Buôn bán thuốc giả và những tác hại khôn lường đối với sức khỏe

18/04/2012 15:19
Lê Phương (TH)
(GDVN) - Theo các chuyên gia y tế, thuốc giả, thuốc dởm, thuốc hết hạn sử dụng, mặc dù có những thành phần như thuốc thật nhưng hàm lượng thấp hoặc cao hơn, nếu sử dụng sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe và phát sinh các bệnh tật khác.
Trong những năm gần đây các cơ quan chức năng của ngành y tế cũng như công an đã phát hiện rất nhiều những vụ sản xuất, vận chuyển, buôn bán và sử dụng các loại thuốc kháng sinh, chuyên dụng giả, hết hạn sử dụng và kém chất lượng. Những loại thuốc này khi trôi nổi trên thị trường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng như: phát sinh bệnh tật khi dùng, kháng thuốc,… thậm chí sẽ dẫn đến tử vong. Dưới đây là một số vụ buôn bán vận chuyển thuốc giả, thuốc kém chất lượng đã bị cơ quan chứ năng phát giác và những lời cảnh báo về hậu quả đối với sức khỏe khi dùng phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
Huỳnh Ngọc Quang (thứ hai từ trái qua) và đồng bọn tại phiên tòa - Ảnh: C.Mai
Huỳnh Ngọc Quang (thứ hai từ trái qua) và đồng bọn tại phiên tòa - Ảnh: C.Mai
10 năm tù cho tội buôn thuốc giả Đầu năm 2010, Cơ quan Công an TPHCM đã triệt phá đường dây sản xuất thuốc tân dược giả với quy mô cực lớn do “ông trùm” Huỳnh Ngọc Quang (SN 1982, Giám đốc Cty cổ phần dược phẩm Việt Pháp) cầm đầu. Đây là đường dây sản xuất thuốc tân dược giả với quy mô cực lớn từ trước tới nay mà Công an TPHCM nói riêng và trên cả nói chung khám phá và phát hiện. Đường dây sản xuất và buôn bán thuốc giả của Quang thiết lập đã sản xuất hơn 40 loại thuốc tân dược giả và mang đi tiêu thụ khắp cả nước và sang cả Camphuchia …Kết quả là Quang và một số đồng bọn đã phải nhận mức án 10 năm tù giam về tội sản xuất buôn bán thuốc giả.Kháng sinh là thuốc hay bị làm giả nhất Đầu tháng 5/2011, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương đã phát hiện thuốc kháng sinh Zinnat dạng viên 500 mg bị làm giả với số lượng lớn. Mẫu thuốc không có phản ứng định tính của Cefuroxim axetil. Được biết Zinnat là dòng thuốc kháng sinh mạnh, đắt tiền được sử dụng khá phổ biến cho cả người lớn và trẻ em tại Việt Nam. Loại thuốc này thường được chỉ định trong các bệnh về đường hô hấp như: viêm phổi, viêm xoang, viêm họng, viêm tai giữa hay các bệnh về nhiễm khuẩn niệu-sinh dục (viêm niệu đạo, bệnh lậu)...Cũng theo Viện trên, nếu không kịp thời phát hiện, xử lí và thu hồi thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh khi sử dụng. Giữa tháng 7/2011, Sở Y tế TP HCM đã tiến hành thu hồi hàng loạt thuốc đang lưu hành trên thị trường với nguyên nhân: Thuốc giả, chưa được cấp phép, thuốc không đạt chất lượng... Trong số những loại thuốc bị thu hồi thì đa số là thuốc kháng sinh thường hay được sử dụng. Ngoài ra còn có những loại thuốc ngoại do Ấn Độ sản xuất như: thuốc viên nén bao phim Cefilife – 10, hay thuốc viên nén Seachfol-Z …
Ảnh minh họa/Nguồn Internet
Ảnh minh họa/Nguồn Internet
Nhiễm khuẩn, quá đát, thuốc bẩn … Đầu năm 2012, các cơ quan chức năng đã đình chỉ lưu hành hai loại thuốc trên toàn quốc và yêu cầu thu hồi là thuốc viên nén điều trị tim mạch GPRIL-50 (số lô TE-2849, hạn dùng 9-2012, số đăng ký VN-5501-08, do Công ty TNHH một thành viên Dược phẩm Trung ương 2 nhập khẩu từ Ấn Độ) vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng; thuốc viên nang LAKANI điều trị viêm gan, giải độc gan, chống dị ứng, mề đay, suy giảm chức năng gan do dùng nhiều bia rượu, tân dược… (số lô 010701, ngày sản xuất 17-7-2010, hạn dùng 17-7-2013, số đăng ký V1295-H12-10), vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ nhiễm khuẩn …. Đặc biệt, trong hai ngày gần đây mọi người lại xôn xao về vụ Trung Quốc sản xuất vỏ thuốc con nhộng từ rác thác và đã có người hồ nghi về việc liệu Việt Nam có nhập khẩu các loại vỏ thuốc con nhộng từ Trung Quốc hay không? Tuy nhiên, các công ty dược của Việt Nam đều khẳng định không nhập khẩu  vỏ viên nang con nhộng từ Trung Quốc vì đắt và phải nộp thuế nhập khẩu. Điều này đã tạo được tâm lý yên tâm cho người bệnh khi đang phải sử dụng thuốc con nhộng.
