Người dân miền núi Quảng Trị nhọc nhằn lo chuyện mưu sinh sau lũ quét

20/10/2016 06:33
HOÀNG TUẤN - BẢO SƯƠNG
(GDVN) - Sau lũ quét, người dân tại miền núi huyện miền núi Đakrông (tỉnh Quảng Trị) vẫn đang tích cực khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống.

Tích cực khắc phục thiệt hại do lũ quét

Sau những ngày mưa lớn kéo dài và lũ lụt hoành hành ở miền Trung, chúng tôi ngược đường đến với huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Trong đợt mưa lũ lớn tại miền Trung do áp thấp nhiệt đới vừa qua, huyện Đakrông cũng xảy ra mưa lớn kéo dài.

Do ảnh hưởng của thiên tai, nhiều vùng trên địa bàn bị sạt lở chia cắt. Đặc biệt có những nơi bị thiệt hại nặng do lũ quét gây ra.

Có mặt tại khóm Khe Xông, thị trấn Krông Klang (huyện Đakrông) gần một tuần sau trận lũ quét do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, quang cảnh nơi đây vẫn còn khá tan hoang, đổ nát.

Người dân tại đây vẫn đang tích cực khắc phục thiệt hại do thiên tai để ổn định cuộc sống.

Trận lũ quét vào rạng sáng 14/10 khiến nhiều hộ dân tại đây bị cuốn trôi đi tài sản, có hộ cả trang trại lớn và toàn bộ vật nuôi bị nước lũ cuốn đi.

Chúng tôi gặp anh Trần Thanh Lam (SN 1976, trú khóm Khe Xông, thị trấn Krông Klang) khi anh đang tích cực thu dọn những gì còn lại sau lũ quét.

Trận lũ rạng sáng ngày 14/10 đã khiến nhiều vật nuôi cũng như cơ sở vật chất trong trại của anh bị cuốn trôi và hư hỏng nặng.

Anh Lam kể lại: “Khi tôi cùng mẹ già đang ngủ tại trang trại của mình thì lũ quét bất ngờ ập đến. Chỉ trong vài phút, nước từ khe suối cách nhà cả trăm mét đã dâng lên đến chân nhà sàn rồi ào ào chảy siết, cuốn trôi tất cả mọi thứ trên đường đi”.

Anh Trần Thanh Lam bên trang trại bị lũ quét tàn phá nặng nề. Ảnh: B.S
Anh Trần Thanh Lam bên trang trại bị lũ quét tàn phá nặng nề. Ảnh: B.S

Đang dọn dẹp mớ bùn đất ở trước sân, thấy có người lạ đến hỏi thăm, bà Nguyễn Thị Điu (SN 1941, mẹ anh Lam) cũng nói vọng vào góp chuyện:

“Nước khi đó về to dữ lắm mấy chú ơi, may mà người không sao nhưng cả trang trại rộng lớn giờ chẳng còn gì. Sáng ra nhìn lại chỉ thấy đống tan hoang, đổ nát”.

Những người dân sống lâu năm ở thị trấn Krông Klang cho biết, trận lũ quét rạng sáng 14/10 là trận lũ lớn nhất từ trước đế nay họ chứng kiến.

Chưa bao giờ họ thấy lũ nào tràn khe suối lên cao và chảy mạnh như vậy. Tuy chỉ kéo qua khoảng chừng 10 đến 15 phút nhưng lũ quét cuốn trôi tất cả mọi thứ trên đường đi của nó.

Hiện sau lũ quét người dân tại khóm Khe Xông đang gặp rất nhiều khó khăn. Thiệt hại nặng nên trước mắt bà con vẫn đang gắng thu dọn, tận thu lại những gì còn dùng được trước khi nghĩ đến chuyện tìm cách phục hồi, ổn định cuộc sống.

Anh Trần Thanh Lam thu dọn, khắc phục hậu quả do lũ quét gây ra. Ảnh: B.S
Anh Trần Thanh Lam thu dọn, khắc phục hậu quả do lũ quét gây ra. Ảnh: B.S

Nhọc nhằn tính chuyện mưu sinh

Sau trận lũ quét bất ngờ ngày 14/10 tại thị trấn Krông Klang, gia đình của anh Trần Thanh Lam được chính quyền địa phương đánh giá là chịu thiệt hại nặng nề nhất. Ước tính, con số thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng.

Ít ai biết được, trang trại chăn nuôi này là tài sản vay mượn, tích cóp bao nhiêu năm của anh và vợ mình.

Trang trại chỉ vừa hoàn thành vào đầu tháng 5, số tiền mà gia đình đầu tư vào đây hơn nửa tỷ đồng nhưng chưa thu lại được gì thì đã bị lũ quét cuốn trôi hết.

