Chàng trai "khùng" bỏ Hà Nội lên vùng cao dạy học cho trẻ em nghèo

29/04/2013 08:16
Văn Thành
(GDVN) -Mọi người khi nghe câu chuyện của anh đều bảo anh “hâm”. Đang có cuộc sống, công việc với mức thu nhập ổn định ở Hà Nội sao tự nhiên lại quyết định bỏ lại tất cả lên Sapa dạy học cho trẻ em nghèo, sống cuộc sống như một “trai bản”.
Đi để thử thách bản thân
Sinh năm 1990, tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội, đang có một công việc ổn định tại trường quốc tế Đông Phương, nhưng chàng trai Nghiêm Xuân Trọng (quê Hà Nội) đã quyết định từ bỏ tất cả để lên vùng cao  trải nghiệm thử thách bản thân và sau đó là quyết định ở lại đây dạy học cho trẻ em nghèo.
Giải thích về lý do, anh thường nói vui rằng: “Đúng là Hà Nội cho mình rất nhiều cơ hội, công việc cũng không đến nỗi tồi, bạn bè thì không ít. Đã thế Hà Nội lại còn rất đẹp và thơ mộng nữa…Nhưng mà chắc tại vì thế nên mọi người đều đổ ào ào về đây nên mình thấy cuộc sống ở đây bon chen và ngột ngạt quá.

Vả lại, mình mà ở lâu là thể nào cũng cuồng chân không chịu nổi mất. Thế nên giờ có sức cứ đi cái đã, sau này hết sức rồi tính tiếp. Nói tóm lại là, cuộc sống ở Hà Nội làm mình cảm thấy như mình chỉ đang tồn tại thôi, không phải là sống. Thế nên mình đi để sống.” 
Trọng ( áo đỏ) trong một chuyến chinh phục đỉnh FANSIPAN
Trọng ( áo đỏ) trong một chuyến chinh phục đỉnh FANSIPAN
Nghĩ là làm, Trọng mất 1 tuần để xin nghỉ việc và 1 tuần để chuẩn bị hành lý lên đường. Đêm 31/8/2012 Trọng mua vé tàu lên ga Bảo Hà- Lào Cai. Hành trang anh mang theo ngoài những kiến thức sư phạm là sự thôi thúc phải đi và gần 3 triệu đồng trong túi. Từ đây, anh đã khởi hành chuyến đi của cuộc đời mình. 
Dám nghĩ dám làm
Lúc đầu Trọng dự định chỉ đi 1 tháng, để thử thách bản thân và để khám phá thiên nhiên, con người nơi đây. Nhưng đặt chân đến Lào Cai, Trọng mới cảm nhận được những hết khó khăn mà mình sắp phải đối mặt : Không có kế hoạch, không người thân và phải tự bươn trải kiếm sống.
Nhưng may sao, khi đang bơ vơ giữa Sapa, một chú xe ôm hỏi thăm Trọng và bị cuốn vào câu chuyện của anh. Chú đã dẫn anh vào nhà một người dân trong thôn Sình Chải. Sau khi trình bày ý định của mình bằng 1 “trận rượu” tưng bừng, Trọng được gia đình người dân vui vẻ cho ở lại. Trọng bảo đây là lần đầu tiên anh say đến thế và cũng không nhớ nổi là mình đã thuyết phục chủ nhà như thế nào nữa. 
Anh được chủ nhà sắp xếp cho ngủ ở một căn nhà trống  làm bằng gỗ, 2 gian, lợp bờ rô, nền đất. Giường  là vài miếng gỗ ghép thành, đệm là một cái chăn bông và có thêm 1 cái khác để đắp.
Lớp học của Trọng luôn có các du khách dừng lại ghé thăm.
Lớp học của Trọng luôn có các du khách dừng lại ghé thăm.
Vậy là cuộc sống của trai bản “Vàng A Trọng”- cái tên mà người dân nơi đây  đặt cho anh- chính thức bắt đầu. Trọng không ngờ mọi người lại tốt và hiếu khách đến vậy, họ coi anh như một thành viên trong gia đình. Những ngày đầu Trọng  lên nương phát rẫy, đi gặt lúa, lên rừng lấy củi...và chứng kiến cuộc sống nghèo khổ của bọn trẻ cũng như người dân nơi đây  khiến anh muốn làm một điều gì đó để giúp họ. 
Trọng thấy bọn trẻ không thể phát âm chuẩn tiếng Việt, nhưng chúng  lại đặc biệt thích học tiếng Anh, tiếng Kinh để giao tiếp với khách du lịch.  Và anh  đã nảy ra ý định dạy học cho chúng.

