Cảnh giác với những công ty tư vấn du học lừa đảo

12/05/2017 15:00
Tấn Tài
(GDVN) - Nhiều trường hợp thành lập công ty du học làm “bình phong” nhằm lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền hàng tỷ đồng.

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cũng đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng như: công an, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Đại học Đà Nẵng… về việc tăng cường quản lý hoạt động tư vấn du học và báo cáo hoạt động dịch vụ tư vấn du học.

Nhận “trái đắng” vì bị công ty du học lừa

Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an Đà Nẵng) đang tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi lập công ty tư vấn du học để lừa đảo của Nguyễn Sông Thao (ngụ xã Phú Thành, Yên Thành, Nghệ An).

Công ty tư vấn du học ILA bị gia đình học viên tố "mang con bỏ chợ". Ảnh: TT
Công ty tư vấn du học ILA bị gia đình học viên tố "mang con bỏ chợ". Ảnh: TT

Theo thông tin ban đầu, vào khoảng năm 2004, mặc dù không có kiến thức trong lĩnh vực du học nhưng Thao vẫn thành lập Công ty cổ phần du học quốc tế Nhật Minh Thịnh.

Cảnh giác với những công ty tư vấn du học lừa đảo ảnh 2

Tư vấn du học lừa đảo – liệu Việt Nam có đang “học” Trung Quốc?

(GDVN) - Liệu Việt Nam đang “học” Trung Quốc về những dịch vụ lừa đảo du học? Rất nhiều khả năng, khi nhìn kỹ lại thị trường.

Công ty được Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cấp giấy phép kinh doanh số 0404.154.5667 do Thao làm giám đốc, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn du học, môi giới lao động, việc làm…

Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, công ty này kinh doanh ngày càng thua lỗ.

Theo cơ quan công an, lợi dụng cái “mác” tư vấn du học, Thao nhận tiền tư vấn, tiền lệ phí để đưa người ra nước ngoài du học nhưng không thực hiện đúng theo hợp đồng mà chiếm đoạt tiêu xài cá nhân.

Có trường hợp, Thao còn làm giả cốt vé máy bay giả cho nạn nhân ra Hà Nội để bay đi du học nhưng khi vào sân bay mới biết bị lừa.

Ngoài ra, Thao dựng nên các hợp đồng du học nhưng thực chất là cung cấp dịch vụ cho những người có nhu cầu xuất khẩu lao động.

Tháng 5/2015, Thao còn mở rộng chi nhánh công ty du học vào thành phố Hồ Chí Minh và được Sở kế hoạch và đầu tư thành phố này cấp phép lập văn phóng đại diện với ngành nghề chính là: tư vấn du học.

Thao vẫn tiếp tục sử dụng “chiêu bài cũ” là vừa tư vấn du học nhưng vừa tư vấn xuất khẩu lao động sang các nước như: Úc, Nhật, Pháp…

Theo đơn tố cáo của anh NTT. (quê Nghệ An) thì anh này được công ty của Thao ký hợp đồng đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản dưới vỏ bọc “du học”.

Anh T. đã chuyển cho Thao số tiền 396 triệu đồng nhưng phía công ty này nhận tiền mà không thực hiện đúng như cam kết.

Tương tự, chị PTT. (ngụ thành phố Hồ Chí Minh) đến văn phòng công ty Thao để làm thủ tục xuất khẩu lao động Úc. Tại đây, Thao vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp cho chị T. sẽ làm phụ bếp tại nhàng với mức lương cao. Hai bên ký kết hợp đồng và chuyển tiền theo từng đợt.

Sau khi nộp gần 500 triệu đồng, Thao đưa cho chị T. một tờ giấy viết bằng tiếng Anh bảo đó là visa điện tử, được sử dụng khi lên máy bay. Sau này tìm hiểu, chị T. mới té ngửa vì bị lừa, đó chỉ là một tờ giấy vụn, không có giá trị.

Qua quá trình điều tra, Công an quận Cẩm Lệ đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Thao để điều tra làm rõ hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cảnh báo lừa đảo du học

Trước tình trạng bát nháo của dịch vụ tư vấn du học, mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng, đơn vị tư vấn du học về việc: “tăng cường quản lý hoạt động dịch vụ tư vấn du học và báo cáo hoạt động dịch vụ tư vấn du học”.

Cảnh giác với những công ty tư vấn du học lừa đảo ảnh 3

Những cuộc “ngã giá” giữa Công ty tư vấn du học và gia đình học viên

(GDVN) - Ngoài việc khuất tất trong hóa đơn, chứng từ thu chi thì theo tìm hiểu của gia đình học viên, mức chí phí họ phải đóng cao hơn thực tế hàng ngàn USD.

Theo Sở này, thời gian vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được phản ánh về sai phạm của một số tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học như: cung cấp thông tin quảng cáo không chính xác, thiếu trách nhiệm và có hành vi lừa đảo trong công tác tổ chức đưa người đi học tại nước ngoài.

Trong đó, đặc biệt là du học Nhật Bản. Đồng thời, theo phản ánh từ phía Nhật Bản, hiện có nhiều người Việt Nam được các công ty, đơn vị tư vấn du học đưa sang Nhật học tiếng nhưng sau khi kết thúc chương trình học tiếng, lưu học sinh không tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục mà đi kiếm việc làm tại Nhật Bản.

Như vậy, một số công ty, đơn vị tư vấn du học đã lợi dụng hoạt động tư vấn du học để đưa người Việt Nam ra nước ngoài làm việc (hoạt động xuất khẩu lao động trá hình) vi phạm quy định.

Để chấn chỉnh thực trạng trên, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Đại học Đà Nẵng, các trường Đại học ngoài công lập, các công ty, đơn vị có chức năng hoạt động dịch vụ tư vấn du học thực hiện nghiêm túc các quy định.

Rà soát, tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động dịch vụ tư vấn du học, việc cung cấp thông tin du học các trường, các nước, đặc biệt là Nhật Bản đến sinh viên và phụ huynh có quan tâm của các đơn vị trực thuộc.

Các công ty, đơn vị có chức năng hoạt động dịch vụ tư vấn du học không được lợi dụng hoạt động tư vấn du học để đưa người Việt Nam ra nước ngoài làm việc.

Các đơn vị có chức năng hoạt động dịch vụ tư vấn du học báo cáo tình hình hoạt động dịch vụ tư vấn du học theo mẫu quy định để Sở giám sát.

Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có kế hoạch tiếp tục phối hợp với Công an thành phố, các ngành chức năng kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học của các trường đại học, công ty, đơn vị đang hoạt động dịch vụ tư vấn du học trên địa bàn.

Trước đó, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã có nhiều bài phản ánh về trường hợp gia đình học viên HNM. (Đà Nẵng) tố cáo công ty tư vấn du học ILA “mang con bỏ chợ”.

Liên quan đến vụ việc này, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng đã chuyển hồ sơ sang Phòng Cảnh sát kinh tế - PC46 (Công an Đà Nẵng) thụ lý, điều tra theo thẩm quyền.

Tấn Tài