5 điều tâm đắc với Báo – Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam

15/05/2021 06:33
Tiến sĩ Văn Đình Ưng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhân dịp Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tròn 10 tuổi, tôi xin nhiệt liệt chúc mừng thành tích xuất sắc của Tạp chí!

Thấm thoắt đã 10 năm, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động báo điện tử số 748/GP-BTTTT ngày 17/5/2011), nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (thành lập theo Quyết định số 272/QĐ-HH ngày 01/04/2020 của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) - đồng hành cùng Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam (2004 – 2014), nay là Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (từ tháng 12/2014).

Nhân dịp Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tròn 10 tuổi, tôi xin nhiệt liệt chúc mừng thành tích xuất sắc của Tạp chí!

Nhân dịp Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tròn 10 tuổi, tôi xin nhiệt liệt chúc mừng thành tích xuất sắc của Tạp chí!

Là một người phụ trách công tác truyền thông của Hiệp hội, tôi luôn theo sát quá trình thành lập, vượt bao khó khăn và từng bước phát triển của Báo đến nay và được cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên và đông đảo bạn đọc ghi nhận. Kể về hành trình của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thì có thể cả ngày không hết. Tôi có 5 điều tâm đắc với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhân 10 năm xây dựng và trưởng thành.

Một là, tên tờ báo rất ấn tượng, bản thân tên gọi đã nói lên tôn chỉ mục đích của tờ báo.

Tên gọi “Báo điện tử Giáo dục Việt Nam” do Giáo sư Tiến sĩ Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã cân nhắc chọn và đặt.

Tên gọi của tờ báo nói lên khát vọng của những người làm báo giáo dục rằng chúng tôi sẽ dành tất cả tâm huyết, tinh thần và nghị lực vì sự nghiệp đổi mới và kiến tạo một nền giáo dục Việt Nam phát triển lành mạnh, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nhân lực cho đất nước Việt Nam.

Tôi còn nhớ, cách đây chừng 6 – 7 năm, khi uy tín của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bắt đầu lên cao, hầu như các vấn đề giáo dục đào tạo được bàn thảo sôi nổi trên Báo, tới đâu cũng luận bàn về các vấn đề đăng trên Báo.

Nhiều người cho rằng, đó mới chính là tờ báo của ngành giáo dục.

Khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kiến nghị sang Bộ Thông tin và Truyền thông đòi Hiệp hội giao tên gọi “Báo điện tử Giáo dục Việt Nam” trả về cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Khi đó phía Hiệp hội trả lời rằng, chính Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chọn tên gọi “Báo Giáo dục và Thời đại” để đặt cho cơ quan ngôn luận của mình từ mấy chục năm trước kia, mà không có ai chọn tên Báo Giáo dục Việt Nam.

Hiệp hội mới thành lập năm 2004 và năm 2011 thành lập báo thấy tên này hay, phù hợp thì chọn, chứ không phải Hiệp hội tranh giành tên gọi “Báo điện tử Giáo dục Việt Nam” với Bộ. Như vậy không có chuyện Hiệp hội cần trao trả lại tên gọi “Báo điện tử Giáo dục Việt Nam” cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo dục Việt Nam hàng ngày được hàng triệu bạn đọc quan tâm, yêu mến và tìm đọc đã làm nên thương hiệu cho tờ báo, đồng thời cũng nâng cao uy tín của Hiệp hội Các trường Đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam.

Đó cũng là một nguyên nhân thúc đẩy Hiệp hội mở rộng kết nạp các trường đại học, cao đẳng công lập có nguyện vọng làm thành viên của Hiệp hội.

Tháng 12 năm 2014, được phép của Chính phủ, Hiệp hội Các trường Đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam (với hơn 60 hội viên) đã chính thức mở rộng chuyển thành Hiệp hội Các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam, ngôi nhà chung rộng lớn của gần 400 trường đại học, cao đẳng thành viên không phân biệt trường công lập hay ngoài công lập.

Nhà báo Nguyễn Tiến Bình tặng quà Tết cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Tùng Dương

Nhà báo Nguyễn Tiến Bình tặng quà Tết cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Tùng Dương

Hai là, Tổng Biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam còn rất trẻ, nhưng quyết tâm thì rất lớn, dám nghĩ, dám làm.

Nhà báo Nguyễn Tiến Bình sinh năm 1975, từng có nhiều năm công tác tại Báo Công lý - cơ quan của Tòa án nhân dân Tối cao, có chuyên môn vững về luật, có kinh nghiệm làm báo, tổ chức tờ báo, có tâm và có tầm để xây dựng và phát triển tờ báo trong giai đoạn chuyển đổi từ báo giấy sang báo điện tử.

