Video CSGT lớn tiếng, xưng hô mày tao với người vi phạm:

'CSGT làm việc thiếu chuyên nghiệp, lái xe cũng chẳng phải tay vừa'

17/03/2013 17:30
Hải Minh
(GDVN) - Video CSGT lớn tiếng, xưng hô mày tao với người vi phạm đang được dư luân hết sức quan tâm. Hầu hết mọi người đều bức xúc trước cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của lực lượng CSGT trong clip. Tuy nhiên cũng không ít độc giả cho rằng, hành vi của người lái xe cũng có phần chưa đúng.

Mới đây, Báo giaoduc.net.vn đã có bài Video: CSGT lớn tiếng, xưng hô mày tao với người vi phạm. Video này ghi lại những hình ảnh được cho là ‘chưa đẹp’ của một số CSGT tại Hà Nội. Cụ thể, khi kiểm tra hành chính chiếc xe ô tô Innova có biểu hiện sai phạm, một CSGT đã có thái độ thái quá, xưng hô mày tao với người điều khiển.

Bên cạnh đó, khi người lái xe yêu cầu CSGT phải chào anh ta thì người cảnh sát mang hàm đại úy đến và nói rằng ‘Mày thích chào, bây giờ tao chào lại được chưa?’

Người CSGT trong clip xưng hô mày tao với người vi phạm
Người CSGT trong clip xưng hô mày tao với người vi phạm

Sự việc hiện đang gây nhiều bất bình kèm theo đó xuất hiện nhiều luồng thông tin đa chiều trong dư luận. Rất nhiều bình luận, góp ý của độc giả từ khắp nơi gửi về cho tòa soạn. Chúng tôi xin trích dẫn lại một số những bình luận này.

CSGT thiếu lịch sự, nghiệp vụ kém

Độc giả ở địa chỉ thaotominh@gmail.com bình luận: “Qua đoạn video tôi thấy cảnh sát giao thông mà nói chuyện với dân từ đầu tới cuối không có một chúc thiện cảm chúc nào hết, ỷ vào quyền hạn muốn nói sao cũng được. CSGT làm nhiệm vụ trên đường để phuc vụ nhân dân an toàn hơn chứ không phải 'làm khó' nhân dân như vậy”.

Xem đoạn video clip tôi nhận thấy CSGT hung hăng quá! 5 điều Bác dạy công an nhân dân thế nào nhỉ ? Đối tượng tham gia giao thông trong video clip chỉ đáng hàng con cháu, cậu thanh niên này hành xử cũng đâu có gì là quá đáng mà CSGT phải hung hăng như vậy? Hung hăng để áp đặt lỗi vi phạm giao thông cho người dân. Nói tóm lại là những CSGT này thiếu tư cách một công an nhân dân” – Độc giả ở địa chỉ nguyencubeo@yahoo.co.nz viết.

Cũng đồng quan điểm, độc giả địa chỉ mail nam_phamgiang@yahoo.com cho rằng: “Cảnh sát giao thông nên bảo vệ người dân khỏi bị cướp giật, trấn lột, bọn lạng lách, đua xe, xe trộm cướp, xe trở quá tải, quá tốc độ gây nguy hiểm ... hơn là ‘rình’ người dân lương thiện sơ hở rồi dùng luật để làm khó dân như thế này”.

Độc giả manhxanh80@yahoo.com bình luận: “Mấy chú CSGT này xử sự không văn minh, lịch sự. Xem xong clip mà thấy buồn cho ngành CSGT”.

“Tôi cũng không rõ cậu thanh niên đó đi có đúng đường không nhưng theo tôi thấy thì CSGT bây giờ có rất nhiều người không đủ tư cách. Họ lạm dụng chức quyền của mình để hạch sách người dân, cứ thấy con gái, bà già, ông già là gọi xuống rồi nói là vượt tốc độ, sai làn đường.

