"Chồng tôi cũng là một chàng trai miền Trung ham chơi, ham nhậu"

11/09/2012 06:17
Độc giả Nguyễn Hải Châu
(GDVN) - "Trước khi lấy chồng, tôi cũng hay so sánh đàn ông miền Bắc với đàn ông miền Nam. Tôi cũng không có nhiều lựa chọn và cuối cùng tôi vẫn chọn đàn ông miền Nam. Tuy nhiên tôi đã nhầm, chồng tôi tuy hiền lành nhưng lại lười biếng, ham chơi, ham nhậu...", độc giả Nguyễn Hải Châu chia sẻ.
Ngay sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết "Phụ nữ Sài Gòn thích trai Hà Nội vì không nhậu nhẹt như trai Sài Gòn", tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến, phản hồi của độc giả.

Một trong những ý kiến đó là của độc giả Nguyễn Hải Châu. Mời bạn đọc cùng theo dõi:


Trước khi lấy chồng, tôi cũng hay so sánh đàn ông miền Bắc với đàn ông miền Nam. Tôi cũng không có nhiều lựa chọn nhưng cuối cùng tôi vẫn chọn đàn ông miền Nam, đúng hơn là đàn ông miền Trung, mà lại là một giáo viên.

Nguyên do là ba tôi sinh ra ở trong Nam nhưng gốc gác là ngoài Bắc. Thuở tôi còn nhỏ, trong mắt tôi, ba tôi là một người rất gia trưởng, mọi chuyện trong nhà ông đều tự quyết định, ít khi nào ông thông qua má tôi, có những việc ông làm rồi mới về nói với má. Còn chuyện vun vén gia đình thì tôi không mấy để ý và so sánh giữa đàn ông hai miền.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Có lẽ vì lúc đó tôi còn quá nhỏ. Có một điều nữa là ba tôi do điều kiện công việc và một phần có tính ham chơi nên quãng thời gian tuổi thơ, tôi thấy ba tôi đi suốt ngày, về đến nhà lúc nào cũng say; đến nỗi tôi quen dần sự không có mặt của ba tôi ở nhà. Lúc nào cũng chỉ có ba mẹ con tôi thui thủi quây quần bên nhau (nhà nội, nhà ngoại đều ở xa).
Vì chuyện đó mà trong lòng tôi không có thiện cảm với đàn ông miền Bắc vì tôi cho là ai cũng như ba tôi.
Tôi sống ở một tỉnh Tây Nguyên, nơi tôi ở, người miền Bắc đi kinh tế mới vào rất nhiều. Có người đã có gia đình, người chưa có thì họ kết hôn với người tại địa phương. Hầu hết những người này đều có điều kiện kinh tế thấp ở quê nên họ mới đi kinh tế mới với hy vọng đổi mới được kinh tế của bản thân và gia đình. Và phải công nhận rằng họ rất siêng năng và cần kiệm, đồng thời còn rất đùm bọc nhau. Chỉ cần so sánh là dễ dàng thấy được sau một thời gian họ đã vươn lên ngang bằng thậm chí là hơn những người gốc tại địa phương. Nhưng dù kinh tế có khá hơn, họ vẫn rất tiết kiệm. Nhưng có một điều, nhiều người có chồng miền Bắc (thuộc diện đi kinh tế mới) mỗi lần về thăm quê chồng lại tốn một khoản tiền không nhỏ (có thể còn rất lớn) để làm quà cáp chưa kể tiền đi lại, ăn uống…. Theo tôi biết, người miền Bắc sống rất đoàn kết, nếu có điều kiện họ luôn giúp đỡ đồng hương và nhất là anh em, con cháu, thân tộc. Họ đưa em, cháu vào miền Nam, nuôi ăn học, xin việc làm, dựng vợ gả chồng. Việc này không xấu nhưng có nhiều người phụ nữ lấy chồng Bắc phải chịu sự phiền phức khi giúp đỡ con cháu của chồng tuy điều này chỉ là số ít.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thểBẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Tôi nhớ có lần, một người phụ nữ đã kể cho tôi nghe rằng cháu chồng của họ lấy xe máy của gia đình đi chơi, gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn để mặc mọi việc.
Từ khi nhận thức việc lựa chọn người bạn đời, tôi chỉ toàn nghe và thấy nhưng điều không hay về đàn ông Bắc. 

Má tôi, trải qua thời gian nặng nề của đời sống gia đình, bà luôn định hướng tôi nên lấy chồng miền Nam vì bà không muốn tôi phải sống xa bà, xa quê hương, phải chịu nỗi cô đơn, buồn tủi khi chồng không phải là người đàn ông của gia đình, mà lại không có một chỗ dựa tinh thần như bà.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Lúc tôi tốt nghiệp ra trường, tôi cũng có một vài người bạn gốc miền Bắc nhưng má tôi phản đối ghê lắm. Chỉ mới nói chuyện qua điện thoại là má tôi là không đồng ý ra mặt rồi. Cộng với những ký ức lúc nhỏ, không hoàn toàn là theo ý má tôi, tôi đã chọn chồng miền Trung, là một giáo viên vì tôi nghĩ làm ở các sở ban ngành thì hay đi nhậu, còn giáo viên ít nhiều cũng phải có phong thái của một nhà giáo.

Tôi đã nhầm...

Nhưng tôi đã lầm. Chồng tôi tuy biết làm mọi việc nhưng do lúc nhỏ ở nhà có chị gái đảm đang, lớn thì có các chị dâu nên chồng tôi không mó tay vào việc gì cả. Đến khi lấy nhau, tôi phải mất thăng bằng một thời gian dài và bằng nhiều biện pháp, tôi đã làm chồng tôi thay đổi ít nhiều. Nói chung bây giờ, nhìn lên có thể không bằng ai nhưng nhìn xuống thì cũng hơn nhiều người.

Bản tính chồng tôi hiền lành, chỉ tội làm biếng và ham chơi, nói đúng là ham nhậu. Tôi chỉ trách bản thân mình không nhìn thấy được trong giai đoạn tìm hiểu.

Hiệu trưởng trường chồng tôi cũng là một người rất thích nhậu. Để tránh dư luận, ông ấy tổ chức nhậu ở căn tin của trường. Tuy nhiên mỗi cuộc nhậu kéo dài 4 – 5h đồng hồ. Thỉnh thoảng lại rủ giáo viên đi vào các xã nhậu đến khuya. Chồng tôi vốn tính ham chơi, công tác tại trường này thì đúng là….  

Chồng tôi mỗi lần đi nhậu với anh em trong trường là đi từ chiều đến khuya mới về. Mấy lần tôi khuyên nhủ, nhỏ nhẹ có, to tiếng có, cũng không thay đổi. 

Gần đây trường anh ấy ít nhậu hơn nhưng lúc trước tôi đánh dấu trên lịch thì thấy rằng cứ 1 tuần thì có 4 ngày đi nhậu rồi. Tôi rất khó chịu, thậm chí bực bội với cái kiểu hay tổ chức nhậu nhẹt la cà đó nhưng không có cách nào...

Hiện tại, tôi có một con gái và tôi cũng suy nghĩ nhiều về điều này, nếu được tôi cũng khuyên con gái tôi nên lấy chồng miền Bắc thậm chí là lấy chồng nước ngoài.
Hôm nay, tôi mạnh dạn viết những tâm sự, mong được sự đồng tình của nhưng người có hoàn cảnh như tôi...* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thểBẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Độc giả Nguyễn Hải Châu