Từ một ý tưởng, cộng thêm lòng nhiệt thành của tuổi trẻ,  lớp học đã được dựng lên. Ban đầu, lớp học của Trọng chỉ có khoảng hơn chục học sinh. Ban ngày Trọng dạy tiếng Việt (chủ yếu là phát âm) buổi tối thì dạy tiếng Anh (giao tiếp thông thường). 
Ngoài dạy  kiến thức văn hóa, anh cũng dạy cho bọn trẻ những bài học về cuộc sống, phong tục, văn hóa các nơi...Lớp học của Trọng được người dân hết mực ủng hộ và tạo được một ấn tượng tốt trong vùng. Sau đó anh được mời đến Trường Tiểu học San Sả Hồ phụ giúp các cô giáo ở đây dạy học. Các cô sau khi nghe anh kể chuyện đều trêu anh là “hâm mới ở trên này lâu như thế” nhưng thực chất họ rất ngưỡng mộ anh. Không phải ai cũng dám làm như vậy.
“Bọn trẻ rất ham học và học rất nhanh khiến mình cũng rất hào hứng dạy. Mình cảm thấy công việc này thật sự có ý nghĩa. Mình mong rằng, với vốn ngôn ngữ và kiến thức chúng có,  sau này chúng có thể tự phát triển để làm hành trang kiếm sống, chúng sẽ không phải ngửa tay xin tiền du khách hay phải bán đất lên núi cao sống nữa.” Trọng chia sẻ.
Không chỉ dạy văn hóa, Trọng còn dạy các em những bài học về cuộc sống.
Không chỉ dạy văn hóa, Trọng còn dạy các em những bài học về cuộc sống.
Tuy nhiên, mới đây lớp học của Trọng buộc phải dừng lại do chưa xin được giấy phép dạy học của huyện. Trọng bảo anh đang cố gắng hết sức để lớp học có thể hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất. 
Với vốn tiếng Anh sẵn có, anh cũng làm một hướng dẫn viên du lịch tự do để quảng bá, giới thiệu về Sapa trên các mạng xã hội với dự án cá nhân “Into sapa”. Thu nhập từ nghề này đủ để giúp anh duy trì cuộc sống của mình .
Thoáng chốc, Trọng đã ở lại đây được 5 tháng. Trong khoảng thời gian đó, anh mới về thăm nhà được ba, bốn lần. Mỗi lần về cũng chớp nhoáng rồi lại đi ngay . Anh vui vì bố mẹ, bạn bè luôn ở bên,tôn trọng và ủng hộ quyết định của mình. Và nhất là đang có rất nhiều bạn trên cả bước mong muốn lên Sapa cùng anh để dạy học cho lũ trẻ khi lớp học hoạt động trở lại.
Hiện tại, một ngày của trai bản “ Vàng A Trọng” bắt đầu bằng việc đến trường giúp các cô giáo dạy học, buổi tối thì anh dạy ở nhà. Cuối tuần anh theo lũ trẻ bắt cua, bắn chim hoặc đi lên rừng hái hoa, thồ củi. Thỉnh thoảng anh lại cũng những người bạn dưới xuôi chinh phục đỉnh Fansipan: “Nói chung là mình hài lòng với cuộc sống hiện tại, ung tự, tự do không bon chen như dưới thủ đô. Điều mình tiếc nuối nhất là lớp học tại nhà của mình chưa hoạt động trở lại được. Hiện tại, mình cũng đang nuôi dạy 2 em nhỏ trong bản tại nhà của mình. Hi vọng chúng có thể thi đỗ trường THCS nội trú trong thị trấn.”
Khi được hỏi về dự định cho sự nghiệp sau này, Trọng đáp : “Làm sao mình có thể định hướng sự nghiệp khi mà chưa biết niềm đam mê của mình là gì. Mà ai biết đâu đấy, ở những nơi mà mình đến biết đâu mình lại tìm thấy sự nghiệp của mình”.

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi

Văn Thành