Sữa Abbott quảng bá thương hiệu trên video thu hút kẻ "ấu dâm"

01/12/2017 07:51
Quế Chi-Diệu Linh
(GDVN) - Hình ảnh sữa Abbott dành cho trẻ em Việt Nam và nhiều nhãn hàng khác xuất hiện liên tục trong nhiều video thu hút kẻ "ấu dâm" trên YouTube gây bức xúc.

Là người yêu thích trẻ con, chị Minh Thư (Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) thường xem các video ngộ nghĩnh của em bé trên YouTube.

Tuy nhiên, khi chuyển xuống phần bình luận, chị Thư không khỏi tá hoả vì các video này tràn ngập comment khiếm nhã, bệnh hoạn về trẻ nhỏ.

Không chỉ chị Thư, bé Bin (5 tuổi) - con chị, cũng thường xem đi xem lại các video này.

Trước mỗi lần xem video, YouTube luôn chạy quảng cáo các nhãn hàng như sữa Abbott. Bé thích xem cả quảng cáo lẫn clip”.

Theo chị Thư, gần đây Bin đã biết đọc. Một lần, phát hiện con bập bẹ đọc các comment nội dung nhạy cảm, từ những kẻ ấu dâm, chị Thư cấm tiệt con sờ đến iPad, hoặc khi xem phải có bố mẹ ngồi bên cạnh.

Video với nội dung, bình luận nhạy cảm như vậy, tại sao Abbott lại chọn quảng cáo”, chị Thư thắc mắc.

Abbott là nhãn sữa chị Thư và nhiều bạn bè lựa chọn cho con nhỏ, vì tín nhiệm chất lượng.

Đồng thời, họ có những những chiến dịch quảng cáo, cùng các diễn viên nhí dễ thương in đậm trong tâm trí người dùng.

Tuy nhiên, trong nửa năm gần đây, hình ảnh sữa Abbott lại xuất hiện tràn ngập trên nhiều nội dung cho trẻ nhỏ trên YouTube, thu hút các bình luận của những kẻ ấu dâm.

Quảng cáo sữa Abbott gây phản ứng bức xúc trong dư luận xã hội.
Quảng cáo sữa Abbott gây phản ứng bức xúc trong dư luận xã hội.

Tại đây, người dùng sẽ xem đoạn video ngắn quảng cáo Abbott cùng video bên dưới có bình luận dung tục, đồng thời banner sữa cũng được quảng bá ở nhiều vị trí.

Những tưởng đó chỉ là sự tình cờ, nhưng liên tục bắt gặp nhiều quảng cáo trên các clip phản cảm.

Chị Hồng Vân (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Qua nhiều chủ đề trên diễn đàn cho phụ nữ được biết rằng sữa Abbott cố tình làm như vậy, để tạo độ phủ của thương hiệu”.

Không chỉ Abbott, nhiều nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực ngân hàng, dầu gội, điện thoại... cũng liên tục xuất hiện tại các clip “bẩn” này.

Theo nhiều phụ huynh, bên cạnh những nội dung hữu ích, YouTube hiện có quá nhiều video có nội dung ấu dâm, bạo lực, không lành mạnh.

Do đó, từng gia đình cần chủ động bảo vệ con em trước những nội dung không phù hợp, tránh để môi trường độc hại đó ảnh hưởng đến tương lai các cháu.

Đồng thời họ kêu gọi phản ứng quyết liệt bằng cách tẩy chay hàng loạt các thương hiệu quảng cáo trên clip không lành mạnh.

Anh Hữu Toàn (Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng đầu năm dư luận đã lên tiếng và mong muốn cơ quan quản lý quyết liệt trong việc quản lý quảng cáo trên YouTube.

Sau đó, báo chí đã thông tin về một số doanh nghiệp bị xử phạt, nhưng đến nay, mọi chuyện lại đâu vào đấy.

Một số thống kê đã cho thấy, nhiều kênh trên YouTube có lượng người theo dõi lớn đã xuất hiện dấu hiệu "lừa gạt" trẻ em.

Bên ngoài là vỏ bọc giải trí, nhưng thực chất nội dung bên trong lại chứa nội dung có tính chất quấy rối. Thậm chí nhiều kết quả tìm kiếm trên YouTube cũng cho ra nhiều gợi ý tìm kiếm có tính chất "ấu dâm".

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra những phản ứng bức xúc trong dư luận vì con em họ vô tình xem những clip "bẩn" trên YouTube.

Trước đó, vào 3/2017 nhiều nhãn hàng lớn đã phải tạm dừng quảng cáo tại YouTube sau khi phát hiện ra các đoạn quảng cáo của họ có thêm cả nội dung phân biệt chủng tộc.

Và bây giờ lại xảy ra chuyện những clip có nội dung "ấu dâm", điều đó gây tác hại không thể lường hết với trẻ nhỏ.

Đầu năm 2017, qua rà soát một phần nội dung trên trang YouTube, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát hiện nhiều video với nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam... 

Đồng thời trên clip có nội dung xấu độc trên YouTube lại xuất hiện quảng cáo của các nhãn hàng đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam, ví dụ như sản phẩm Vaseline, Comfort (Unilever); sản phẩm Pampers, Ariel (P&G); Sendo (FPT), Yamaha… 

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng khẳng định sẽ kiểm tra và xử phạt YouTube do không thực hiện quy định về quảng cáo đối với trang thông tin điện tử xuyên biên giới.

Quế Chi-Diệu Linh