“Bún mắng, cháo chửi là hành động của những người vô văn hóa"

10/07/2012 07:10
Nguyễn Tiến
(GDVN) -  Các nhà nghiên cứu về văn hóa cho rằng “bún mắng, cháo chửi” là hành động của những người vô văn hóa và bản thân một bộ phận khách hàng cũng nên xem lại văn hóa của mình khi lại đi chấp nhận việc đó.
Xung quanh câu chuyện về văn hóa phục vụ của không ít nhân viên, chủ nhà hàng, cửa hàng dành cho khách hàng trên mảnh đất Hà Nội đã lưu danh thành tiếng xấu như: "bún mắng, cháo chửi, bán hàng đốt vía...", tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau của độc giả. Trong số đó đã có nhiều độc giả có những phản hồi, đóng góp xung quanh câu chuyện về văn hóa ứng xử, thái độ phục vụ...rất đáng ghi nhận.
Để bạn đọc có cái nhìn toàn diện, tổng quan hơn về vấn đề trên, phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học).
"Bún mắng", "cháo chửi" vẫn đắt hàng
"Bún mắng", "cháo chửi" vẫn đắt hàng


Về câu chuyện bún mắng cháo chửi và văn hóa phục vụ, văn hóa ứng xử nơi công cộng, PGS, TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học) cho rằng, hành động bán hàng kiểu như các quán “bún mắng, cháo chửi” là hành động của những người vô văn hóa, chỉ lấy mục đích kinh doanh là chính mà đã không nghĩ đến văn hóa phục vụ khách hàng.
Lý giải về hiện tượng rất lạ ở Hà Nội là mặc dù khách hàng vừa ăn vừa phải nghe chửi bới và những lời lẽ thiếu văn hóa nhưng vẫn có rất nhiều người tìm đến các quán ăn như vậy, PGS, TS Bùi Xuân Đính cho rằng: “Cái này phải tìm hiểu xem chất lượng ăn uống ở những quán ăn này như thế nào. Có thể một số người chấp nhận như vậy để được ăn món ngon?

Tuy nhiên trong kinh doanh, bên cạnh sự lợi nhuận anh còn phải đảm bảo sự thoải mái về tinh thần cho người dùng. Không thể cho rằng quán mình nấu ăn ngon mà có thể mắng chửi khách hàng, như vậy là xúc phạm đến người khác.

Việc tồn tại những quán ăn như vậy làm mất đi những nét văn hóa ẩm thực của người Hà Nội. Nhưng cũng thật khó hiểu cho những khách hàng mà họ lại chấp nhận được cung cách phục vụ như thế? Tôi đến những quán ăn mà bị như vậy thì tôi quay ra luôn đấy...”.

Cùng quan điểm lên án, phản đối kiểu bán hàng thiếu tôn trọng khách và thiếu văn hóa của một số chủ nhà hàng ở Hà Nội, PGS, TS Lê Quang Hưng, Trưởng khoa Việt Nam học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Tôi chưa gặp những trường hợp nào như vậy nhưng dù cho món ăn của nhà hàng đó ngon đến đâu nhưng cũng không nên ỷ vào điều này mà có thể mắng chửi, coi khinh khách hàng như vậy.

PGS, TS Lê Quang Hưng, Trưởng khoa Việt Nam học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội
PGS, TS Lê Quang Hưng, Trưởng khoa Việt Nam học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội


Nhất là việc giao tiếp lại rất thiếu văn hóa nơi công cộng như thế. Dẫu sao đó cũng là giao tiếp giữa người mua và người bán nên phải đảm bảo văn hóa giao tiếp. Người ta đến ăn mà mình mắng chửi như thế là không được". 
PGS-TS Lê Quang Hưng chia sẻ: Nếu những vị khách nào mà bị mắng chửi nhiều mà vẫn đến thì tôi cho rằng người khách đó cũng chẳng phải có văn hóa. Thức ăn có ngon thì ngon chứ  đến mà nghe mắng chửi thì lạ thật. Có thể người ta không biết những quán ăn đó mắng chửi nên đến một hay hai lần thôi chứ người nào mà gặp nhiều lần mà vẫn đến ăn thì vị khách đó cũng phải xem lại.

Giả sử những quán ăn đó có ngon thế chứ ngon nữa mà mắng chửi khách hàng thì tôi cũng chẳng thèm đến nữa. Họ ỷ vào đồ ăn của họ ngon nên họ làm thế thôi. Miếng ăn của mình mà họ ứng xử như vậy là không có văn hóa.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Nguyễn Tiến