Cần loại khỏi ngành những cảnh sát giao thông làm mất hình ảnh như ở Quang Bình

15/06/2017 10:37
Hải Ninh
(GDVN) - Một số Cảnh sát giao thông huyện Quang Bình, Hà Giang đã làm mất uy tín, hình ảnh tốt đẹp của lực lượng Cảnh sát giao thông…

Chắc ai cũng nhớ rằng, hình ảnh Thượng tá Lê Đức Đoàn (55 tuổi), từng công tác tại Đội Cảnh sát giao thông số 1, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã được xã hội tôn vinh bởi tấm lòng, phong cách, tình người, sự tận tụy của ông.

Mấy chục năm đứng chốt cảnh sát giao thông cầu Chương Dương, ông Lê Đức Đoàn đã cứu được gần 40 người, trong đó có những người gặp tai nạn giao thông, và cả những người có ý định nhảy cầu tự tử.

Hình ảnh đẹp về công việc, phẩm chất, nhân cách của Cảnh sát giao thông, Thượng tá Lê Đức Đoàn luôn được người dân ghi nhận, ca ngợi. Ảnh Báo Tuổi trẻ
Hình ảnh đẹp về công việc, phẩm chất, nhân cách của Cảnh sát giao thông, Thượng tá Lê Đức Đoàn luôn được người dân ghi nhận, ca ngợi. Ảnh Báo Tuổi trẻ

Ông Toàn tâm sự, cũng như nhiều ngành nghề khác, ngành cảnh sát giao thông, đều có một số ít người khi thực thi công vụ cố ý gây bức xúc, phiền hà cho nhân dân. Nhưng đó chỉ là số ít.

Có nhiều cháu sinh viên mắc lỗi nhỏ, đưa tiền cho tôi, tôi chỉ hỏi rằng “các cháu lấy đâu ra tiền mà đưa? Phải nhớ rằng tiền các cháu đang dùng là mồ hôi, công sức của bố mẹ các cháu vất vả mới làm ra”, Thượng tá Đoàn tâm sự trên báo Tuổi trẻ.

Ngoài Thượng tá Đoàn, còn hàng trăm, hàng ngàn Cảnh sát giao thông trên khắp đất nước này đang ngày đêm hy sinh, vượt qua gian khổ để đảm bảo an toàn, ninh trật tự, cuộc sống của người dân. Mưa nắng, bão bùng, tội phạm… họ đều vượt qua, hình ảnh của họ được người dân ngợi ca, tôn vinh.

Trong Hội thảo về “Nâng cao hiệu quả tuyên truyền bảo đảm trật tự an toàn giao thông và xây dựng hình ảnh đẹp về người chiến sĩ cảnh sát giao thông” tổ chức tháng 4/2017, Thứ trưởng Bộ Công An Nguyễn Văn Sơn yêu cầu lực lượng Cảnh sát giao thông cần "khắc phục tình trạng tiêu cực, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân, vi phạm điều lệnh, quy trình công tác và các biểu hiện tiêu cực trong công tác".

Năm 1948, giữa những bộn bề công việc cấp bách của Đảng, Chính phủ khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra gay go, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII về “Tư cách người Công an cách mệnh”. Người nêu những phẩm chất đạo đức và tư cách người Công an cách mạng phải có là:

Đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính.

Đối với đồng sự phải thân ái giúp đỡ.

Đối với Chính phủ phải tuyệt đối trung thành.

Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép.

Đối với công việc phải tận tụy.

Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo”.

Ấy thế mà, những ngày qua trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó có Báo điện tử Giáo dục Việt Nam lại liên tục đăng tải câu chuyện, hành vi gây bức xúc của Cảnh sát giao thông huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang.

Cụ thể, vào ngày 07/6/2017, khi 8 chiếc xe tải chở hàng lưu thông trên Quốc lộ 279 khi qua địa bàn huyện Quang Bình (Hà Giang) thì bị lực lượng Cảnh sát giao thông dừng lại để kiểm tra giấy tờ.

Sau khi tài xế xuất trình giấy tờ đầy đủ, tổ công tác này tiếp tục kiểm tra hàng hóa và yêu cầu các tài xế phải cung cấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa nhưng do tài xế để quên hợp đồng vận chuyển hàng hóa, tổ công tác đã tạm giữ 8 chiếc xe chở quặng trên.

8 chiếc xe tải bị lực lượng Cảnh sát giao thông huyện Quang Bình giữ 7 ngày nhưng không tìm ra được lỗi vi phạm.
8 chiếc xe tải bị lực lượng Cảnh sát giao thông huyện Quang Bình giữ 7 ngày nhưng không tìm ra được lỗi vi phạm.

Sáng ngày 08/06, các tài xế bổ sung hợp đồng vận chuyển hàng hóa cho Đội Công an kinh tế huyện Quang Bình kiểm tra. Sau khi kiểm tra, Công an kinh tế huyện đã trả lại các giấy tờ liên quan và đồng ý cho các lái xe tiếp tục lưu thông.

Không tìm ra lỗi để phạt, Đội Cảnh sát giao thông lại lấy lý do xe quá khổ, quá tải. Rồi họ tiến hành cân trọng tải và đo chiều cao xe nhưng các xe trên vẫn tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Đáng lẽ Cảnh sát giao thông phải dừng ngay việc cản trở các phương tiện lưu thông trên đường nhưng không hiểu vì lý do gì, lực này tiếp tục “hành” các lái xe.

