Tùy tiện thu phí ô tô vào ga hàng không, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

20/01/2018 06:09
Vũ Phương
(GDVN) - Theo nhiều chuyên gia, thu phí đối với ô tô vào ga hàng không là cách làm tùy tiện, vi phạm pháp luật.

Thất thu ngân sách Nhà nước 

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, có tới 21/22 cảng hàng không do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý đang thu tiền dịch vụ sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với các ô tô đưa, đón trả khách (không sử dụng dịch vụ trông, giữ xe; chỉ tạm dừng dưới 3-5 phút để đón, trả khách) với mức giá vé lượt 7.000-30.000 đồng và vé tháng từ 600.000 đến 1.650.000 đồng.

Chỉ tính từ ngày 1/10/2012 đến 31/12/2015, tổng doanh thu từ việc thu phí trái quy định trên lên đến trên 550 tỷ đồng. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, số liệu báo cáo của Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho thấy, năm 2014 có khoảng 22.400 ô tô/ngày ra vào sân bay.

Với mức thu thấp nhất là 10.000 đồng/lượt xe, bình quân cảng này thu ít nhất được hơn 220 triệu đồng/ngày, hơn 80 tỷ đồng/năm. Việc thu phí này diễn ra liên tục từ năm 2002 đến nay.

Tùy tiện thu phí ô tô vào ga hàng không, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm ảnh 1Tổng công ty Cảng hàng không bị đề nghị xử lý số tiền trên 3.600 tỷ đồng

Đáng nói, dù Thanh tra Chính phủ đã kết luận về khoản thu phi lí này, tuy nhiên những ngày vừa qua việc thu phí ô tô của tài xế đón trả khách vẫn diễn ra tại sân bay Nội Bài và một số sân bay khác.

Theo kết luận thanh tra, tại thời điểm tháng 4/2016, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đang quản lý, vận hành, khai thác 22 cảng hàng không với doanh thu luôn tăng trưởng nhanh.

Tuy nhiên, giai đoạn 2012-2015, ACV đã không tổ chức đấu thầu mà thực hiện chỉ định thầu cho các tổ chức, cá nhân thuê mặt bằng nhà ga để kinh doanh.

Trong 2 năm (2014 - 2015), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã ký trên 800 hợp đồng cho thuê mặt bằng nhà ga với tổng diện tích 120.221 m2, thu về trên 700 tỷ đồng. Tất cả những trường hợp này đều được thực hiện dưới hình thức chỉ định thầu, không qua đấu thầu, đấu giá công khai.

Mặc dù Luật Đất đai 2013 và Luật Hàng không dân dụng quy định về việc nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng với diện tích đất làm đường giao thông ngoài khu bay, nhưng Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam có trách nhiệm chính trong việc thu không đúng quy định đối với một số giá dịch vụ phi hàng không.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cũng giao các đơn vị trực thuộc thực hiện việc thu phí nhượng quyền khai thác các dịch vụ phi hàng không nhưng không quy định cụ thể, thống nhất về đối tượng, phương pháp tính, mức thu cho từng cảng hàng không.

Từ đó dẫn tới thực tế có 7/22 cảng hàng không, sân bay thu phí nhượng quyền khai thác dịch vụ phi hàng không mang tính tự phát, tự ý định đơn giá thuê, thiếu vai trò quản lý nhà nước và giám sát của Bộ Giao thông vận tải với số tiền thu về trong 2 năm 2014-2015 là gần 103 tỷ đồng.

Ngoài ra, 14/22 cảng hàng không, sân bay thu phí nhượng quyền dịch vụ phi hàng không làm thất thu cho doanh nghiệp và ngân sách nhà nước. Thanh tra Chính phủ khẳng định trách nhiệm thuộc về Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và 21 cảng hàng không.

Nhiều ô tô chỉ vào ga hàng không đón trả khách từ 3-5 phút cũng bị cảng hàng không "đè" ra thu phí mà không biết kêu ai. Ảnh: NQ.
Nhiều ô tô chỉ vào ga hàng không đón trả khách từ 3-5 phút cũng bị cảng hàng không "đè" ra thu phí mà không biết kêu ai. Ảnh: NQ.

Được biết, thời điểm từ năm 2012-2015, Cục trưởng Cục hàng hàng không Việt Nam là ông Lại Xuân Thanh.

Ông Lại Xuân Thanh được ông Đinh La Thăng (thời điểm đó ông Thăng là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải) bổ nhiệm vào tháng 9/2012 – 6/2017.

Hiện, ông Lại Xuân Thanh lại là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam quản lý 22 sân bay trên cả nước. Từ tháng 6/2014 đơn vị này đã chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần, có vốn điều lệ hơn 21.771 tỷ đồng (trong đó cổ phần Nhà nước nắm giữ là 95,4%).

Phải làm rõ có hay không lợi ích nhóm, cá nhân?

