sinh Trường trung học phổ thông Kỹ thuật Việt Trì.  

Thưa Giáo sư, cách mạng 4.0 có nhất thiết phải vào đại học? ảnh 1Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ 4 động lực để thành công

Tại buổi hội thảo, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã nói chuyện về những cơ hội, thách thức trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, những tấm gương khởi nghiệp thành công trên nhiều lĩnh vực được chia sẻ với gần 700 học sinh của trường.

Trong cái nắng như đổ lửa của những ngày cuối tháng 4, thời tiết khá oi bức, nhưng không làm giảm sức hấp dẫn buổi nói chuyện của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng với các thầy cô giáo, học sinh Trường trung học phổ thông Kỹ thuật Việt Trì.

Với cách nói chuyện dí dỏm, hấp dẫn, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã dẫn dắt các thầy cô giáo, các em học sinh đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác.

“Đời người chỉ có 4.000 tuần, tức 1000 tháng. Bởi vậy, các em sống thế nào, thành người ra sao trong tương lai là phụ thuộc vào lựa chọn, cố gắng của chính các em.

Mỗi giây phút các em đang sống, sống sao thật đàng hoàng, thẳng thắn, khỏe mạnh, thoải mái, hạnh phúc, dám mơ ước, biến ước mơ thành sự thật.

Cuộc đời của các em là do các em lựa chọn chứ không phải ai khác vì thế hãy mạnh dạn, cố gắng học tập để chuẩn bị tốt nhất cho tương lai”, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho biết, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 có nhiều công việc mất đi do robot thay thế. Ảnh: Vũ Phương.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho biết, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 có nhiều công việc mất đi do robot thay thế. Ảnh: Vũ Phương. 
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã truyền cảm hứng mạnh cho học sinh phải có ý chí, biết vươn lên trong cuộc sống, các em dám mơ ước và kiên trì, quyết tâm thực hiện sẽ thành công. Ảnh: Vũ Phương.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã truyền cảm hứng mạnh cho học sinh phải có ý chí, biết vươn lên trong cuộc sống, các em dám mơ ước và kiên trì, quyết tâm thực hiện sẽ thành công. Ảnh: Vũ Phương. 

Bằng những câu chuyện sinh động về những tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu, những con người xuất thân từ chân đất, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã tiếp lửa cho các em học sinh Trường trung học phổ thông một thông điệp mạnh không có gì là không thể chỉ cần các em dám ước mơ, có ý chí.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã chia sẻ rất nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những tỷ phú xuất thân từ hai bàn tay trắng. Bằng ý chí, nghị lực, dám nghĩ dám làm đã vươn lên làm giàu cho quê hương, là tấm gương cho nhiều bạn trẻ noi theo.

Rất nhiều tràng pháo tay không ngớt bày tỏ sự cảm phục của các em học sinh với anh Trịnh Xuân Mười, Lê Văn Xê, Trần Hồng Giang, Lê Thị Thắm…đã vượt lên tất cả để trở thành những người có ích cho xã hội, đất nước, trở thành những biểu tượng, tấm gương cho sự vươn lên, vượt khó đạt đến thành công.

Cùng với đó, những cơ hội, thách thức với bạn trẻ trong thời đại cách mạng 4.0 cũng được Giáo sư chia sẻ rất chi tiết, thẳng thắn để các em có định hướng cho mình.

Học để trở thành người tự do, thành công dân toàn cầu, thế hệ trẻ Việt Nam tự tin hội nhập với thế giới Giáo sư Nguyễn Lân Dũng còn động viên các em học sinh khởi nghiệp ngay trên chính quê hương mình.

Dù thời tiết nắng nóng, oi bức, gần 700 học sinh, thầy cô giáo chăm chú lắng nghe buổi nói chuyện rất hấp dẫn và bổ ích của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Vũ Phương.
Dù thời tiết nắng nóng, oi bức, gần 700 học sinh, thầy cô giáo chăm chú lắng nghe buổi nói chuyện rất hấp dẫn và bổ ích của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Vũ Phương. 

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng chia sẻ, hiện tỷ lệ cử nhân thất nghiệp khá cao lên đến cả ngàn người, bởi vậy đại học không phải là con đường duy nhất để các em khẳng định bản thân, làm giàu.