Trong đề án xây dựng và phát triển Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, có lần Nhà báo Nguyễn Tiến Bình tâm sự với tôi: “Em tình nguyện về với các thầy ở Hiệp hội vì trước hết em rất kính nể các thầy, hầu hết các thầy đều kinh qua công tác lãnh đạo, quản lý ngành giáo dục đào tạo, có những điều tâm huyết mà các thầy chưa hoàn thành, chưa làm được thì các thầy muốn thông qua tổ chức Hiệp hội để tác động vào thực tế, góp phần phát triển sự nghiệp đổi mới giáo dục nước nhà.”

Nhà báo Nguyễn Tiến Bình tặng quà Tết cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Tùng Dương

Nhà báo Nguyễn Tiến Bình tặng quà Tết cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Tùng Dương

Về tầm nhìn trong phát triển báo chí ngay từ những năm đầu thế kỷ XXI, Tổng biên tập Nguyễn Tiến Bình tâm sự: “Chắc chắn báo điện tử sẽ chiếm ưu thế, vì vậy đề án xin thành lập báo của Hiệp hội phải là tờ báo điện tử. Muốn báo điện tử nhanh chóng lớn mạnh thì phải đầu tư công nghệ tiên tiến.

Có công nghệ tiên tiến là cần thiết, nhưng chưa đủ, để tờ báo chiếm được cảm tình của bạn đọc thì phải có nhiều tin bài thiết thực, hấp dẫn, đáp ứng sự quan tâm của bạn đọc, mà trước hết độc giả là hàng triệu thầy cô giáo, học sinh, sinh viên.

Bác Hồ dạy những người làm báo rất dễ hiểu, cần phải đặt và trả lời câu hỏi: “Viết cái gì? Viết cho ai? Viết thế nào? Để có được nhiều tin bài hay, thiết thực phải có lực lượng phóng viên giỏi, biên tập viên và cộng tác viên giỏi, những người giỏi phải được trả công xứng đáng.

Ai cũng biết điều này, nhưng làm thế nào là bài toán khó. Tuy nhiên chúng em đã có tính toán, cân nhắc đầu tư thỏa đáng để từng giai đoạn đưa tờ báo phát triển đúng hướng.

Về mặt chuyên môn, báo sẽ bám chắc sự chỉ đạo của các thầy lãnh đạo Hiệp hội. Về đầu tư tài chính, nhất định phải đầu tư đủ mạnh, chúng em dự tính sau 3-4 năm đầu Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ cân đối để lấy thu bù chi, sau đó trả khoản vay đầu tư ban đầu.

Từ năm 2015 sẽ có nguồn thu đủ lớn để trả nợ khoản đầu tư ban đầu và tự phát triển vững mạnh.”

Thực tế diễn ra đúng như dự tính của Tổng Biên tập. Cuối năm 2014 Báo đã cơ bản lấy thu bù chi. Những năm 2014 – 2020 Báo điện tử Giáo dục Việt Nam luôn có lượng truy cập thuộc top 10 báo điện tử hàng đầu của Việt Nam.

Thực hiện Quy hoạch Báo chí, từ 1/4/2020 Báo điện tử Giáo dục Việt Nam được chuyển đổi thành Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, tất nhiên cũng có giảm, nhưng Tạp chí đang tìm tòi giải pháp và đổi mới để phát triển mạnh mẽ hơn.

Các cuộc Hội thảo do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh cả nước. (Ảnh: Trung Dũng)

Các cuộc Hội thảo do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh cả nước. (Ảnh: Trung Dũng)

Ba là, Báo tổ chức đội ngũ tinh gọn, có mạng lưới cộng tác viên sắc sảo, biết cách quan tâm động viên các chuyên gia giỏi của ngành giáo dục đào tạo bám sát đời sống giáo dục, chuyển tải được những điều trăn trở, những ý kiến tâm huyết về đổi mới giáo dục đào tạo của đội ngũ cán bộ giáo viên, phụ huynh học sinh và toàn xã hội.

Có lần Tổng biên tập Nguyễn Tiến Bình tâm sự: “Em rất nể các thầy, em có đề nghị điều kiện tiên quyết là được tuyển chọn cán bộ phóng viên của báo theo tiêu chí phải có tâm có tài.

Không thể vì con cháu người này người khác (nhưng không đủ năng lực làm báo) vẫn bắt em nhận về thì rất khó cho báo.

