Máy xét nghiệm vỏ Đức ruột China: Công ty "đào đất" đi thầu máy y tế

30/07/2014 07:04
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Gói thầu cung ứng máy xét nghiệm sinh hóa cho các bệnh viện tuyến huyện ở Hà Nội có trị giá 30 tỉ đồng. Nhưng sau 3 năm hoạt động, máy đã hỏng và khó sửa chữa

Vào cuối giờ chiều ngày 29/7, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức một cuộc họp báo công bố về chất lượng gói thầu số 4 cung cấp trang thiết bị y tế cho các bệnh viện tuyến huyện, sử dụng nguồn trái phiếu chính phủ. Trong cuộc họp này, Sở Y tế đã công bố kết quả của đoàn kiểm tra về chất lượng máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA 240 mà trước đó báo chí đã phản ánh kém chất lượng, không có phụ tùng thay thế.

Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra máy xét nghiệm tại BV huyện Hoài Đức sáng 29/7
Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra máy xét nghiệm tại BV huyện Hoài Đức sáng 29/7

Đại diện Sở Y tế Hà Nội thông báo, kết quả kiểm tra máy xét nghiệm sinh hóa  Greiner GA 240 tại bệnh viện đa khoa Thường Tín và Hoài Đức cho thấy, hai máy sau hơn 3 năm đưa vào sử dụng, đến năm 2013 bị hỏng bóng đèn halogen, không có linh kiện để thay thế nên phải nằm “đắp chiếu” gần 1 năm nay.

Ông Nguyễn Văn Dung, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội - tổ trưởng đoàn kiểm tra cho biết, việc thay thế bóng đèn này phải qua đơn vị cung cấp. Tuy nhiên, trong hồ sơ mời thầu, đơn vị trúng thầu trước đó đã đảm bảo sẽ cung cấp các linh kiện thay thế trong vòng 10 năm. Nhưng sau hơn 1 năm thì đơn vị trúng thầu chưa liên hệ được với nhà cung cấp để sửa chữa.

Vị phó giám đốc sở Y tế nói thêm, qua kiểm tra hai máy, tem nhãn bên ngoài ghi là sản xuất tháng 5/2010 tại Đức. Tuy nhiên, khi kiểm tra bên trong, nhiều phụ kiện lại là “made in China” và “Made in Việt Nam”.

“Tôi có hỏi việc này với đơn vị trúng thầu, các vị ấy lí giải những linh kiện đó có thể ở nước thứ 3 nhưng vẫn đảm bảo chất lượng” – ông Dung nói.

Liên quan đến gói thầu số 4, ông Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, gói thầu này được triển khai từ năm 2009, do công ty CP Xuất nhập khẩu Khoáng sản trúng thầu và cung cấp thiết bị y tế, hóa chất cho 6 bệnh viện gồm: bệnh viện Quốc Oai, Hoài Đức, Thường Tín, Vân Đình, Hà Đông, Thanh Oai.

Đây là gói thầu mua sắm trang thiết bị hồi sức và xét nghiệm do UBND TP Hà Nội phê duyệt, giao cho Sở Y tế Hà Nội làm chủ đầu tư, để cung cấp thiết bị cho bệnh viện đa khoa một số huyện thuộc thành phố, tổng giá trị gói thầu khoảng 30 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Khắc Hiền - GĐ Sở Y tế Hà Nội. Ảnh: VIẾT CƯỜNG
Ông Nguyễn Khắc Hiền - GĐ Sở Y tế Hà Nội. Ảnh: VIẾT CƯỜNG

Trước câu hỏi của phóng viên, cho rằng máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA 240 có xuất xứ từ Trung Quốc, không phải của Đức. Ông Nguyễn Quốc Hưng - PGĐ công ty CP Xuất nhập khẩu Khoáng sản (đơn vị trúng thầu cung ứng máy) cho biết, máy Greiner GA 240 không phải do công ty nhập khẩu trực tiếp mà mua qua từ một đơn vị khác.

“Tất cả những giấy tờ liên quan đến pháp lí, hồ sơ đều chứng minh xuất xứ là máy của Đức. Còn về số linh kiện trong máy “made in China” là do xu hướng toàn cầu hóa, không có quốc gia nào có thể sản xuất một mặt hàng từ A đến Z mà có sự phân công quốc tế, có nhiều nhà máy đặt tại Trung Quốc. Máy Greiner GA 240  này không nằm ngoài xu hướng đó” – vị đại diện công ty CP Xuất nhập khẩu Khoáng sản lí giải.