Nhiều nông dân đã trở thành tỷ phú, điều quan trọng các em theo đuổi đam mê, có ý chí sẽ vượt lên mọi khó khăn, vất vả và thành công.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng khuyên các em học sinh học thật giỏi ngoại ngữ. Bởi có giỏi ngoại ngữ các em mới tiếp cận được khoa học, kỹ thuật tiên tiến nhất trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Sau hơn 3 giờ đồng hồ được nghe, trao đổi trực tiếp với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, nhiều em học sinh trường Trung học phổ thông Kỹ thuật Việt Trì đã có nhiều câu hỏi, băn khoăn gửi Giáo sư.

Em Tô Phương Quỳnh giao lưu, đặt câu hỏi với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Vũ Phương.
Em Tô Phương Quỳnh giao lưu, đặt câu hỏi với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Vũ Phương. 

Em Tô Phương Quỳnh, Lớp 12A5, lo lắng trước ngưỡng cửa vào đại học, chọn ngành gì trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Dự định em thi vào ngành Du lịch. 

Em Dương Đức Tiến, Lớp 12A4 mạnh dạn đặt câu hỏi với Giáo sư: "Thưa thầy, tại sao nhiều môn học em không thích học vẫn phải học?". 

Em Nguyễn Thị Kiều Nga (Lớp 12A3) hay em Nguyễn Văn Hậu (lớp 12A6) chia sẻ với Giáo sư sẽ không xét tuyển vào đại học mà sẽ chọn con đường du học hoặc xuất khẩu lao động có tốt không?

Còn em Nguyễn Mạnh Hiếu (Lớp 12A6) cho biết cũng không thi đại học và không học đại học vẫn có thể làm giàu được, thưa Giáo sư...

Tại buổi hội thảo, không ít học sinh cũng băn khoăn trước câu hỏi vào đại học để làm gì nếu ra trường thất nghiệp hay chỉ thi tốt nghiệp rồi đi xuất khẩu lao động, làm giàu trên quê hương mình được không?

Cô Hiệu trưởng Phạm Thị Thu Huyền tặng quà, cảm ơn sâu sắc Giáo sư Nguyễn Lân Dũng về buổi nói chuyện hết sức ý nghĩa, bổ ích cho thầy và trò Trường trung học phổ thông Kỹ thuật Việt Trì. Ảnh: Vũ Phương.
Cô Hiệu trưởng Phạm Thị Thu Huyền tặng quà, cảm ơn sâu sắc Giáo sư Nguyễn Lân Dũng về buổi nói chuyện hết sức ý nghĩa, bổ ích cho thầy và trò Trường trung học phổ thông Kỹ thuật Việt Trì. Ảnh: Vũ Phương. 
Các thầy cô giáo chụp ảnh kỷ niệm với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Vũ Phương.
Các thầy cô giáo chụp ảnh kỷ niệm với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Vũ Phương. 

Với kiến thức uyên bác, kinh nghiệm sống của Giáo sư đã chia sẻ, giải đáp thấu đáo tất cả những băn khoăn, lo lắng của các em trước ngưỡng cửa cuộc đời, đặc biệt trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Qua buổi nói chuyện, lắng nghe và chia sẻ của Giáo sư đã truyền lửa, truyền cảm hứng rất mạnh cho các thầy cô, học sinh Trường trung học phổ thông Kỹ thuật Việt Trì.

Đặc biệt, Giáo sư đã giúp các thầy cô hiểu rõ nét, sâu sắc hơn về cuộc cách mạng 4.0, về cơ hội, thách thức, việc lựa chọn nghề nghiệp, định hướng cho tương lai của các em học sinh.

Kết thúc buổi hội thảo, cô Phạm Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường trung học phổ Kỹ thuật Việt Trì bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc, cảm động trước buổi nói chuyện của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Những chia sẻ về bài học, những tâm gương biết vươn lên trong cuộc sống hết sức ý nghĩa, tạo động lực, truyền cảm hứng quyết tâm cho học sinh và thầy cô giáo tiếp tục cố gắng hết mình trong học tập, giảng dạy, lao động.

Qua buổi nói chuyện: “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”của Giáo sư đã giúp các em, các thầy cô giáo hiểu sâu sắc hơn về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để đính hướng, khởi nghiệp thành công trong tương lai.

Cô Phạm Thị Thu Huyền cũng bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo vô cùng ý nghĩa, thiết thực. Mong rằng Quý Báo tiếp tục tổ chức nhiều hội thảo hơn nữa để lan tỏa, truyền cảm hứng cho học sinh trên cả nước học tập, rèn luyện trở thành những người có ích cho xã hội, đất nước.

Chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước tổ chức.

Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh các trường.

Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

Hiện tại, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Mọi chi phí hội thảo do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.

Các nhà trường có thể đăng ký qua số điện thoại đường dây nóng: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777.

Email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.
Vũ Phương