Các nhà khoa học đánh giá chất lượng đường Lê Văn Lương có "vấn đề"

24/08/2012 16:51
Theo Kienthuc.net
(GDVN) - Trước kết luận của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội rằng nguyên nhân gây sụt lún trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) là do mưa bão, nhiều nhà khoa học không “tâm phục khẩu phục”.

GS.TS Nguyễn Trường Tiến, Chủ tịch Hội Cơ học Đất & Địa kỹ thuật Việt Nam cho rằng, việc khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát và nghiệm thu đường ống nước, nền móng, đất đắp của đoạn đường giao thông có thể đã có sai sót.

Thi công đường ống thoát nước có vấn đề

Không đồng tình với kết luận sụt do mưa lớn, cũng không cho rằng việc rút cọc cừ của công trình xây dựng nhà nhiều tầng gần đó là nguyên nhân chính, GS.TS Nguyễn Trường Tiến cho rằng, chất lượng của đoạn đường đó có vấn đề. Đấy mới là nguyên nhân chính. Mưa lớn, rút cọc cừ chỉ là tác động phụ, cộng hưởng vào mà thôi.

Con đường tạm nằm ngay cạnh hố tử thần đang được thi công gấp.
Con đường tạm nằm ngay cạnh hố tử thần đang được thi công gấp.

GS.TS Nguyễn Trường Tiến phân tích: Thiết kế của con đường đấy đã không đúng quy trình, quy phạm và thiếu kinh nghiệm. Cụ thể là việc thiết kế và thi công của các đường ống thoát nước đã có sai sót. Thực tế, dưới một nền đường có tải trọng động thì không nên thiết kế các đường ống có liên kết mềm. Nên sử dụng công nghệ bê tông đổ tại chỗ, có cường độ bê tông và khả năng chống thấm cao và phải đặc biệt quan tâm đến mối nối.

Nguyên nhân khác nữa có thể là do móng đỡ đường ống đã thiết kế không hợp lý. Nền của đường giao thông và nền dưới ống thoát nước không được xử lý, có thể gây lún lệch. Dưới tác dụng của áp lực đất, áp lực nước chảy từ hồ điều hòa và tải trọng của xe chạy đã phá vỡ kết cấu. Sau khi kết cấu đường ống nước bị phá vỡ, nước từ hồ điều hòa và các vùng lân cận có cơ hội chảy nhanh và với lưu lượng lớn về khu vực này. Đã tạo nên dòng chảy rối, xoáy, hỗn loạn... đã cuốn trôi đất và cát trong nhiều ngày trước đó.

Với các thông tin về kích thước hố tử thần, có thể thấy rằng có khoảng 500m3 đất, cát trong hố đã bị kéo đi. Nếu chỉ do trận mưa lớn hôm đó, thì không thể cuốn trôi một khối lượng đất cát lớn như vậy. Chứng tỏ, nước đã bị rỉ, ngấm, thấm và tạo nên dòng chảy từ trước đó. Trận mưa hôm đó đã tăng áp lực nước và vận tốc nước, chỉ là điều kiện đủ để tạo nên lún sụt.

Việc khắc phục sự cố đương nhiên là cần phải làm ngay. Tuy nhiên, điều đáng làm nhất là phải tìm đúng nguyên nhân, tìm đúng bệnh mới có thể chữa khỏi. Chúng ta có thể tập hợp đầy đủ các tài liệu khảo sát, thiết kế, thi công, thí nghiệm, nghiệm thu, quan trắc của đoạn đường giao thông trên và công trình ngầm lân cận.

"Hố tử thần" trên đường Lê Văn Lương kéo dài
"Hố tử thần" trên đường Lê Văn Lương kéo dài

Có thể tiến hành các khảo sát, đo đạc, thí nghiệm, quan trắc bổ xung. Sau đó lập các mô hình tính toán, mô phỏng quá trình thi công, hoàn công, khai thác và sử dụng để xác định chính xác nguyên nhân và lập phương án cứu chữa thích hợp. Chúng ta cần các kỹ sư xây dựng chuyên nghiệp, thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra, nhận xét, đánh giá, tính toán và ra quyết định một cách khách quan với đạo đức nghề nghiệp.

Khẩn trương “vá” hố tử thần

Sáng 23/8, chúng tôi trở lại“hố tử thần” trên đường Lê Văn Lương. Các tấm tôn bịt kín hố từ thần mấy ngày trước đã được dỡ ra. Hàng chục ô tô tải, máy xúc, cần cẩu đã được đưa tới đây. Các kỹ sư tại hiện trường cho biết: Hiện việc bịt đường nước chảy từ hồ điều hòa vào hố đã xong. Tuy nhiên, để khống chế nước từ các ống thoát nước đưa vào, lúc chúng tôi có mặt, một máy xúc vẫn đang cặm cụi đào bới mặt đường ở cách khu vực hố tử thần vài chục m nhằm bịt đường ống thoát nước chảy vào hồ. Xung quanh hố tử thần, các bao tải cát nằm la liệt. Công nhân đang “dọn dẹp” hố tử thần để tiến hành các bước xử lý tiếp theo.

Ngay gần hố tử thần, một con đường nhỏ cũng đang được thi công khẩn trương cả ngày lần đêm. Con đường này sẽ được sử dụng tạm trong lúc chờ khắc phục xong sự cố.

Nếu là đá ong thì khó mà sụt

Trong số những lý do khiến đường bị sập cần phải kể đến việc nền đường ở đây yếu. Trước đây, đất ở khu vực này chủ yếu là do phù sa bồi đắp, mà thành phần chính là cát, do đó độ kết dính không tốt. Khi có ngoại lực tác động vào, nền đất vốn bị yếu lại bị thấm nước sẽ dẫn đến hiện tượng bị rửa trôi ngầm. “Nếu ở đấy mà là đá ong thì chắc ít có khẳ năng sụt lún”.


GS.TS Cao Đình Triều (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Địa vật lý Việt Nam)
  
Theo Kienthuc.net