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Từ Sỹ Sùa (Khoa Kinh tế - Vận tải, Đại học Giao thông Vận tải) cho rằng: “Sai phạm đối tượng thu, mức thu, quy trình thu tức là anh phải lập tờ trình, trình lên các cơ quan có thẩm duyệt.

Việc khách hàng sử dụng dịch vụ của cảng hàng không phải trả tiền dịch vụ thì không có vấn đề gì, nhưng phải minh bạch, công khai thu phí bao nhiêu là hợp lý với thu nhập của người dân, hay thời gian xe vào bao nhiêu thì áp thu hay miễn phí.

Trong khi đó, ở hầu hết các càng hàng không hiện nay đang áp dụng cứ ô tô vào ga dù 3-5 phút cũng thu phí thì sao không gây bức xúc”.

Phó Giáo sư Sùa cũng cho biết: “Ở nước ngoài như Tây Ban Nha, họ áp dụng thu phí vào ga hàng không bằng việc cộng luôn vào dịch vụ đi taxi chứ không lập barrier, trạm thu phí như nước ta.

Nhưng mức thu phí của họ cộng vào rất thấp so với thu nhập của người dân Tây Ban Nha là rất thấp.

Tùy tiện thu phí ô tô vào ga hàng không, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm ảnh 3

"Di sản" của ông Đinh La Thăng khiến Bộ Giao thông chịu nhiều áp lực

Họ thực hiện giao thông không rào cản, tức anh vào đưa đón người nhà thoải mái, không được thu phí trực tiếp.

Còn sân bay ở nước ta thì làm ngay một cái barrie ở lối dẫn vào nhà ga vừa gây bất tiện, mất thời gian và khó kiểm soát được khoản thu. 

Điều này cho thấy ngành hàng không chưa lấy khách hàng làm trung tâm mà đang tận thu, đưa ra mức phí áp đặt”.

Phó Giáo sư Từ Sỹ Sùa đặt vấn đề, việc thu tiền đó có đảm bảo công khai, minh bạch đúng mục đích hay không?

Nếu như anh thu tiền mà không đầu tư lại để phát triển ngành mà lại vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân nào đó cũng cần làm rõ.

Ông Bùi Danh Liên cho rằng, đối với xe ô tô và đón trả khách 3-5 phút thì không nên thu bởi đường dẫn vào ga hàng không là do nhà nước đầu tư và chỉ nên thu đối với xe gửi tại bãi. Ảnh: Vũ Phương.
Ông Bùi Danh Liên cho rằng, đối với xe ô tô và đón trả khách 3-5 phút thì không nên thu bởi đường dẫn vào ga hàng không là do nhà nước đầu tư và chỉ nên thu đối với xe gửi tại bãi. Ảnh: Vũ Phương. 

Đồng quan điểm, ông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: “Rõ ràng việc thu phí ô tô ra vào nhà ga đưa đón, trả khách theo kết luận thanh tra là sai phạm, vi phạm quy định pháp luật. Việc thu đó là sai.  

Có thể nói sai phạm kéo dài nhiều năm có thể do cách nghĩ cảng hàng không là đơn vị, doanh nghiệp nhà nước nên đề ra quy định vô lý như là mệnh lệnh, còn người dân, lái xe phải tuân thực hiện mà không dám kêu, không biết kêu ai”.

Ông Liên cũng thẳng thắn chỉ ra: “Đường dẫn vào nhà ga, vào sân bay là do Nhà nước đầu tư, chứ không phải vốn từ nguồn BOT, bởi vậy không thể tiếp diễn cảnh thu phí như hiện nay nữa.

Việc cảng hàng không tự đặt ra mức thu phí ô tô vào nhà ga là trái với quy định về phí và lệ phí của Quốc hội.

Việc thu phí đó là rất bậy bạ, như thế khác nào ở cổng làng người ta tự ý đặt barrier, đặt trạm thu phí.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra rất đúng, cảng hàng không phải trả lại số tiền thu trái quy định, phải trả lại cho Nhà nước, cho người dân”.

Về trách nhiệm về mặt quản lý Nhà nước, theo ông Bùi Danh Liên, khó có thể quy trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu bởi khi xảy ra sai phạm lại đổ cho trách nhiệm tập thể. Trách nhiệm để sai phạm kéo dài nhiều năm là thuộc về cơ quan quản lý lĩnh vực này như Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải.

Trách nhiệm của các cá nhân liên quan ra sao, các cơ quan chức năng như Thanh tra Chính phủ cần làm rõ hơn và kết luận.

Ông Bùi Danh Liên cũng đề nghị, cần phải chấm dứt tình trạng này ngay và không thu phí ô tô vào ga đối với trường hợp đưa đón, trả khách. Chỉ nên thu phí và thu mức hợp lý theo quy định pháp luật đối với các trường hợp gửi xe tại bãi.

Vũ Phương