Ai dìu dắt Tổng công ty Sông Hồng đi đến hồi nợ nần, yếu kém?

11/04/2014 10:37
Vững Hoàng
(GDVN) - Chậm thanh toán tiền cho đơn vị thi công, né tránh trách nhiệm bảo lãnh vay vốn là những vụ “bê bối” nổi cộm của Tổng công ty Sông Hồng.

Khó khăn "chồng chất" khó khăn

Như Báo Giáo dục Việt Nam đã đưa tin về việc Tổng Công ty cổ phần Sông Hồng đang ngày một khó khăn vì sống trong cảnh nợ nần. Lật lại quá khứ, Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng tiền thân là Công ty Kiến trúc Việt Trì được Bộ Kiến trúc thành lập ngày 23/8/1958 (nay thuộc Bộ Xây dựng quản lý).

Quá khứ Sông Hồng từng là đơn vị sản xuất kinh doanh tiên tiến, đến tháng 5/2010, Tổng công ty Sông Hồng chuyển từ Tổng công ty 100% vốn Nhà nước, trở thành Tổng công ty cổ phần với phần vốn Nhà nước nắm giữ là 73,2%.

Sau thời điểm cổ phần hóa, đơn vị này đã nợ lũy kế 121,6 tỷ đồng cùng với đó lợi nhuận trước thuế hợp nhất của toàn công ty năm 2011 chỉ đạt 2 tỷ đồng, năm 2012 chỉ đạt 5,1 tỷ đồng, một con số khiêm tốn.

Tổng Công ty CP Sông Hồng đang lâm vào tình cảnh khó khăn
Tổng Công ty CP Sông Hồng đang lâm vào tình cảnh khó khăn

Nguyên nhân Sông Hồng hoạt động kém hiệu quả, theo đánh giá của ông Đặng Tiên Phong, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Sông Hồng là do Sông Hồng đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cho khoản đầu tư vốn góp tại một số công ty cổ phần hoạt động bị thua lỗ trong nhiều năm như: Công ty CP Sông Hồng số 6; Công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Sông Hồng; Công ty CP Sông Hồng số 36; Công ty CP Sông Hồng Đà Nẵng và Công ty CP Thép Sông Hồng.

Theo thông tin từ Ngân hàng SHB, ngày 4/4/2011 Tổng công ty CP Sông Hồng đã ký thư bảo lãnh vay vốn số 435/TCT-TCKT với SHB. Theo đó, Tổng công ty CP Sông Hồng cam kết bảo lãnh cho Công ty CP Thép Sông Hồng trong việc vay vốn tại SHB chi nhánh Hà Nội với tổng hạn mức 100 tỷ đồng.

Theo thư bảo lãnh này, Tổng công ty CP Sông Hồng hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về nghĩa vụ tài sản có liên quan đến nghĩa vụ bảo lãnh vay vốn của Công ty CP Thép Sông Hồng trong phạm vi và nội dung của bảo lãnh và cam kết. Nếu đến kỳ hạn trả nợ (nợ gốc, lãi và phí nếu có) mà Công ty CP Thép Sông Hồng không trả được nợ hoặc không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết với SHB thì Tổng công ty CP Sông Hồng có trách nhiệm trả thay số tiền đến hạn hoặc thực hiện ngay các nghĩa vụ đã cam kết với SHB.

Sau khi nhận được thư bảo lãnh, SHB Hà Nội đã tiến hành thủ tục cho Công ty CP Thép Sông Hồng vay 100 tỷ đồng. Khoản vay trên đã quá hạn từ tháng 11/2011 và phía Công ty CP Thép Sông Hồng không có khả năng chi trả cả gốc và lãi.

SHB Hà Nội đã có nhiều công văn gửi Tổng công ty CP Sông Hồng yêu cầu thực hiện nghĩa vụ theo Thư bảo lãnh số 435/TCT-TCKT và có nhiều buổi làm việc yêu cầu phía Tổng công ty CP Sông Hồng thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho Công ty CP Thép Sông Hồng.

Tuy nhiên, phía Tổng công ty CP Sông Hồng luôn né tránh trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Do đó, ngày 5/4/2013, chi nhánh SHB Hà Nội đã thực hiện tạm giữ số tiền trên 22,794 tỷ đồng trong tài khoản của Tổng công ty CP Sông Hồng mở tại SHB nhằm yêu cầu tổng công ty thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Phải sau nhiều lần gửi công văn qua lại cuối cùng Ngân hàng SHB Hà Nội phải gửi hồ sơ kiện Tổng công ty CP Sông Hồng do vi phạm Thư bảo lãnh Số 435/TCT-TCKT tại Tòa án Nhân dân quận Tây Hồ (Hà Nội) và được Tòa thụ lý ngày 15/5/2013.

