5 loại vũ khí Mỹ làm Nga lo ngại: tàu ngầm lớp Ohio là hạt nhân răn đe

19/01/2015 09:02
Việt Dũng
(GDVN) - Sau tầm ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio là máy bay ném bom tàng hình B-2, máy bay chiến đấu F-22 Raptor, hệ thống phòng thủ tên lửa và các đồng minh của Mỹ.
Cụm tấn công tàu sân bay Mỹ (ảnh minh họa)
Cụm tấn công tàu sân bay Mỹ (ảnh minh họa)

Trang mạng nguyệt san "The National Interest" Mỹ ngày 14 tháng 1 đăng bài viết "5 loại vũ khí chiến tranh Mỹ làm Nga phải lo ngại" của tác giả Zachary Keck. Sau đây là nội dung cơ bản của bài viết:

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô tranh giành địa vị bá chủ toàn cầu. Mặc dù loại tranh giành này thường diễn ra bằng hình thức chiến tranh ủy nhiệm, nhưng hai siêu cường này tập trung vào suy nghĩ - một cuộc chiến tranh trực tiếp giữa hai bên sẽ triển khai như thế nào.

Sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh đã làm giảm rất lớn khả năng nổ ra xung đột giữa Nga-Mỹ, kho vũ khí hạt nhân quy mô lớn của họ làm cho hai bên càng không thể khai chiến. Tuy nhiên, thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh hoàn toàn không báo hiệu sự kết thúc của chính trị nước lớn, cũng không mang lại bất cứ cục diện nào để Nga-Mỹ phát triển theo hướng liên minh.

Quan hệ song phương vẫn tồn tại cục diện căng thẳng nghiêm trọng và liên tục, hơn nữa tình hình này những năm gần đây trầm trọng thêm rõ rệt. Vì vậy, các nhà chiến lược Mỹ và Nga tiếp tục xây dựng kế hoạch chiến tranh nhằm vào nhau.

Trong nỗ lực này, các nhà chiến lược quân sự Nga buộc phải ứng phó với vị thế bá chủ công nghệ không ngừng tăng cường của Mỹ trên rất nhiều lĩnh vực, trong đó có 5 loại vũ khí quan trọng nhất trong suy nghĩ của họ:

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio Hải quân Mỹ
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio Hải quân Mỹ

1. Tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio

Bất cứ phân tích nào đối với sự cân bằng quân sự giữa Mỹ-Nga đều phải bắt đầu từ kho vũ khí hạt nhân của hai nước.

Hạt nhân răn đe chiến lược của Mỹ là tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio. Trong "3 xe ngựa" vũ khí hạt nhân của Mỹ, 14 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio đã đem lại "năng lực tấn công hạt nhân có năng lực sống sót mạnh nhất và lâu dài nhất" cho nước này. Hàng năm, mỗi chiếc tàu ngầm có khoảng 68% thời gian trực chiến trên biển, mỗi lần trực chiến trên biển 77 ngày, 35 ngày sau đó tiến hành bảo trì ở trong cảng.

Mỗi chiếc tàu ngầm mang theo 24 quả tên lửa đạn đạo Trident-II D5 và 4 quả ngư lôi MK48. Tên lửa đạn đạo Trident-II do Công ty Lockheed Martin chế tạo nhằm thay thế tên lửa Trident-I C4. Tên lửa này phân thành 3 lớp, sử dụng nhiên liệu đẩy thể rắn và dẫn đường quán tính, tầm bắn trên 4.000 hải lý.

Máy bay ném bom chiến lược B-52 và B-2 Mỹ
Máy bay ném bom chiến lược B-52 và B-2 Mỹ

2. Máy bay ném bom tàng hình B-2

Khi tình hình Ukraine căng thẳng, Mỹ từng điều tới châu Âu 2 máy bay ném bom B-2 thực hiện một nhiệm vụ hành trình ngắn. Mặc dù Không quân Mỹ tuyên bố mục đích của họ chỉ là triển khai huấn luyện với đồng minh châu Âu, nhưng hành động này truyền đi thông điệp với Nga rất rõ ràng.