Tác hại của thuốc giả, thuốc kém chất lượng đối với sức khỏe
Theo PGS-TS Trương Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Dược học TPHCM, cho biết thuốc giả gây ra tác hại lớn cho sức khỏe người bệnh như phản ứng dị ứng, nhiễm độc kim loại nặng, dễ kháng thuốc. Nguy hiểm hơn, thuốc giả còn gây ra tình trạng vô hiệu các giải pháp điều trị để cứu sống người bệnh. Các loại thuốc giả, thuốc nhái này có thể chứa bất cứ thành phần nào từ phấn viết bảng, bê-tông nghiền, acid boric hoặc những gì tệ hơn thế và được bán như thuốc thật, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh khi sử dụng. Những chất và hợp chất này không chỉ gây ra các phản ứng dị ứng, kháng thuốc… mà con gây nên nhiều bệnh nguy hiểm khác như: lao phổi, các bệnh đường ruột …
Ảnh minh họa/Nguồn Internet
Ảnh minh họa/Nguồn Internet
Thuốc giả có nhiều dạng khác nhau, nhưng kết quả cuối cùng là khi sử dụng thì bác sĩ và người bệnh gặp thất bại trong điều trị, tăng độc tính, thậm chí là tử vong. Nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong khoảng 1/10.000 đến 1/100.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả lại lên đến 1/10! Trong đó đáng nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc. Chưa có một số liệu thống kê chính thức nhưng tỷ lệ ngộ độc thuốc ở Việt Nam có không ít trường hợp do dùng phải thuốc giả, thuốc nhái. Sau khi uống thuốc chỉ vài phút, đột nhiên người bệnh thấy khó thở, ngứa họng, ngứa mũi; hơi thở ra có thể có mùi thuốc; nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, trường hợp nặng có thể bị co giật... đó là những dấu hiệu bạn đang bị ngộ độc thuốc và nguy cơ đã dùng phải thuốc giả thuốc kém chất lượng. Dị ứng thuốc là tình trạng hay gặp nhất khi sử dụng thuốc, nhất là thuốc giả, thuốc nhái. Các phản ứng dị ứng có thể xuất hiện sau khi dùng thuốc 15 – 30 phút hoặc một vài ngày. Các phản ứng dị ứng có nhiều cấp độ khác nhau, từ nhẹ nhất là sự kích ứng, các tác dụng phụ ở mức độ nhẹ như: buồn nôn, ói mửa cho đến các trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng chẳng hạn shock phản vệ… Để ngăn ngừa nạn thuốc giả và kém chất lượng ra ngoài thị trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng, thì bên cạnh việc có các chế tài nghiêm khắc xử lý các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân có hành vi sản xuất buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng thuốc giả, thuốc nhập lậu ở bất kỳ mức độ và phạm vi nào; Các doanh nghiệp dược cũng cần chủ động đưa ra chính sách, quy trình nội bộ về bảo vệ quyền sở hữu, chống hàng giả. Cung cấp cho các cơ quan chức năng đầy đủ thông tin về hàng thật, hàng giả, các thông số kỹ thuật, phương tiện để kiểm tra, hỗ trợ giám định... thì việc tiến hành thử tương đương sinh học là điều cần thiết và nên làm. Người dân khi dùng thuốc cũng phải hết sức đề cao cảnh giác về nguồn gốc xuất xứ của thuốc mình đang sử dụng, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra đối với sức khỏe và tính mạng.
Lê Phương (TH)