Để “cửa” cho người dân mưu sinh

22/04/2013 09:07
Nguyễn Khuyên
(GDVN) - Tháng 7/ 2008, Hà Nội đã cấm bán hàng rong tại 62 tuyến phố và 48 di tích lịch sử. Đến nay, nhiều tuyến phố trong địa bàn thành phố đã không còn xuất hiện những gánh hàng rong, hay những quán nước bên vỉa hè. Thế nhưng, muốn "làm sạch" vỉa hè thì trước hết phải tạo điều kiện cho những người đang sống nhờ vào đó có nơi buôn bán khác.
Vỉa hè” nguồn sống của nhiều người dân

Tìm lại trật tự cho thành phố là điều tất cả mọi người nên làm, quang cảnh Thành phố đẹp hơn, văn minh, lịch sự. Thế nhưng, cuộc sống của người dân không công việc, không nghề sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Đường phố Thủ Đô trước Tết Nguyên Đán 2013, nhiều quán nước, quán ăn sáng mọc lên. Đó cũng chính là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình từ các tỉnh lẻ lên Hà Nội kiếm sống.

Ngay sau quyết định bãi bỏ việc sử dụng vỉa hè làm nơi buôn bán được phát đi đã nhận được sự phản ứng trái chiều từ phía người dân, những người đang ngày ngày "bán mặt cho đường, bán lưng cho vỉa hè" để kiếm sống.

Người dân sử dụng vỉa hè để bán nước
Người dân sử dụng vỉa hè để bán nước
Nhiều người cho rằng, việc cấm sử dụng vỉa hè, chẳng khác gì cướp miếng cơm manh áo của họ. Cô Nguyễn Thị Vinh (Cổ Nhuế- Từ Liêm) bức xúc nói “Bốn miệng ăn trông chờ vào quán bún chả sáng giờ cấm thế này thì chỉ nước kéo nhau đi ăn mày”.

Anh Bùi Huy Tuấn (Thanh Hóa) chia sẻ : Hai vợ chồng xa quê lên Hà Nội lập nghiệp, mức sinh hoạt cho 4 miệng ăn cao nên vợ tôi bán hàng nước trước cửa để có thêm đồng ra đồng vào. Nhà chật, tôi sử dụng một phần vỉa hè làm chỗ để xe, khách đến sửa xe cũng thích ngồi ngoài vỉa hè uống nước. Giờ mà cấm sử dụng vỉa hè, không biết sắp tới cuộc sống của chúng tôi sẽ ra sao vì cả hai vợ chồng không có trình độ, nghề nghiệp gì mà còn phải lo cho 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi học".

Trên thực tế có không ít người dân Hà Nội hiện đang phải sống nhờ vào vỉa hè. Chị Phạm Thu Vân (Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Chồng tôi làm công nhân, lương ba cọc ba đồng. Tôi cũng chẳng có nghề nghiệp gì nên xoay ra bán bánh mỳ ở đầu ngõ. Mỗi ngày tủ bánh đó cũng giúp gia đình thêm thu nhập để lo tiền ăn, tiền điện, học phí, sách vở cho 2 đứa con. Tôi biết, việc chúng tôi cứ bám lấy vỉa hè để kiếm sống gây ảnh hưởng đến văn minh đô thị nhưng vì miếng cơm manh áo nên chẳng thể làm khác được".

Sinh viên nhiều bạn có hoàn cảnh gia đình đặc biệt muốn sống tự lập nên bỏ vốn chung nhau làm kinh tế. Các bạn sử dụng vỉa hè gần chợ, trường học để bán những bộ quần áo, đôi dép…Gio thì mất đi khả năng tự lập,  Linh Chi (Sinh viên năm cuối ĐHSPI) bực giọng nói : “Sinh viên nghèo như chúng mình, phải tự lo cho bản thân, giờ khả năng đó không còn nữa thì biết làm gì mà kiếm sống, trong khi đó hàng hóa lấy về từ trước biết bán cho ai nữa”.


"Bám trụ" lấy vỉa hè để mưu sinh.

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên giám đốc Nhà xuất bản Giao thông tỏ ra thông cảm: "Ai cũng muốn đi trên con đường thênh thang rộng rãi, nhưng vì cuộc sống nên họ buộc phải ra đường để buôn bán. Nếu cấm thì cũng chỉ cấm một tỉ lệ nào đó thôi, chỗ nào dòng xe vẫn đi lại thoải mái được thì nên để "cửa" cho người dân mưu sinh".

Càng ngày càng nhiều người "bám trụ" lấy vỉa hè để mưu sinh. Họ có thể là những người xe ôm, bán hàng nước, hàng ăn, quần áo... Do vậy, việc cấm kinh doanh trên vỉa hè sẽ tác động đến đời sống của hàng vạn gia đình, chủ yếu là người nghèo.

"Chúng ta có rất nhiều lực lượng thanh tra, thanh tra giao thông, thanh tra nhà đất, thanh tra trật tự xã hội, cảnh sát khu vực tham gia nhưng việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm không thường trực, dẫn đến việc người dân "nhờn" luật.

Một trong số nhiều tuyến phố của Thủ Đô cấm sử dụng vỉa hè để buôn bán
Một trong số nhiều tuyến phố của Thủ Đô cấm sử dụng vỉa hè để buôn bán
Cần phải làm rõ trách nhiệm của những người được giao quyền thanh tra xử lý vi phạm để tránh những hiện tượng tiêu cực. Người dân thấy rất rõ những tiêu cực này, ví dụ như việc có nộp tiền thì cho sử dụng một thời gian và được thông báo trước khi kiểm tra. Đó là điều bất cập (TS Đào Ngọc Nghiêm, phó chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc Hà Nội khẳng định).

Cô Vinh cho biết thêm: “Thanh tra Giao thông đi tuần suốt ngày, nhưng cứ hở ra là chúng tôi bán. Giờ không buôn bán thì lấy gì nuôi con cái ăn học. Nhiều khi vừa dọn hàng ra đã bị thanh tra đi tuần tịch thu hết, hai vợ chồng tiếc của thời gian đầu không bán trác gì nữa. Cuộc sống bất lực quá”.
Việc cấm người dân sử dụng vỉa hè để buôn bán là đúng với sự phát triển cảnh quanh đô thị. Nhưng cần có một hướng phát triển mới để người lao động có công việc kiếm thêm thu nhập, hạn chế tình trạng thất nghiệp trong xã hội. 
Nguyễn Khuyên