Thú vị những điểm đến mới của du lịch cộng đồng tại Thanh Hóa

27/11/2016 08:19
Thùy Linh
(GDVN) - Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức “Lễ công bố tuyến du lịch cộng đồng bản Năng Cát – Thác Ma Hao” tại Huyện Lang Chánh, Thanh Hóa vào ngày 23/11 vừa qua.

Nằm dưới chân núi Chí Linh, cách trung tâm Thị Trấn huyện Lang Chánh trên 15km, bản Năng Cát xã Trí Nang có tổng diện tích tự nhiên 600 ha, dân số 596 nhân khẩu, đồng bào sinh sống ở đây chủ yếu là người dân tộc Thái.

Với khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 15-18 độ C, Thiên nhiên đã ban tặng cho Năng Cát nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như thác Ma Hao gắn với lịch sử chống giặc ngoại xâm của nghĩa quân Lê Lợi, thác Mây Năng Cát là nơi có cảnh quan hùng vĩ; cảnh vật hữu tình. 

Lãnh đạo tỉnh, huyện cắt băng khai trương tuyên truyền du lịch bản Năng Cát, thác Ma Hao. (Ảnh: Thùy Linh)
Lãnh đạo tỉnh, huyện cắt băng khai trương tuyên truyền du lịch bản Năng Cát, thác Ma Hao. (Ảnh: Thùy Linh)

Không chỉ đa dạng về sinh cảnh bản Năng Cát còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa nguyên sơ của đồng bào người Thái. 

Hiện nay nhiều giá trị văn hóa đang được chính quyền và người dân nơi đây giữ gìn, phát huy, đem đến sự hấp dẫn đối với du khách.

Đến với Năng Cát, du khách còn được tham quan thác Ma Hao, một cảnh quan thiên nhiên quyến rũ. Nó bắt nguồn từ đỉnh núi Pù Rinh (còn gọi núi Chí Linh) có độ cao hơn 1.000m đã  được công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh năm 2007.

Nhưng giá trị của nó chỉ thực sự được phát huy từ năm 2014 sau khi di tích được khởi động khai thác và đặc biệt là khi có Đề án về phát triển Du lịch cộng đồng tại bản Năng Cát được phê duyệt.
 
Mùa hè, du khách đến với Năng Cát thường lựa chọn du lịch khám phá thác Ma Hao. 

Du khách có thể thả mình trong dòng nước trong veo, mát lạnh hoặc nghỉ ngơi trên những phiến đá to rộng, bằng phẳng, lắng nghe tiếng thác chảy và ngắm nhìn cảnh đẹp hùng vĩ của núi rừng đại ngàn, dòng chảy của thác nước từ trên cao hàng 100m đổ xuống. 

Suối nước hiền hòa, núi rừng hùng vĩ, tất cả tạo nên một mảng đất trời hùng vĩ mà nên thơ.

Thác Ma Hao (Ảnh: Nguyễn Ngọc)
Thác Ma Hao (Ảnh: Nguyễn Ngọc)

Tại thác Ma Hao khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình trong các năm khoảng 15-18 độ C.

Theo con số thống kê, trong tổng số 125 hộ ở bản Năng Cát thì có đến 124 hộ đang còn giữ được những nếp nhà sàn truyền thống và duy trì được nhiều nghề truyền thống, những công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt đặc trưng...
 
Từ đầu năm 2016 đã có 5 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng du lịch và hỗ trợ tổ chức dịch vụ ăn, nghỉ cho cộng đồng” do Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức.
 
Mỗi một lớp tập huấn có khoảng 30 hộ gia đình ở bản Năng Cát tham gia. Hiện tại trong bản có 6 hộ đủ điều kiện để làm du lịch cộng đồng.

6 hộ này đã được hỗ trợ để làm nhà vệ sinh tự hoại và có tới hàng chục các hộ khác ở bản Năng Cát cũng tự bỏ tiền để làm nhà vệ sinh tự hoại. Đây có thể xem như một bước thay đổi lớn về vệ sinh môi trường ở bản Năng Cát.
 
Tuy nhiên, với một tiềm năng lớn như ở bản Năng Cát thì vẫn còn nhiều trăn trở, nhiều vấn đề đặt ra đó là Giao thông và xây dựng các công trình dịch vụ, sản phẩm du lịch...

Con đường từ tỉnh lộ 530 rẽ lên thác Ma Hao, vào bản Năng Cát đang còn là đường cấp phối và phải mất gần 9 km đường khó đi.

Phát biểu tại lễ công bố, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, bà Lê Thị Thìn cho biết: 

Với tiềm năng đặc trưng, phong phú cùng các điều kiện cơ sở hạ tầng đang hoàn thiện đồng bộ, cơ bản đáp ứng được các tiêu chuẩn đón và phục vụ du khách, việc tổ chức công bố tuyến du lịch cộng đồng bản Năng Cát – thác Ma Hao hôm nay là để giới thiệu rộng rãi tới các doanh nghiệp lữ hành, các cơ quan truyền thông và du khách về điểm đến mới, hấp dẫn. 

Đồng thời cũng là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển du lịch tại xã Trí Nang để chính quyền và cộng đồng nhân dân địa phương xác định rõ trách nhiệm trong việc chung tay xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm du lịch cộng đồng tại địa phương.

Đồng thời phấn đấu đến năm 2020, bản Năng Cát- thác Ma Hao sẽ đón được gần 7000 lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt khoảng 4 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm cho 200 người dân địa phương.
 
Thời gian tới, UBND huyện Lang Chánh khẩn trương phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Thanh Hóa cùng các đơn vị liên quan hoàn chỉnh các hạng mục đầu tư cho bản Năng Cát như bãi đỗ xe, công trình vệ sinh, nhà tiếp đón khách, biển chỉ dẫn...

Bên cạnh đó, tiếp tục làm công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức làm du lịch cho người dân
”. 

Được biết, tuyến đường 530 đi thác Ma Hao, đến bản Năng Cát cũng đã được tỉnh phê duyệt và khởi công từ ngày 23/11.

Thùy Linh