Chính phủ chỉ đạo làm rõ vụ 200 doanh nghiệp ở Bình Dương bị đóng cửa

17/08/2014 06:55
Hải Ninh
(GDVN) - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh Bình Dương xem xét, giải quyết khiếu nại của các DN, cơ sở sản xuất gạch tại Bình Dương.

Ngày 18/6/2014, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 4515/VPCP-KTN thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải về việc UBND tỉnh Bình Dương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về khiếu nại của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất gạch bằng công nghệ Hoffman trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Tiếp đến, ngày 02/7/2014, Thanh tra Chính phủ cũng có Văn bản số 2492/TDXLĐ-XLĐ về việc Thanh tra Chính phủ nhận được đơn của ông Bùi Trí Dũng (cùng đại diện của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ Hoffman tại tỉnh Bình Dương đồng ký đơn). Nội dung đơn kiến nghị, việc Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chấm dứt hoạt động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã ảnh hưởng đến hơn 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và cùng 10 nghìn công nhân không có việc làm. Thanh tra Chính phủ đã chuyển nội dung đơn khiếu nại này đến UBND tỉnh Bình Dương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Thanh tra Chính phủ cũng có văn bản chuyển nội dung đơn của các doanh nghiệp đến UBND tỉnh Bình Dương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Thanh tra Chính phủ cũng có văn bản chuyển nội dung đơn của các doanh nghiệp đến UBND tỉnh Bình Dương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Trước đó, như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, ngày 05/05/2009, UBND tỉnh Bình Dương có Văn bản số 1147/UBND-VX  về việc đồng ý cho thực hiện xây dựng lò vòng, lò vòng cải tiến (hay còn gọi là lò Hoffman hay công nghệ Hoffman) tại Công ty TNHH MTV Việt Linh, huyện Phú Giáo, Bình Dương.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bình Dương giao cho Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, giám sát việc thực hiện thí điểm việc chuyển đổi lò gạch thủ công sang công nghệ lò Hoffman. Quá trình thực hiện thí điểm, vận hành sản xuất đều đạt yêu cầu về chất lượng sản phẩm, về tiêu chuẩn môi trường, tận dụng nguyên liệu phế thải tại địa phương (mùn cưa, trấu, vỏ hạt cà phê…) phù hợp với chủ trương chính sách của Nhà nước.

Ngày 26/11/2010, Sở Xây dựng tổ chức cuộc họp gồm các sở Tài nguyên Môi trường, Công thương, Khoa học Công nghệ và UBND các huyện, thị xã và thống nhất trình UBND tỉnh thu hồi chủ trương tại Công văn số 1867/UBND-XD ngày 29/6/2010 về việc không xây dựng lò gạch nằm Hoffman trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Đề nghị UBND tỉnh gia hạn thêm thời gian 1 năm chuyển đổi lò gạch thủ công và lộ trình đến năm 2011 ngưng tất cả các lò thủ công trên địa bàn tỉnh.

Sau khi có kết quả thí điểm, ngày 03/12/2010, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương có Tờ trình số 2134/TTr-SXD-KTVLXD gửi UBND tỉnh Bình Dương, trong đó đề nghị: “Thu hồi chủ trương không cho xây dựng lò Hoffman trên địa bản tỉnh Bình Dương  tại Văn bản số 1867/UBND-VX ngày 29/06/2010 với lý do mô hình thí điểm theo công nghệ lò Hoffman cải tiến đốt than đá ở Phú Giáo do Sở Khoa học và Công nghệ triển khai đã được đánh giá đạt yêu cầu về chất lượng sản phẩm và môi trường…”.

Gần 10 ngàn công nhân sẽ "bơ vơ" khi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch đóng cửa.
Gần 10 ngàn công nhân sẽ "bơ vơ" khi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch đóng cửa.

Tuy nhiên, lấy lý do là các doanh nghiệp không xin phép cơ quan chức năng khi chuyển đổi công nghệ, ngày 14/02/2012 và 02/07/2012, UBND tỉnh Bình Dương có Văn bản số 328/UBND-KTN và Thông báo số 169/TB-UBND về việc bắt buộc các doanh nghiệp (DN) và cơ sở sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman trên địa bản tỉnh phải chấm dứt hoạt động vô điều kiện trước ngày 30/06/2014, nếu không chấm dứt sẽ bị các cơ quan tỉnh Bình Dương cưỡng chế.

Các doanh nghiệp bức xúc vì trước đó họ đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho nhà máy (mỗi DN, cơ sở đầu tư từ 8-10 tỷ đồng, chưa kể vốn lưu động). Phần lớn vốn họ vay ngân hàng, mới sản xuất chưa thu hồi được.

Hơn nữa, theo quy định tại Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31/07/2007; Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg ngày 01/08/2007; Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg, việc các DN sản xuất gạch ngói thủ công sang công nghệ mới ít ô nhiễm, an toàn là việc nên khuyến khích và đúng chủ trương của Nhà nước.

Đối với gạch sản xuất theo công nghệ Hoffman, Bộ Xây dựng có Văn bản số 986 ngày 01/6/2012 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 15/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo: “Với lò vòng, lò vòng cải tiến (có nơi gọi là lò Hoffman) không sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà sử dụng phế liệu của ngành nông nghiệp (trấu, mùn cưa, vỏ hạt điều …) tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương có thể cho phép tồn tại…”.

Ngày 28/5/2014, chủ cơ sở lò gạch 7 Luật ở ấp Đất Đỏ, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) nhận được thông báo của UBND xã An Lập về việc chấm dứt hoạt động cảc lò gạch Hoffman trên địa bàn xã.

Theo đó, các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò Hoffman phải lưu ý chấm dứt lộ trình sản xuất gạch này kể từ ngày 30/6/2014.

Việc đóng cửa hơn 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch bằng công nghệ Hoffman sẽ gây ra những hệ lụy là: Tiền đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào công nghệ Hoffman của các doanh nghiệp sẽ “không cánh mà bay”; Hơn 10 ngàn lao động phổ thông có đời sống kinh tế thấp ở địa phương và vùng phụ cận sẽ mất việc làm; Chừng ấy lao động là chừng ấy gia đình với vợ, chồng, con cái, bố mẹ… của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về đời sống kinh tế; Quyền lợi của người tiêu dùng sẽ bị xâm hại, thị trường sẽ trở nên “méo mó” nếu như chỉ có 1 loại sản phẩm là gạch Tuynel được phân phối…

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Hải Ninh