4,5 triệu USD hỗ trợ SGK cho thư viện theo dự án RGEP đã triển khai đến đâu?

08/08/2022 06:40
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục RGEP, phần kinh phí tiền hỗ trợ cho các thư viện của chương trình vùng khó lên đến 4,5 triệu USD.

Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Tài chính, Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội,… về các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần.

Nghiên cứu phương án đề xuất này, một số chuyên gia bày tỏ băn khoăn rằng, trước đây trong dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục RGEP đã có dự toán khoản kinh phí 4,5 triệu USD để cung cấp sách giáo khoa cho các trường vùng khó khăn.

Ảnh minh họa: Lại Cường

Ảnh minh họa: Lại Cường

Cụ thể, theo sổ tay thực hiện dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục (RGEP), tại trang 31, trong mục Tiểu thành phần 2.2 nêu: "...Dự án sẽ hỗ trợ cấp phát sách giáo khoa cho thư viện các trường vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, học sinh khuyết tật, học sinh gia đình thu nhập thấp. Học sinh các trường này sẽ được mượn để sử dụng suốt năm học". Mức dự toán cho khoản này là 4.500.000 USD.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có liên hệ một số giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo để xem chính sách của RGEP đã hỗ trợ sách giáo khoa cho địa phương ra sao.

Theo đó, thầy Nguyễn Văn Đoạt – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho biết, qua rà soát từ khi RGEP được thực hiện, tại Điện Biên chỉ có hoạt động bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý.

Đối với hoạt động hỗ trợ sách giáo khoa thì các địa phương ở vùng khó khăn trên địa bàn Điện Biên chưa được nhận bất kỳ thông tin hỗ trợ nào và cũng chưa nhận được hỗ trợ.

Tại Quảng Trị, các huyện miền núi phía Tây như Hướng Hóa, Đakrông nhiều năm qua việc thiếu sách giáo khoa vẫn là vấn đề nan giải với nhiều nhà trường.

Khi được hỏi về dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục RGEP có kinh phí hỗ trợ sách giáo khoa cho các vùng khó khăn, cô Lê Thị Hương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho biết: “Qua rà soát của Sở thì các trường học trên địa bàn chưa nhận được hỗ trợ sách giáo khoa của dự án RGEP. Chỉ có một số cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán và các tổ trưởng chuyên môn có tham gia tập huấn”.

Thầy Lê Chí Thông - Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Đakrông (Quảng Trị) cũng cho biết, đến thời điểm hiện tại trường cũng chưa thấy có thông báo gì liên quan đến hỗ trợ sách giáo khoa của dự án RGEP.

Cô Mua Thị Hồng Minh - Hiệu trưởng trường Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Đồng Văn (Hà Giang) cho biết, gần 100% học sinh của nhà trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Đến thời điểm hiện tại, nhà trường chưa được nhận hỗ trợ sách giáo khoa về từ dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục RGEP.

Cũng thông tin tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lò Văn Thại - Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tà Tổng (Tà Tổng, Mường Tè, Lai Châu) cho biết, nhà trường chưa nhận được thông tin gì và cũng chưa nhận được phần kinh phí nào về tài trợ sách giáo khoa từ quỹ RGEP.

Trước đó, ngày 22/11/2019, tại buổi họp báo công bố quyết định phê duyệt danh mục 32 sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, bắt đầu từ năm học 2020 – 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phần kinh phí tiền hỗ trợ cho các thư viện của chương trình vùng khó là 4,5 triệu USD cũng đã được Bộ nhắc tới. (1)

Thời điểm đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đang thực hiện đáp ứng đúng đối tượng, xem xét địa phương cần trang bị sách nào cho thư viện để giúp đỡ các em vùng khó có điều kiện mượn sách thay vì phải mua.

Tuy nhiên, thực tế từ địa phương cho thấy, một số Sở, trường ở vùng cao, vùng địa bàn khó khăn vẫn chưa biết đến phần kinh phí hỗ trợ sách giáo khoa của dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục RGEP.

* Tài liệu tham khảo

(1) https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hon-16-trieu-usd-lam-sach-giao-khoa-tieu-vao-nhung-khoan-gi-post204902.gd

Để rộng đường dư luận về phần kinh phí hỗ trợ sách giáo khoa của dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục RGEP, ngày 22/6, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có câu hỏi gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo. Được biết, ngay sau đó, bộ phận chức năng đã chuyển câu hỏi tới Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Tuy nhiên kể từ đó đến nay (8/8/2022), Toà soạn chưa nhận được câu trả lời.

Được biết, Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục tại Quyết định số 455/QĐ-TTg ngày 8/4/2015, sau đó được Chủ tịch nước phê duyệt đàm phán tại Quyết định số 1095/QĐ-CTN ngày 8/6/2015.

Thực hiện Quyết định số 1095/QĐ-CTN ngày 8/6/2015 của Chủ tịch nước, đoàn đàm phán liên ngành gồm đại diện của Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tiến hành thảo luận kỹ thuật và đàm phán với WB về các nội dung tại Hiệp định Tài trợ và các văn kiện pháp lý có liên quan của Dự án RGEP. Xét đề nghị của Chính phủ, Chủ tịch nước đã có Quyết định số 1407/QĐ-CTN ngày 07/7/2016 phê duyệt Hiệp định Tài trợ cho Dự án RGEP.

Theo cam kết tại Hiệp định Tài trợ cho Dự án RGEP, một trong bốn điều kiện hiệu lực (điều kiện để rút được vốn vay ưu đãi) của Hiệp định đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo là cần sự thống nhất với WB phê duyệt Sổ tay thực hiện Dự án, trong đó đặt ra các nguyên tắc, chính sách và thủ tục cho việc thực hiện dự án, bao gồm:

Các thành phần chuyên môn kỹ thuật;

Bộ phận giám sát và đánh giá;

Sự tuân thủ biện pháp bảo vệ môi trường và xã hội;

Các chính sách, thủ tục và yêu cầu của Dự án liên quan đến quản lý tài chính, dòng tiền; quy định về vai trò và trách nhiệm, kiểm soát nội bộ, lưu trữ hồ sơ, báo cáo và kiểm toán;

Hướng dẫn và quy trình, thủ tục, xem xét, phê duyệt đấu thầu phù hợp với các quy định của WB;

Các chỉ số hiệu suất và quy định về sửa đổi theo thời gian với các thỏa thuận trước bằng văn bản của WB.

Sổ tay thực hiện Dự án được biên soạn theo các nội dung trên để các bên liên quan và tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động của Dự án làm căn cứ tổ chức triển khai thực hiện.

Lại Cường