Trên thực tế, sự "tích hợp mang tính cách mạng của công nghệ tàng hình, hiệu suất khí động học cao và tải trọng lớn" làm cho máy bay ném bom B-2 Spirit có ưu thế to lớn so với các máy bay ném bom hiện có (như máy bay ném bom B-52). Vì vậy, nếu giữa Nga-Mỹ xảy ra chiến tranh, nó hầu như chắc chắn là một bộ phận không thể thiếu.

Máy bay ném bom B-2 còn có hành trình gây ấn tượng sâu sắc. Căn cứ vào số liệu của nhà thầu chính máy bay ném bom này - Công ty Northrop Grumman, trong tình hình đổ đầy nhiên liệu 167.000 pound (khoảng 75,7 tấn), mỗi chiếc máy bay ném bom có thể bay khoảng 6.000 hải lý mà không cần tiếp dầu.

Máy bay ném bom B-2 còn có khả năng tải trọng cao. Mỗi máy bay ném bom có thể mang theo 20 tấn vũ khí thông thường hoặc hạt nhân, tấn công những công trình có giá trị cao của kẻ thù.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor Mỹ tham gia không kích IS (ảnh tư liệu)
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor Mỹ tham gia không kích IS (ảnh tư liệu)

3. Máy bay chiến đấu F-22 Raptor

Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor sẽ xuất hiện độc lập ở bất cứ tiền tuyến nào trong chiến tranh Mỹ-Nga

Máy bay chiến đấu này "kết hợp các yêu cầu như thiết kế tàng hình, tốc độ siêu âm, tính cơ động cao, 2 động cơ và cự ly hoạt động liên tục xa". Mục đích thiết kế của máy bay chiến đấu này là thay thế máy bay chiến đấu F-15 ngày càng lão hóa của Mỹ. Tuy nhiên, khác với máy bay chiến đấu F-15 và máy bay khác, F-22 là máy bay chiến đấu có năng lực sống sót cao, có thể đồng thời thực hiện nhiệm vụ tác chiến không đối không và không đối đất. Máy bay chiến đấu này còn có thể thực hiện rất nhiều nhiệm vụ khác, bao gồm "thu thập tin tức tình báo, theo dõi, trinh sát và tấn công điện tử".

Loại máy bay chiến đấu này có tính cơ động cao, đặc biệt là nó có thể đạt tốc độ 1,5 Mach trong tình hình không dùng tới buồng đốt nhiên liệu phụ, những điều này đều đã tăng cường tính năng tàng hình của nó.

Trong bất cứ cuộc xung đột nào với Nga, mục đích chủ yếu của máy bay chiến đấu F-22 đều là "phá cửa xâm nhập", tạo nên địa vị ưu thế trên không của Mỹ. Là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, F-22 sẽ phát huy vai trò đặc biệt quan trong trên phương diện đánh bại máy bay chiến đấu Su-35S hiệu quả cao của Nga.

Chính như một bài viết của Dave Majumdar trên báo này chỉ ra, "đối với bất cứ máy bay chiến đấu nào của Mỹ, máy bay chiến đấu Su-35 đều là đối thủ cực kỳ nguy hiểm, máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor của Công ty Lockheed Martin là một ngoại lệ".

Tên lửa đánh chặn SM-3 Mỹ
Tên lửa đánh chặn SM-3 Mỹ

4. Hệ thống phòng thủ tên lửa

Tuyệt đại bộ phận vũ khí hạt nhân của Nga đều lắp ở tên lửa đạn đạo, đặc biệt là ở tên lửa đạn đạo mặt đất. Vì vậy, hệ thống phòng thủ tên lửa đã tạo ra triển vọng gây đau khổ cho Nga.

Nga đặc biệt cảm thấy tức giận đối với chương trình triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu. Cho dù nhìn kế hoạch này từ bề ngoài là nhằm ứng phó với năng lực tên lửa đạn đạo của Iran. Trong thời gian chính quyền Obama cầm quyền, hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực chiến lược của châu Âu đã áp dụng "phương án thích ứng phân giai đoạn".

Nói một cách cụ thể, Mỹ sẽ dựa vào nhiều tàu chiến hơn trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển Aegis và căn cứ phòng thủ tên lửa Aegis mặt đất ở Romania và Ba Lan, ứng phó với 50 quả tên lửa đạn đạo tầm trung và ngắn.