Sau đó lãnh đạo Tổng công ty Sông Hồng đã phải làm việc với Ngân hàng SHB Hà Nội, tại buổi làm việc này, lãnh đạo Tổng công ty CP Sông Hồng đã cam kết đưa ra các giải pháp thực hiện trách nhiệm bảo lãnh đối với khoản vay nợ tại Công ty CP Thép Sông Hồng. Để tháo gỡ khó khăn cho Công ty CP Xây dựng Sông Hồng, Tổng Công ty Sông Hồng kiến nghị đối với SHB giải tỏa số tiền 22,794 tỷ đồng đang được tạm giữ trên tài khoản của Tổng công ty Sông Hồng chuyển cho Công ty CP Xây dựng đô thị Sông Hồng. Sau đó Ngân hàng SHB Hà Nội đã giải tỏa số tiền này.

Một trường hợp khác đó là việc Công ty TNHH Ân Trường Nguyên có trụ sở tại số 126 Bùi Dương Lịch, phường Quán Bàu (TP. Vinh, Nghệ An) khởi kiện Tổng Công ty CP Sông Hồng về việc Tổng công ty CP Sông Hồng chưa thanh toán hết số tiền hơn 400 triệu đồng cho đơn vị thi công.

Cụ thể tháng 7/2008, giữa Công ty TNHH Ân Trường Nguyên ký hợp đồng kinh tế số 16HĐ - KT/2008 với chi nhánh Miền Trung – Tổng Công ty CP Sông Hồng do ông Nguyễn Thạc Phúc làm giám đốc.

Chi nhánh trên dự toán được lập ngày 5/7/2008 và ký trọn gói theo dự toán về việc: Chế tạo lắp dựng kết cấu bằng thép dầm mái công trình Đình chính chợ Vinh, với 4 hạng mục gồm: Giá trị mái che cửa trời, giá trị mái chính, giá trị 4 khung chữ V, giá trị 18 khung treo dầm với tổng giá trị hợp đồng tạm tính là 2.015.000.000 đồng.

Năm 2009, Công ty TNHH Ân Trường Nguyên tiến hành thi công thêm hạng mục sản xuất, lắp đặt lan can giếng trời, cầu thang các loại công trình Đình chính chợ Vinh cho chi nhánh Miền Trung, giá trị khối lượng hoàn thành đạt 283.730.200 đồng. Sau khi cộng thêm thuế VAT 10% thì tổng giá trị thực hiện sau thuế của toàn bộ công trình là 2.556.254.000 đồng. 

Thế nhưng đến nay, công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng được hơn 40 tháng và đã hết thời gian bảo hành hơn 28 tháng. Tuy nhiên, Tổng Công ty CP Sông Hồng mới thanh toán số tiền 2.150.000.000 đồng. Còn 406.254.000 đồng tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được trả.

Ai phải chịu trách nhiệm?

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, trên hệ thống ngân hàng tính đến ngày 31/3/2014, Tổng công ty Sông Hồng dư nợ tại Ngân hàng Agribank là 150 tỷ đồng và Ngân hàng BIDV là 51 tỷ đồng. Với con số dư nợ trên, dư luận đặt câu hỏi, tiền lãi khoảng 3 đến 5 tỷ đồng/năm thì liệu bao lâu nữa Tổng công ty Sông Hồng trả hết nợ?

Tổng Công ty Xây dựng Sông Hồng liên tục bị phạt do chậm tiến độ thi công Nhà thi đấu TDTT Đà Nẵng phục vụ Đại hội TDTT toàn quốc lần VI
 
Tổng Công ty Xây dựng Sông Hồng liên tục bị phạt do chậm tiến độ thi công Nhà thi đấu TDTT Đà Nẵng phục vụ Đại hội TDTT toàn quốc lần VI

Câu hỏi đặt ra là ai phải chịu trách nhiệm trước việc dìu dắt Tổng Công ty CP Sông Hồng lâm vào tình cảnh khó khăn như hiện nay?

Để làm rõ vấn đề bạn đọc phản ánh, mới đây, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã liên hệ làm việc với Tổng công ty Sông Hồng nhưng phía Công ty chưa hồi âm lại.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Vững Hoàng