Đường Việt Nam, đặc biệt ở quê làm gì có làn. Bắn tốc độ thì các ông cứ chọn chỗ đường đẹp nhất để các ông bắn, rồi chẳng thấy giấy tờ, hình ảnh đâu cũng nói anh chị vượt quá thế này, thế nọ. Nói tóm lại là tìm mọi lý do để lấy tiền từ tay người dân. Tôi đồng tình với bạn thanh niên trong đoạn clip đó, là chú cảnh sát không chào, xưng hô mất lịch sự, và đương nhiên là xuống xe thì phải tháo dây an toàn. Mà các ông bắt người ta liệu các ông đã làm đúng chưa?” – Độc giả ở địa chỉ tinhthuybong@gmail.com bức xúc.

Một độc giả khác có địa chỉ mail quanvudinh@yahoo.com nghi ngờ: “Chú công an này dường như có hơi men, nói líu cả lưỡi vào. Đồng ý có thể tài xế cãi cùn nhưng thái độ của chú công an là thiếu kiềm chế, có nhiều cách để giải quyết vấn đề nhẹ nhàng chứ không nên xô đẩy như vậy. Mà đầu tiên không chào đã là sai rồi còn đòi hỏi gì nữa”.

“Cảnh sát không nghiêm túc trong công việc. Cậu lái xe nói quá nhiều. Đồng ý sai thì xử lý nhưng cũng nên nhắc nhở, hướng dẫn với những lỗi nhỏ. Người Công an Nhân dân mà!” – Độc giả ở địa chỉ donga.jscvn@gmail.com đánh giá

Độc giả ở địa chỉ anhdptb@gmail.com viết: “Bất luận vì lý do gì một sỹ quan cảnh sát văng tục với người dân là sai trái và gây phản cảm. Trong lúc Đảng ta đang chỉnh đốn thì những hành động như này tuy nhỏ nhưng lại mang lại suy nghĩ tiêu cực về chính quyền. Cảnh sát nói chung và đặc biệt là CSGT trong thời gian gần đây đã gây không ít vụ việc tiêu cực và gây ác cảm với nguời dân. Tất nhiên đây chỉ là thiểu số và tôi mong các cơ quan liên quan, Bộ công an phải loại trừ những "trường hợp" này”.

Ồ “Cảnh sát giao thông ngày càng hành sử không lịch sự. Theo tôi thì việc tuyển chọn đầu vào của ngành giao thông nói riêng và ngành công an nói chung đang có vấn đề. muốn dẹp tệ tham nhũng, mãi lộ, hành sử thêo lối như ở trên thì trước tiên phải làm chặt chẽ ngay từ đầu vào và tuyển chọn những cán bộ lãnh đạo ngành thật sự có đức, có tâm với nghề thì sẽ giảm thiểu đươc vấn nạn trên” – Độc giả tại địa chỉ truongsonkyniem@yahoo.com nhận xét.

Hình ảnh từ clip
Hình ảnh từ clip

Độc giả ở địa chỉ chianthi090468@gmail.com cho rằng, cách bắt lỗi của một số CSGT trong clip trên chưa hợp lí: “Theo điều 14, chương 5, Thông tư 65/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012. Có 5 trường hợp CSGT được dừng phương tiện để kiểm soát, trong đó có: a - Trục tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ…

Trong clip rõ ràng người CSGT chưa chứng minh được lỗi vi phạm , nghĩa là đã chặn dừng xe chưa đúng quy định của Thông tư do đó chưa được quyền kiểm soát, người lái xe yêu cầu phải chỉ ra lỗi vi phạm, người CSGT lại đổi sang lỗi không thắt dây an toàn. Rõ ràng cách hành xử và nghiệp vụ của CSGT kém”.

“Lái xe Innova cũng chẳng phải tay vừa”

Bên cạnh việc ‘chỉ trích’ lực lượng CSGT trong clip, nhiều độc giả cũng phê bình cách ứng xử của người lái xe Innova. Độc giả balo242166@gmail.com cho rằng: “Người lái xe không chấp hành yêu cầu của CSGT, tôi nghe thấy người này ăn nói mồm năm miệng mười rồi còn ghi âm, quay phim nữa là không đúng. Chúng ta cần phải lên án những người như vậy để lập lại kỷ cương chấp hành luật nói chung và an toàn giao thông nói riêng”.