Đây là một phần của phương án phòng thủ tên lửa đạn đạo "phân cấp", phương án này còn bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa của bản thân NATO, cùng với hệ thống phòng thủ tên lửa đoạn giữa mặt đất dùng để bảo vệ lãnh thổ Mỹ. Hệ thống phòng thủ tên lửa bảo vệ lãnh thổ Mỹ sử dụng hệ thống tiêu diệt mặt đất tiến hành đánh chặn đoạn giữa khi tên lửa đạn đạo chiến lược đang bay, phần cốt lõi là 30 vũ khí đánh chặn của Mỹ hiện nay triển khai ở California và Alaska.

Đến năm 2017, con số này sẽ tăng lên 44 quả, trong đó 14 quả vũ khí đánh chặn kiểu mới áp dụng một phiên bản nâng cấp tăng cường. Điều đáng chú ý là, Mỹ đang cân nhắc triển khai nhiều vũ khí đánh chặn hơn ở bờ biển phía đông nước này.

Nga cho rằng, những hệ thống phòng thủ tên lửa này sẽ vô hiệu hóa răn đe chiến lược của Nga, từ đó phá vỡ cân bằng hạt nhân. Mỹ chỉ rõ, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ mãi mãi không thể đối phó kho tên lửa khổng lồ của Nga. Tuy nhiên, quan điểm này là giả thiết Nga sẽ phát động tấn công đánh đòn phủ đầu đối với Mỹ hoặc đồng minh.

Trong khi đó, điều mà Nga lo ngại là, hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ làm cho Mỹ tin tưởng hơn cho rằng, Mỹ có thể tiến hành tập kích đánh đòn phủ đầu và phá hủy kho vũ khí hạt nhân của Nga, hơn nữa hệ thống phòng thủ tên lửa có thể đối phó bất cứ tên lửa nào chưa bị phá hủy trong cuộc tấn công ban đầu. Ngoài ra, hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay có thể mở rộng trong tương lai.

Máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Na Uy đánh chặn máy bay chiến đấu ném bom Su-34 Nga ở cự ly rất gần
Máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Na Uy đánh chặn máy bay chiến đấu ném bom Su-34 Nga ở cự ly rất gần

5. Đồng minh của Mỹ

Về ý nghĩa truyền thống, mặc dù mạng lưới đồng minh toàn cầu của Mỹ hoàn toàn không phải là một loại "vũ khí", nhưng nó sẽ tăng cường rất lớn năng lực phát động chiến tranh đối với Nga. Vì vậy, Nga liệt NATO (chứ không phải Mỹ) là mối đe dọa an ninh lớn nhất đã cho thấy vấn đề.

Trước hết, các đồng minh đã cung cấp căn cứ triển khai tuyến đầu cho Quân đội Mỹ, trong đó rất nhiều căn cứ nằm ở xung quanh Nga. Từ NATO ở châu Âu đến Ủy ban hợp tác các nước Ả rập vùng Vịnh ở Trung Đông và Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines ở châu Á, Mỹ đã bao vây Nga.

Những căn cứ này không chỉ sẽ rút ngắn khoảng cách đánh chớp nhoáng của Quân đội Mỹ, từ đó tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ, mà còn có thể giúp Mỹ có khả năng tấn công Nga từ 4 phương 8 hướng.

Sức mạnh quân sự của bản thân các đồng minh của Mỹ cũng tạo ra mối đe dọa đối với Nga. Ngoài một số trường hợp ngoại lệ như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, các nước có chi tiêu quân sự đứng hàng đầu trên thế giới phần lớn là đồng minh của Mỹ.

Mặc dù Mỹ dồn dập chỉ trích chi tiêu quốc phòng của các thành viên NATO không đủ, nhưng cho dù không có Mỹ, chi tiêu quốc phòng hàng năm của NATO cũng gấp khoảng 3 lần Nga. Điều này còn chưa tính tới các nước khác như Nhật Bản, chi tiêu quân sự của bản thân Nhật Bản cũng đã vượt một nửa của Nga.

Tàu khu trục tên lửa USS Donald Cook Mỹ vừa tham gia cuộc tập trận chung với tàu chỉ huy UKRS Hetman Sahaidachny của Hải quân Ukraine ở Biển Đen
Tàu khu trục tên lửa USS Donald Cook Mỹ vừa tham gia cuộc tập trận chung với tàu chỉ huy UKRS Hetman Sahaidachny của Hải quân Ukraine ở Biển Đen
Việt Dũng