Tâm sự với chúng tôi, anh Lam cho biết vợ anh là chị Nguyễn Thị Hương (SN 1980) hiện đang sống cùng hai con tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị).

Do cuộc sống khó khăn, đầu 2016 hai vợ chồng mới bàn tính vay vốn để làm ăn, mong muốn phát triển kinh tế gia đình.

Lúc đầu, anh Lam có dự định sang Lào kinh doanh buôn bán, nhưng vì đất khách quê người, nhiều người sang đó làm ăn cũng không được thuận lợi nên vợ anh ngăn cản, muốn anh tìm việc gần nhà để gần gũi vợ con.

Nghe lời vợ, hai vợ chồng bàn bạc quyết định cầm cố nhà cửa vay vốn ngân hàng hơn 450 triệu, cộng thêm một ít tiền bao nhiêu năm tích cóp được để đầu tư vào trang trại chăn nuôi.

Trang trại được đầu tư hơn nửa tỷ giờ chỉ còn là bình địa sau trận lũ quét. Ảnh: B.S
Trang trại được đầu tư hơn nửa tỷ giờ chỉ còn là bình địa sau trận lũ quét. Ảnh: B.S

Từ khi trang trại hình thành, mọi công việc đều diễn ra thuận lợi, trang trại cũng dần phát triển và hoàn thiện khiến hai vợ chồng anh Lam không khỏi mừng thầm.

Để tiện cho việc trong nom chăm sóc, anh còn đón thêm mẹ ruột về ở trang trại cùng mình, ít hôm lại ngược đường lên nhà thăm vợ con.

Tâm huyết là vậy, nay bỗng chốc chỉ sau một trận lũ quét tài sản đều mất hết khiến gia đình rơi vào cảnh lao đao.

Được biết diện tích trang trại của anh Lam hiện tại gần 9ha, trong đó có 1ha được đầu tư xây dựng khép kín, kiên cố bằng trụ bê tông và lưới B40; 8ha được xây bán kiến cố phục vụ chăn nuôi.

“Trước khi bị lũ cuốn trôi, trang trại của tôi đang chăm sóc cho hơn 1.000 gia cầm các loại trong đó có 200 con gà Đông Tảo; đàn dê và lợn rừng gần 80 con.

Ngoài ra còn có thêm hồ thả cá và nhiều cây ăn quả. Vậy mà sau cơn lũ quét, chẳng còn lại gì ngoài bình địa”, chỉ tay về một vài con lợn rừng còn sót lại đang kiếm ăn trong đống đổ nát, anh Lam xót xa.

Anh Lam cũng cho biết thêm, dù thiệt hại nặng và còn nhiều khó khăn phía trước nhưng anh sẽ cố gắng khắc phục hậu quả, phục hồi lại trang trại của mình.

Bà Nguyễn Thị Điu kể lại việc con trai phá vách nhà sàn, cõng mẹ chạy lũ. Ảnh: B.S
Bà Nguyễn Thị Điu kể lại việc con trai phá vách nhà sàn, cõng mẹ chạy lũ. Ảnh: B.S

Khó khăn của gia đình anh Lam chỉ là một trong muôn vàn khó khăn mà người dân vùng lũ phải hứng chịu. Cuộc sống người nông dân vốn đã vất vả, sau những trận thiên tai lại càng vất vả nhiều hơn.

Cũng như nhiều người dân bị thiệt hại, những ngày sau lũ là những ngày không thôi suy nghĩ, lo lắng cho chặng đường mưu sinh trong những ngày sắp đến.

“Thiên tai là điều ngoài ý muốn, lũ lớn đã làm bà con thiệt hại, khó khăn nhiều quá. Trước mắt, tôi chỉ mong sao các cơ quan đoàn thể, nhất là phía ngân hàng cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc trả tiền lãi số tiền đã vay vốn đầu tư vào sản xuất bị mưa lũ tàn phá.

Có như vậy, những ngươi dân như chúng tôi mới có cơ hội gây dựng lại từ đầu”, anh Lam chia sẻ mong muốn của mình.

Trao đổi với phóng viên báo GDVN về tình hình sau thiên tai, ông Hồ Xuân Ninh – Phó chủ tịch UBND thị trấn Krông Klang cho biết:

“Do ảnh hưởng của đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua, người dân trên địa bàn thị trấn Krông Klang bị lũ quét cuốn trôi khá  nhiều tài sản, hoa màu. Thiệt hại nặng nhất có trường hợp của gia đình anh Trần Thanh Lam.

Tuy chưa hỗ trợ được cho bà con về vật chất, nhưng trước mắt chính quyền địa phương cũng đã kịp thời thăm hỏi, động viên tinh thần để bà con vượt qua khó khăn ban đầu”.

HOÀNG TUẤN - BẢO SƯƠNG