Độc giả ở địa chỉ trantam@yahoo.com bình luận: “CSGT kêu xuất trình giấy tờ thì cứ trình ra đi, lại còn lôi thông tư với chả qui định ra. Tôi đoán người này là không có giấy tờ nên mới thế đấy mà…”

“Có lỗi cả hai bên. Người vi phạm không chịu xuất trình giấy tờ là không đúng. Nhưng các anh CSGT cư xử như thế là vi phạm luật công chức. trong bất kỳ trường hợp nào thì cũng phải bình tĩnh. Trường hợp này các anh CSGT tự làm xấu đi hình ảnh của mình…” – Độc giả ở ở địa chỉ hotin1968@yahoo.com viết.

Một độc giả khác bình luận: “CSGT làm thế là không đúng nhưng người này cố tình gài bẫy CSGT, anh ta có rất nhiều clip tương tự trên Youtube. Quí vị nên cẩn thận kiểm chứng và đừng vì muốn giật gân mà lãnh hậu quả. Người này cũng chẳng phải tay vừa đâu”.

“Qua vụ việc vừa xem ở viclip, tôi nhận thấy cả 2 điều nóng tính dẫn đến cãi vã không cần thiết. Vậy đề nghị mọi người nên bình tĩnh để giải quyết từng vấn đề một, sẽ không có xảy ra những việc đáng tiết như vừa rồi” – Độc giả ở địa chỉ huynhnu@gmail.com viết.

Độc giả ở địa chỉ longvu.brvt@gmail.com cũng cho rằng, hành vi của người lái xe là chưa đúng: “Nếu cảnh sát giao thông đã thấy anh không đeo dây an toàn thì anh đã sai luật rồi, đâu cần phải chụp hình làm bằng chứng gì nữa chứ. Còn vấn đề xuất trình giấy tờ thì tôi không chắc, nhưng nếu theo luật mà tài xế phải làm thế thì anh này cũng sai luôn rồi. Còn cảnh sát mà hung hăng với dân thế thì cũng không đúng. Nếu anh tài này đã sai, thì cứ theo luật giao thông mà xử thôi. Chứ làm việc kiểu như thế này thì thiếu chuyên nghiệp quá”.

Độc giả ở địa chỉ vanthaicamera@gmail.com đánh giá: “Trước hết chúng ta thấy rằng, tốp cảnh sát đã sai. Sai về điều lệnh của ngành.Nhưng tay lái xe cũng chẳng vừa, cãi như chém chả. Nếu tốp cảnh sát làm việc nghiêm túc chắc chắn sẽ không xảy ra sự việc trên…”.

“Mỗi khi người tham gia giao thông chưa thật sự tự giác chấp hành luật giao thông, Bộ Giao Thông Vận Tải phải tạo điều kiện và hiện đại hóa hơn vấn đề tìm ra lỗi của người Tham gia giao thông (Bằng Luật , Bằng Bằng chứng qua các Camera Tự động chẳng hạn ) để Lực lượng Chấp Pháp là Cảnh sát Giao thông xử lý các trường hợp vi phạm một cách chính xác, hợp lý và khoa học hơn. không nên xử lý theo kiểu thiếu bằng chứng gây phản tác dụng.

Mọi xử lý phải mang tính giáo dục, thuyết phục…Nếu vi phạm nghiêm trọng phải xử lý nặng để có tính răn đe. (Ví dụ người làm nghề lái Taxi vi phạm mà xử lý phạt tiền và tịch thu bằng có thời hạn, vậy có khác gì là cấm người ta hành nghề trong một thời gian” – Độc giả ở địa chỉ Namtrinhnguyen@yahoo.de viết.

Clip CSGT xưng hô mày tao với người vi phạm

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Hải Minh