Để tiếp tục “kiếm cớ” giữ các xe, lực lượng Cảnh sát giao thông lại đưa ra lý do 8 chiếc xe tải đi qua cầu yếu (cách địa điểm kiểm tra 17 kilomet). Trước sự việc trên, các tài xế vô cùng bất bình, bức xúc vì tại thời điểm đoàn xe lưu thông qua cầu không có biển thông báo về tải trọng nên họ vẫn di chuyển qua cầu.

Điều ngạc nhiên là chỉ sau 1 ngày tạm giữ các xe, không hiểu lực lượng nào đã cho người ra cắm biển thông báo "cầu yếu" dưới 10 tấn để lấy cớ “xử ép” 8 xe tải trên.

Các lái xe tất nhiên họ sẽ không đồng ý với lý do này, bởi người tham gia giao thông chỉ tuân thủ các quy định pháp luật và biển báo của cơ quan chức năng. Không cắm biển cầu yếu nhưng vẫn xử phạt là điều không thể chấp nhận được.

Đội cảnh sát giao thông huyện Quang Bình ra quân tuần tra kiểm tra tình hình vi phạm an toàn giao thông trên địa bàn huyện. Ảnh Quangbinh.hagiang.gov.vn
Đội cảnh sát giao thông huyện Quang Bình ra quân tuần tra kiểm tra tình hình vi phạm an toàn giao thông trên địa bàn huyện. Ảnh Quangbinh.hagiang.gov.vn

Ông Đoàn Trọng Kế, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông huyện Quang Bình nói với lái xe: “Chủ tịch tỉnh nói là Sở Giao thông đã có công báo từ 2015. Ông cứ làm đơn kiến nghị lên Sở Giao thông, đề nghị làm rõ tại sao hôm đó không có biển báo. Khi có văn bản từ Sở Giao thông sang thì tôi mới cho xe đi được. Nếu không có văn bản có nghĩa là không thể đi được…”.

Không chỉ đổ trách nhiệm cho Sở Giao thông, Cảnh sát giao thông Quang Bình có lời lẽ xúc phạm các lái xe: “Tao đang cứu mày, mày ngu lắm! Ông đi qua địa bàn tôi là lúc đó có biển, ông biết chưa? Chỉ mấy ngày nay là nó sửa đổi biển thôi. Ông ngu thế! Ông không hiểu gì cả! Không may là rơi vào số phận của ông, để làm rõ việc này ông “ốm” luôn, chuẩn bị ăn 180 triệu đến nơi rồi. Tôi cũng đã báo cáo Chủ tịch huyện và Chủ tịch tỉnh, hai ông ấy đều đồng ý để tôi phạt ông, nhưng tôi đang cứu các ông, ông hiểu chưa?. Tôi làm báo cáo cho Chủ tịch tỉnh rồi, ông ấy yêu cầu xử phạt, nếu không chấp hành thì bị giữ xe”.

Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông còn đe dọa đưa vụ việc sang bên Cơ quan điều tra để họ xử lý các lái xe. “Ông cứ như thế này thì chúng tôi sẽ cho đình chỉ vụ việc và báo cáo Giám đốc Công an tỉnh để cho cơ quan điều tra người ta vào cuộc. Công an mình không bao giờ làm sai, và cơ quan điều tra sẽ phải mở cuộc điều tra làm rõ việc này… Sếp mà “phật ý” để cho Cơ quan điều tra người ta xuống làm từ A đến Z thì các ông đi đâu?”, ông Đoàn Trọng Kế hùng hồn cho biết.

Đến ngày 13/6/2017, theo thông tin từ các lái xe, lực lượng Cảnh sát giao thông huyện Quang Bình (Hà Giang) buộc phải giao trả 8 chiếc xe tải. Lý do, sau 7 ngày giam giữ, Cảnh sát giao thông không tìm ra bất cứ lỗi gì để xử phạt và giữ 8 chiếc xe tải của tài xế. Đồng thời, do giữ xe trái pháp luật, lực lượng Cảnh sát giao thông huyện Quang Bình đã bồi thường cho các lái xe tổng số tiền là 80 triệu đồng.

Dẫu biết rằng những hành vi sách nhiễu, hạch sách, cản trở giao thông của một số Cảnh sát giao thông huyện Quang Bình chỉ là “những con sâu làm rầu nồi canh”, chỉ là những cá nhân đơn lẻ trong hàng chục ngàn Cảnh sát giao thông có phẩm chất tốt đẹp, đáng được tôn vinh.

Tuy nhiên, để gìn giữ hình ảnh đẹp của người chiến sỹ Công an nhân dân trong đó có lực lượng Cảnh sát giao thông, nhiều người cho rằng, cần thiết phải loại ra khỏi ngành những cán bộ chiến sỹ Công an có hành vi “làm mất hình ảnh” ở Quang Bình (Hà Giang). Việc làm này cần thiết bởi không những lấy lại hình ảnh, uy tín của lực lượng Cảnh sát giao thông mà còn là tấm gương, bài học cho những chiến sỹ khác.

Hải Ninh