Ai được dự thi các chức danh ngành giáo dục Ninh Thuận?

30/04/2019 07:27
Hưng Long
(GDVN) - Công văn về “Kế hoạch thi tuyển chức danh…” của Sở Giáo dục và Đào tạo đã thể hiện tinh thần thí sinh dự thi phải được cấp phép mới được tham gia.

Ngay sau khi bài viết “Những quân cờ người trong ngành giáo dục ở Ninh Thuận” được đăng tải, nhiều độc giả đã thắc mắc, vì sao 14 chức danh được thi tuyển nhưng chỉ có 18 thí sinh nộp hồ sơ?

Để làm rõ vấn đề này, Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin được trích lược công văn số 61/KH-SGDĐT do ông Nguyễn Bá Ninh ký ban hành về “Kế hoạch Thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo”.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận và công văn số 61/KH-SGDĐT do ông Nguyễn Bá Ninh ký ban hành. (Ảnh: H.L)
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận và công văn số 61/KH-SGDĐT do ông Nguyễn Bá Ninh ký ban hành. (Ảnh: H.L)

Theo đó, ở mục III về Đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn dự tuyển có phân loại rõ.

Đối tượng dự tuyển là công chức, viên chức có đủ điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm và nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn và đang công tác tại đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn.

Công chức, viên chức không công tác tại đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm, nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm và nằm trong quy hoạch chức danh tương đương với chức danh tuyển chọn, đang công tác trong cùng Sở, ngành, lĩnh vực có trình độ chuyên môn phù hợp với chức danh tuyển chọn.

Những quân cờ người trong ngành giáo dục ở Ninh Thuận 

Công chức, viên chức không nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn hoặc chức danh tương đương được Tập thể lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đề cử tham dự tuyển và được Thường vụ Đảng ủy Sở đồng ý bằng văn bản.

Với những quy định về “Đối tượng dự tuyển” như trên đã tước bỏ quyền lợi của các giáo viên trường dân lập, những trường không trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Những giáo viên ở các trường trực thuộc Sở cũng không thể dám tự ý đăng ký dự thi nếu không được đề cử.

Như đã phân tích ở trên, thành phần được dự thi vào các chức danh đều do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý.

Vậy, thầy – cô thực tài có dám tự ý dự thi nếu không được Sở Giáo dục và Đào tạo “cấp phép” cho dự thi không?

Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đặt câu hỏi với ông Nguyễn Bá Ninh, liệu có công bằng cho các giáo viên không khi quy chế thi theo công văn 61/KH-SGDĐT, vì những người nào được Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép mới được dự thi.

Vô tình, những giáo viên ở trường dân lập bị đánh mất cơ hội hay không và những giáo viên và viên chức có dám dự thi hay không?

Ông Nguyễn Bá Ninh cho rằng, thông báo được đăng tải rộng rãi, ai có nguyện vọng thì có quyền đăng ký dự thi chứ không cấm, cho thoải mái.

“Thời gian đăng ký tham gia dự tuyển là 20 ngày và phải đủ các điều kiện”, ông Ninh nói.

Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi, đợt thi tuyển vừa qua có bao nhiêu hồ sơ nộp về để đăng ký dự thi?

Ông Ninh nhấn mạnh, anh hỏi như thế tôi trả lời không được. Đây là chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ủy ban nên phải làm thôi.

Ông Ninh khẳng định, sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin trong thời gian tới.

Ngay sau khi bài viết “Những quân cờ người trong ngành giáo dục ở Ninh Thuận” được đăng tải vào ngày 27/4/2019, ông Nguyễn Bá Ninh đã chủ động liên lạc với Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Ông Ninh đặt câu hỏi, bài viết như thế có khách quan hay chưa? Thầy đã đọc bài viết rồi, thầy muốn biết là bài viết có người ở trong Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp thông tin phải không?

Phóng viên trả lời: “Em không có trách nhiệm phải trả lời với thầy câu hỏi này!”.

Ông Ninh nói, viết như thế không khách quan. Có gì trực tiếp ra đây (đến Ninh Thuận – PV), thầy mời cả Tỉnh ủy để làm việc với em.

“Thầy làm việc không có gì là khuất tất, không có “quân xanh, quân đỏ” gì cả, ông Ninh nhấn mạnh.  

 Ông Ninh nói tiếp: “Em nên lưu ý, đối với ngành giáo dục em đừng nên nói như vậy, đánh giá cả một ngành như thế!”.

Ông Ninh khẳng định: “Cả Tỉnh ủy, Ủy ban chỉ đạo điều hành chứ thầy chứ không phải tự thầy làm ra như vậy. Có chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban đồng ý thì thầy mới tổ chức thi và làm đúng quy trình”.

“Em đặt vấn đề “quân đỏ, quân xanh” thầy rất buồn. Em phải có mặt ở đây (ở Ninh Thuận) để thầy giải trình có mặt cả Tỉnh ủy, Ủy ban để làm rõ”, ông Ninh khẳng định một lần nữa.

Phóng viên đặt câu hỏi: “Khi nào thì em có thể có mặt để làm việc được với thầy và Tỉnh Ủy, Ủy ban?”.

Đầu bên kia điện thoại đột ngột tắt và chỉ còn tiếng… bíp… bíp…! 

Hưng Long