Ông Hưng nói thêm, quạt gió và mô tơ trong máy ghi là “made in China” nhưng đã được chính hãng tại Đức kiểm định, cho nhập khẩu vào Đức sau đó lắp ráp chuyển sang Việt Nam. Trình tự xuất khẩu vào Việt Nam đối với máy xét nghiệm sinh hóa này có đầy đủ tờ hải quan và các giấy tờ cần thiết khác.

Ông Nguyễn Quốc Hưng - PGĐ công ty CP Xuất nhập khẩu Khoáng sản (đơn vị trúng thầu cung ứng máy). Ảnh: VIẾT CƯỜNG
Ông Nguyễn Quốc Hưng - PGĐ công ty CP Xuất nhập khẩu Khoáng sản (đơn vị trúng thầu cung ứng máy). Ảnh: VIẾT CƯỜNG

Trước phần trả lời của nhà trúng thầu, phóng viên tại cuộc họp đã khẳng định đang có trong tay tài liệu, chứng minh tờ khai hải quan được lập trước khi có giấy phép cho nhập khẩu máy của Bộ Y tế.

“Vậy khi kiểm tra tính pháp lý của gói thầu này, các anh có để ý đến điều đó không. Tại sao nó lại có thể vào được trong gói thầu một cách ngang nhiên như vậy?” – phóng viên VTV đặt câu hỏi.

Với câu hỏi này, ông Hưng dẫn giải vòng vo, cho rằng đã làm đúng trình tự thủ tục, khi nghiệm thu máy có cả hội đồng kiểm tra, giám sát về chất lượng…

Vị PGĐ công ty CP Xuất nhập khẩu Khoáng sản không trả lời vào đúng trọng tâm câu hỏi là “tờ khai được lập trước khi có giấy phép cho nhập khẩu máy của Bộ Y tế?”.

Phóng viên có hỏi thêm, tại sao một công ty về khoáng sản lại trúng thầu cung ứng loại mặt hàng chuyên về y tế?

Ông Hưng cho biết, trong giấy phép đăng ký kinh doanh của công ty có được đăng ký ngành này. Ngoài ra, vị này cũng khẳng định, công ty có đầy đủ năng lực để thực hiện gói thầu, thậm chí đã từng thực hiện những gói thầu còn lớn hơn.

Trả lời về việc tại sao bệnh viện huyện Thường Tín để máy xét nghiệm do Sở Y tế cung ứng trục trặc lâu như vậy (từ 7/3/2013 tới nay) mà không cho sửa chữa, ông Nguyễn Khắc Hiền giải thích nguyên nhân do bệnh viện không gọi đơn vị cung ứng máy mà đi gọi đơn vị cung ứng hóa chất.

Phóng viên hỏi thêm, lí do tại sao khi máy hỏng, bệnh viện Thường Tín không gọi công ty trúng thầu đến sửa? Ông Hiền nói, trong quãng thời gian để máy này hỏng, bệnh viện lại tự thỏa thuận với một công ty tư nhân bên ngoài để “mượn” máy xét nghiệm, đây lại là máy xét nghiệm lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Được biết, công ty cho bệnh viện mượn máy cũng chính là công ty cung ứng hóa chất xét nghiệm cho bệnh viện với trị giá 1,2 tỷ đồng/năm.

Kết thúc cuộc họp báo, ông Nguyễn Khắc Hiền - GĐ Sở Y tế khẳng định, tới đây đoàn kiểm tra Sở Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục thanh, kiểm tra thiết bị y tế trong gói thầu số 4 cung cấp cho Bệnh viện Hoài Đức và tiếp tục tổng kiểm tra, rà soát lại quy trình sử dụng trang thiết bị được đầu tư tại các bệnh viện còn lại.

Đồng thời, Sở yêu cầu các bệnh viện phối hợp với đơn vị cung cấp thiết bị xử lý ngay khi thiết bị có trục trặc nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, người sử dụng, nhà cung cấp cũng như công tác quản lý Nhà nước tại các bệnh viện, tránh tình trạng xảy ra như ở Bệnh viện đa khoa Thường Tín.

Trước đó, ngày 28/7, Bộ Y tế đã có công văn số 4913/BYT-TB-CT yêu cầu Sở Y tế Hà Nội làm rõ thông tin về việc mua sắm thiết bị y tế không rõ nguồn gốc.

VIẾT CƯỜNG