Về tin bài đăng tải trên báo thì Tổng Biên tập và Ban Biên tập chịu trách nhiệm trước pháp luật, mà cụ thể là tuân thủ Luật Báo chí, các thầy yên tâm, không nên vì người này người kia mà yêu cầu báo rút tin bài một cách vô lý.”

Các thầy trong ban lãnh đạo Hiệp hội luôn tôn trọng điều này, các thầy rất bản lĩnh, không có áp lực gì và luôn tạo điều kiện để báo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hiệp hội đã nhiều lần tặng Bằng khen cho Báo. Đợt kỷ niệm 10 năm thành lập báo cũng có 8 cán bộ phóng viên đạt thành tích cao được Chủ tịch Hiệp hội tặng Bằng khen.

Bốn là, Báo thường xuyên phối hợp với Khoa Báo của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, với Hội Nhà báo Việt Nam để tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho phóng viên trẻ, phóng viên muốn nâng cao tay nghề.

Những nội dung bồi dưỡng rất thiết thực, góp phần nâng cao kiến thức, kinh nghiệm làm báo hiện đại cho đội ngũ nhà báo trẻ.

Một số phóng viên, kể cả cán bộ quản lý trưởng thành từ Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có nhu cầu chuyển đến cơ quan báo khác đều được Tổng Biên tập và cơ quan chủ quản Hiệp hội tạo điều kiện phát triển.

Các nhà báo này đều thể hiện năng lực làm báo tốt và được cơ quan báo chí ghi nhận.

Có thể nói, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam không chỉ là cơ quan truyền thông, mà còn là đơn vị góp phần tích cực trong công tác bồi dưỡng kỹ năng báo chí cho một bộ phận nhà báo trẻ.

Hàng năm có nhiều sinh viên báo chí xin về Báo thực tập, sau khi tốt nghiệp cũng muốn được tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do Báo tổ chức. Đó là niềm tự hào và hạnh phúc của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Hội thảo Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng 4.0 đã truyền cảm hứng cho đông đảo học sinh cả nước. Ảnh: Trung Dũng

Hội thảo Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng 4.0 đã truyền cảm hứng cho đông đảo học sinh cả nước. Ảnh: Trung Dũng

Năm là, Tổ chức bộ máy cơ quan báo chí của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rất gọn nhẹ và bài bản, có cả Chi bộ, có cả Công đoàn cơ sở, có Chi hội nhà báo.

Hoạt động báo chí không những có sự lãnh đạo của cơ quan chủ quản là Hiệp hội Các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam mà còn chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông, sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, có sự giám sát của tổ chức Đảng, Công đoàn, Chi hội nhà báo tại cơ quan Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Có vụ việc gì vướng mắc thì không những Tổng biên tập mà còn có cả Chi bộ, Công đoàn cơ quan vào cuộc bàn bạc, giải quyết thấu tình đạt lý.

Hàng năm Lãnh đạo các tổ chức của Báo có kế hoạch tổ chức cho cán bộ phóng viên và gia đình đi tham quan, nghỉ dưỡng để bồi dưỡng sức khỏe và tạo không khí đoàn kết trong cơ quan đơn vị.

Nhân dịp Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tròn 10 tuổi, tôi xin nhiệt liệt chúc mừng thành tích xuất sắc của Tạp chí!

Chúc Đồng chí Tổng Biên tập và toàn thể Ban Biên tập cùng các cộng tác viên của báo, của Tạp chí dồi dào sức khỏe, thật nhiều năng lượng tích cực được tích hợp trong 10 năm qua để biến thành năng lượng mới tiếp tục phát triển tờ báo – tạp chí vững mạnh, hiện đại, ngang tầm nhiệm vụ của Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam và đáp ứng lòng mong đợi của hàng triệu cán bộ giáo viên, hàng chục triệu học sinh, sinh viên và phụ huynh cả nước.

Do dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, để bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch, kế hoạch lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam dự kiến tổ chức ngày 18/5 tạm hoãn và sẽ được tổ chức vào một thời điểm thích hợp. Ban Biên tập trân trọng cảm ơn sự đồng hành của các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Tòa soạn qua các thời kỳ, đồng thời Tòa soạn cũng xin được bày tỏ niềm tri ân đặc biệt với tình cảm yêu mến, ủng hộ của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, các cộng tác viên và quý bạn đọc gần xa. Giáo dục Việt Nam mong muốn luôn nhận được sự quan tâm, góp ý để chúng tôi phục vụ độc giả ngày một tốt hơn. Trân trọng!

Tiến sĩ Văn Đình Ưng